Gian nan hàng việt vào siêu thị - Bài 2: Đi tìm tiếng nói chung

Đất chật, người đông
Gian nan hàng việt vào siêu thị - Bài 2: Đi tìm tiếng nói chung

Trước tình trạng DN sản xuất bị các nhà phân phối o ép về nhiều mặt, một chuyên gia thị trường nhìn nhận, hiện nay mối quan hệ giữa cung cầu hàng hóa  không bình đẳng. Nguyên nhân do chúng ta đang có quá nhiều nhà sản xuất hàng hóa ở dạng nhỏ, lẻ, nên năng lực tổ chức sản xuất và cung ứng có hạn, trong khi hệ thống phân phối lại quá ít.

Mua hàng Việt tại siêu thị. Ảnh: CAO THĂNG

Đất chật, người đông

Riêng tại TPHCM, hệ thống hạ tầng thương mại cũng  phát triển chưa đúng tầm để đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và phân phối. TPHCM hiện có gần 10 triệu dân nhưng chỉ có 37 trung tâm thương mại (TTTM), 168 siêu thị, khoảng 723 cửa hàng tiện ích và 240 chợ truyền thống.

Theo tính toán, với quy mô dân số như TPHCM thì phải có 100 TTTM, 1.000 siêu thị và 10.000 cửa hàng tiện ích mới có thể đa dạng hóa các kênh phân phối nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân.

Một DN sản xuất ngành hàng thực phẩm cho rằng, hàng năm xuất hiện thêm nhiều nhà cung cấp (cả hàng hóa trong nước và hàng nhập khẩu từ nước ngoài), trong khi tốc độ phát triển hạ tầng phân phối chưa theo kịp, nên sức cạnh tranh ngày càng dữ dội. Để giành chỗ trong siêu thị, nhiều DN sẵn sàng trích chiết khấu thật cao hoặc cung cấp hàng theo dạng ký gửi nhằm đánh bật “đối thủ” ra khỏi các quầy kệ.

Chính do “đất chật, người đông” nên những nhà sản xuất nhỏ, đặc biệt các cơ sở sản xuất làng nghề vì hạn chế về năng lực tài chính, rất khó đưa hàng vào các kênh phân phối hiện đại. Nếu đưa được hàng vào cũng khó tồn tại, duy trì vị trí quầy kệ. Điều này đồng nghĩa, các DN sản xuất luôn ở thế kèo dưới, còn nhà phân phối lại nắm trong tay rất nhiều quyền lựa chọn.

Tại một số hệ thống siêu thị, việc coi thường các nhà cung cấp hoặc hành xử thiếu văn hóa theo kiểu “xin - cho” đang trở nên khá phổ biến. Với trường hợp như Công ty TNHH Minh Long 1 đã xây dựng được thương hiệu, mạng lưới phân phối rộng khắp nên họ có cách đáp trả rất cứng rắn, còn với DN nhỏ đành phải “ngậm đắng, nuốt cay” để hàng còn đứng được trong siêu thị.

Phải cân bằng phân phối

Là một trong những DN khá thành công trong việc liên kết phát triển sản xuất và hệ thống phân phối, bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty Ba Huân, đề nghị sở công thương các tỉnh phải có nhiệm vụ đấu nối giữa DN với các hệ thống phân phối, tạo điều kiện cho 2 bên có nhiều cơ hội tiếp cận. Tránh tình trạng, hàng sản xuất rất tốt nhưng lại không tìm được đầu ra hoặc phải qua quá nhiều tầng nấc trung gian làm đội giá thành sản phẩm. Cách làm này hiện đã được TPHCM triển khai khá tốt nhưng tại các tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế.

Tại các hội chợ cũng cần hỗ trợ về chi phí cho DN ở các tỉnh, nếu cùng một lúc vừa phải lo chi phí gian hàng, vừa lo chi phí nhân công, thì việc tham gia hội chợ sẽ làm tăng gánh nặng cho DN. Nếu không tạo điều kiện cho họ tham gia giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác thì các DN nhỏ sẽ mãi mãi không thể phát triển.

Cùng quan điểm này, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, thừa nhận, tại thời điểm này, DN cho dù có lớn mạnh và đã khẳng định thương hiệu trên thị trường nhưng nếu không phát triển mạng lưới bằng nhiều hình thức, sẽ rơi ngay vào thế bị động. Với Vissan, ngoài việc cơ cấu lại toàn bộ hệ thống sản xuất và phân phối, Vissan thực hiện tái cấu trúc và hoàn thiện kênh phân phối từ 1.000 đại lý giảm xuống còn 100 nhà phân phối trên cả nước. Các nhà phân phối là cánh tay nối dài của công ty, có trách nhiệm quản lý luôn 300.000 điểm bán trên từng địa bàn, vùng miền.

Mặt khác, công ty tiếp tục duy trì và phát triển hệ thống các cửa hàng giới thiệu sản phẩm Vissan để làm “đối trọng” với các cửa hàng và siêu thị khác trên thị trường. Tích cực trong tìm kiếm cơ hội làm ăn trên cơ sở có sự hợp tác của các cơ quan quản lý nhà nước với vai trò là trung gian, cầu nối cũng là cơ hội cho các DN. Trong quá trình hợp tác, điều quan trọng nhất là phải đảm bảo tiêu chí 2 bên cùng có lợi để việc kết nối cung cầu phát triển bền vững.

Ở tầm vĩ mô, nhiều ý kiến cho rằng, việc quy hoạch, phát triển hệ thống hạ tầng thương mại ở tầm cả nước còn chậm, chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức. Nói cách khác, quy hoạch mạng lưới thương mại chưa theo kịp tốc độ và nhu cầu phát triển thị trường. Tại nhiều vùng, miền vẫn chưa xây dựng được các chợ đầu mối về nông sản, thực phẩm để trung chuyển hàng hóa về nơi tiêu thụ. Tại nhiều tỉnh, thành, số lượng các chợ, siêu thị còn quá ít so với mật độ dân số.

Để giải quyết bài toán cung cầu hàng hóa, Nhà nước cần nhanh chóng đầu tư thỏa đáng để phát triển hệ thống phân phối, đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại nội địa, tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển.

Thực tế chỉ ra rằng, thời của các DN chỉ “sống” bằng xuất khẩu đang dần qua đi, thay vào đó thị trường trong nước với hơn 90 triệu dân, với rất nhiều tiềm năng về sức mua, đã trở thành “cứu cánh” cho nhiều DN trong bối cảnh thị trường xuất khẩu bị co lại. Nếu được đầu tư và khai thác đúng mức, thị trường trong nước sẽ thúc đẩy sản xuất và phân phối phát triển toàn diện.  

Trở lại câu chuyện làm thế nào để giảm bớt quyền lực mềm của các siêu thị, có ý kiến cho rằng, các DN cần phải hiệp sức với các hiệp hội và tổ chức xã hội để tìm một tiếng nói chung. Đành rằng, mua và bán trong cơ chế thị trường thông qua sự thỏa thuận nhưng không thể để tình trạng các siêu thị “lạm quyền” kéo dài. Đã đến lúc các bộ, ngành chức năng cần rà soát việc thực hiện các quy định, cam kết của các DN phân phối trong việc hỗ trợ cho DN trong nước.

Thực tế cho thấy, với phân khúc các TTTM thì hàng ngoại gần như choán hết chỗ; đưa hàng vào các siêu thị DN phải chịu các chi phí, chiết khấu có mặt hàng lên tới 40%; trong khi các chợ truyền thống đang mất dần sức cạnh tranh so với siêu thị; việc phát triển các cửa hàng tiện lợi gặp nhiều khó khăn do chi phí thuê mặt bằng quá cao, khiến thời gian thu hồi vốn chậm… Chính những điều này đã đẩy nhiều DN vào vòng luẩn quẩn là ngại đưa ra thị trường những sản phẩm mới vì rủi ro lớn. Mà không có sản phẩm mới thì sẽ khó duy trì và phát triển thương hiệu.

Trong bối cảnh thực hiện các cam kết gia nhập Khu vực Cộng đồng ASEAN (AC), đồng thời hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015 đã cận kề, lĩnh vực bán lẻ sẽ không có bất cứ rào cản nào đối với các nhà đầu tư nước ngoài, hàng hóa thông thường của các nước trong AEC sẽ được bãi bỏ 100% thuế suất, khi đó hàng Việt sẽ đứng ở đâu trong thị trường nội địa? Đây là một thực trạng rất đáng lo ngại về sức cạnh tranh của sản phẩm và DN Việt Nam trong nền kinh tế hội nhập.

THÚY HẢI

- Bài 1: Quyền lực siêu nhiên ở siêu thị

Tin cùng chuyên mục