Bất cập thuế, ngành cơ khí khó phát triển

Hơn 15.000 cơ sở sản xuất công nghiệp (CN) cơ khí đang hoạt động tại TPHCM. Thế nhưng, có đến 75% cơ sở có quy mô sản xuất nhỏ và rất nhỏ. Đây chính là lý do khiến ngành CN cơ khí của thành phố không thể đảm nhận vai trò ngành CN chủ lực cho đến thời điểm hiện nay.

Hơn 15.000 cơ sở sản xuất công nghiệp (CN) cơ khí đang hoạt động tại TPHCM. Thế nhưng, có đến 75% cơ sở có quy mô sản xuất nhỏ và rất nhỏ. Đây chính là lý do khiến ngành CN cơ khí của thành phố không thể đảm nhận vai trò ngành CN chủ lực cho đến thời điểm hiện nay.

Hiện tại, sản phẩm cơ khí tại TPHCM chủ yếu là hàng gia công, có giá trị kinh tế thấp, công nghệ sản xuất cũ. Thành phố cũng chưa hình thành một số ngành mũi nhọn trong chế tạo cơ khí. Thậm chí, chưa có những nhà máy cơ khí chế tạo được trang bị đồng bộ dây chuyền tiên tiến. Điều đáng nói là thực trạng này đã tồn tại suốt hơn 20 năm. Với quy mô số lao động bình quân 4,7 người/cơ sở, trình độ công nghệ sản xuất lạc hậu, tổ chức sản xuất mang tính gia đình nên năng lực cạnh tranh thấp. Số cơ sở có quy mô lớn sử dụng công nghệ và thiết bị hiện đại tạo ra sản phẩm có chất lượng và giá trị cao là doanh nghiệp tư nhân nhưng chiếm tỷ lệ rất ít, khoảng 19%.

Lý giải cho thực trạng này, đại diện hiệp hội cơ khí cho biết, bức xúc lớn nhất đối với ngành cơ khí là chế độ thuế bất hợp lý. Trong khi thiết bị (kể cả vật tư đi kèm) của các dự án đầu tư, các nhà thầu nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam được miễn thuế, thì các doanh nghiệp cơ khí trong nước nhập khẩu vật tư về chế tạo thay thiết bị nhập khẩu phải chịu đến hai loại thuế. Cụ thể, thuế nhập khẩu từ 5% - 20% và thuế giá trị gia tăng nhập khẩu 10%. Bên cạnh đó, việc phát triển ngành CN cơ khí đang vấp phải hàng loạt những rào cản khác như thiếu lực lượng nghiên cứu phát triển; thiếu các chuyên gia đầu ngành cho lĩnh vực cơ khí chế tạo dạng công trình sư, tổng công trình sư; thiếu lực lượng công nhân lành nghề, đã qua đào tạo; giáo trình đào tạo tại các trường cũng đã quá lạc hậu so với trình độ công nghệ, thiết bị mới mà các doanh nghiệp đang áp dụng; quản lý thị trường yếu kém, đặc biệt không xây dựng được tiêu chuẩn kỹ thuật để bảo vệ sản phẩm trong nước. Do vậy, hàng cơ khí chất lượng thấp, giá rẻ tràn vào thị trường trong nước, làm cho giá thành sản phẩm của các doanh nghiệp cơ khí trong nước phải cạnh tranh quyết liệt; nguồn tài chính của Nhà nước dành cho việc đầu tư một số dự án chế tạo cơ khí quan trọng chưa được thực hiện…

Những bất cập trên đã khiến cho ngành CN cơ khí chế tạo của nước ta cho đến nay mới đạt trình độ trung bình. Để cải thiện thực trạng này, trước hết cần phải điều chỉnh lại mức thuế áp dụng. Trong đó, thuế giá trị gia tăng cần giảm xuống 0% cho máy, thiết bị cơ khí phục vụ nông nghiệp và 5% cho các mặt hàng cơ khí khác. Thuế thu nhập doanh nghiệp tối đa nên ở mức không quá 15%. Nhà nước cần tạo hàng rào thuế quan đối với các sản phẩm cơ khí chế tạo trong nước có chất lượng tương đương hoặc tốt hơn hàng nhập khẩu vì hầu hết các ngành CN khác đều có hàng rào thuế quan (vẫn đảm bảo các quy định của WTO). Đồng thời, giảm thuế nhập khẩu thép carbon cao (C45, C50…) dùng cho chế tạo phụ tùng CN phụ trợ, chế tạo khuôn mẫu, máy móc và các sản phẩm, phụ tùng đặc chủng…

Hiệp hội cũng kiến nghị hỗ trợ kinh phí đối với các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu chế tạo thiết bị theo công nghệ mới thay thế hàng nhập khẩu. Đặc biệt, Nhà nước cần tạo thêm công việc cho doanh nghiệp cơ khí chế tạo bằng cách khi đánh giá hồ sơ dự thầu, cần chấm điểm ưu tiên cho hồ sơ có sử dụng sản phẩm sản xuất trong nước hoặc sử dụng nhà thầu phụ trong nước, hoặc trong hồ sơ mời thầu có điều khoản yêu cầu sử dụng một tỷ lệ nhất định sản phẩm trong nước sản xuất… Có như vậy, chúng ta mới có ngành CN cơ khí phát triển, làm nền tảng để phát triển ngành CN hỗ trợ trong tương lai gần.

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục