Rào nên cao đến đâu?

ANH THƯ

Cuối tuần qua, tại phiên thảo luận của nghị trường Quốc hội, mặc dù bày tỏ đồng tình cao với việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi hiệp định, thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội - nhà kinh tế đã bày tỏ lo lắng sâu sắc về khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, trong đó có việc “dựng” rào kỹ thuật.

Không nghi ngờ gì, hội nhập đã mở ra một không gian cơ hội rất lớn, nhưng thử thách không hề nhỏ, ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) nói và tỏ ra đặc biệt lo lắng vì “khả năng lập hàng rào kỹ thuật của chúng ta rất yếu”. Theo ĐB Nguyễn Văn Tiên, Bộ NN-PTNT đang làm tốt khi hạn chế số loại thuốc bảo vệ thực vật tối đa được đăng ký đối với một loại hóa chất để ổn định, không làm rối thêm thị trường. “Nhưng bên cạnh đó, có những bộ chủ yếu tuân theo các quy định của nước ngoài, không đưa ra hàng rào kỹ thuật, điển hình là Bộ Y tế”, ĐB Nguyễn Văn Tiên nhận xét thẳng. Theo ĐB này, cách đây 10 năm, chúng ta có hàng rào kỹ thuật về dược phẩm tương tự như với thuốc bảo vệ thực phẩm, nhưng đã bỏ, vì thế mới có tình trạng một hóa chất paracetamol có 600 loại thuốc đăng ký. Thực ra, các nước khác, kể cả nước phát triển như Anh và Mỹ, một hóa chất chỉ cho đăng ký 15 - 20 loại thuốc thôi, “anh” nào đăng ký trước thì được phục vụ trước, chậm chân hơn thì phải chứng minh được là tốt hơn loại trước mới được đăng ký.

Chia sẻ mối quan ngại chính đáng này, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) hài hước: “Tôi ngồi với các chuyên gia thế giới, họ nói rằng: Việt Nam nhất thế giới, vì không có nước nào ký xong có chương trình hành động. Nhưng dường như chương trình thì có, nhiều việc nữa, mà làm thì ít quá, tức là chương trình mới chỉ tồn tại trên giấy mà thôi”. Về chuyện hàng rào kỹ thuật, ĐB Trần Du Lịch lưu ý, đúng là cần, nhưng “rào cao cỡ nào cũng phải tính”, vì trong những nguyên tắc thực hiện của WTO là nguyên tắc có đi có lại, nếu dựng hàng rào kỹ thuật về thực phẩm thì đầu tiên các doanh nghiệp trong nước phải tuân thủ, nếu rào kỹ thuật chỉ áp dụng cho nhập khẩu, không áp dụng cho sản xuất trong nước thì sẽ bị kiện ngay ở WTO.

Trong khi đó, ĐB Trần Du Lịch khuyến cáo, khi mở cửa thị trường bán lẻ, đối tác nước ngoài chỉ đương nhiên được mở một điểm, từ điểm thứ hai trở đi phải xin phép. Nhưng thực tế họ đều mở chuỗi: sau khi mở một điểm ở TPHCM hoặc Hà Nội; họ sẽ mở rộng đến các tỉnh, thành khác và rốt cục nhanh chóng phát triển thành mạng lưới, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước…|

Rõ ràng có rào là cần, nhưng phải làm khéo, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng bình luận. Ông nói: “Chúng ta đã kêu gọi rất nhiều nhưng công tác này còn hết sức yếu kém. Thành ra khi hội nhập thì nhân dân chúng ta phải chấp nhận những hàng hóa rẻ tiền, hàng hóa ô nhiễm”. Và dĩ nhiên, ông không quên lưu ý ngoài việc có rào hữu hiệu (ở đây chỉ có thể là rào kỹ thuật, vì rào cản thuế quan bị hạ xuống bằng 0, rào cản hành chính bị phê phán), thì yếu tố thứ hai là nâng cao năng lực cạnh tranh. Muốn hội nhập thành công thì phải nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao hàm lượng công nghệ trong sản phẩm; nghĩa là phải đổi mới chính sách thu hút đầu tư, kéo được nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và công nghệ để họ mở nhà máy chế biến và đem xuất khẩu những sản phẩm đủ tiêu chuẩn đường hoàng tiến vào góp mặt trong các siêu thị của Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản…


ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục