Nội lực kinh tế Việt Nam so với các nước trong cộng đồng còn yếu

Ngày 26-11, tại diễn đàn Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN - bước đệm tiến tới hội nhập sâu rộng hơn, nhiều chuyên gia cho biết, ngày 31-12, Việt Nam chính thức gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN.
Nội lực kinh tế Việt Nam so với các nước trong cộng đồng còn yếu

(SGGP).- Ngày 26-11, tại diễn đàn Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN - bước đệm tiến tới hội nhập sâu rộng hơn, nhiều chuyên gia cho biết, ngày 31-12, Việt Nam chính thức gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN.

Theo đó, ASEAN trở thành thị trường lớn thứ ba thế giới với 625 triệu người, tổng thu nhập GDP khoảng 3.000 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng được dự đoán sẽ giống như tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Riêng đối với Việt Nam, sẽ có rất nhiều tác động tích cực lẫn tiêu cực đến hoạt động sản xuất, cũng như thị phần tiêu thụ của doanh nghiệp. Thế nhưng, cho đến nay chỉ có 35% doanh nghiệp ý thức được ảnh hưởng vấn đề này.

Việt Nam dẫn đầu xuất khẩu một số mặt hàng nông sản như điều, cà phê, gạo… nhưng chỉ là xuất khẩu thô


Ông Patrick Gilabert, Trưởng đại diện Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (Unido) tại Việt Nam nhấn mạnh, phân tích về nội lực kinh tế Việt Nam so với những nước còn lại trong ASEAN cho thấy, nội lực kinh tế Việt Nam so với các nước trong cộng đồng còn khá yếu, như chất lượng sản phẩm còn thấp. Việt Nam dẫn đầu xuất khẩu một số mặt hàng nông sản như điều, cà phê, gạo… nhưng chỉ là xuất khẩu thô. Chỉ có 5% - 10% sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Không có nhiều sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam có thương hiệu nổi tiếng đủ để dẫn dắt thị trường hoặc tạo thành mũi nhọn có tính đột phá để phát triển hệ thống chuỗi cung ứng phát triển theo. Về kỹ năng lao động, năng suất sản xuất của lao động Việt Nam còn rất thấp kéo theo năng lực cạnh tranh doanh nghiệp không cao. Không dừng lại đó, sự cách biệt trong tốc độ gia tăng GDP giữa các nước trong khu vực cũng tác động rất lớn đến Việt Nam khi gia nhập cộng đồng kinh tế chung này. Đơn cử, hiện tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam là 7% nhưng Indonesia là 17%, Malaysia là 24% và Thái Lan là 33%.

Ông Florian Beranek, chuyên gia cao cấp trách nhiệm xã hội của Unido cho rằng, để có thể cải thiện nội lực kinh tế, doanh nghiệp Việt cần thay đổi tư duy kinh doanh và hướng tiếp cận thị trường. Theo đó, tăng thị phần ngoại phải tương xứng với khả năng trụ vững tại thị trường nội. Ngoài ra, doanh nghiệp cần quan tâm sự hài hòa với hệ thống tiêu chuẩn sản phẩm toàn cầu. Từ đó, giảm thiểu những rào cản hàng rào kỹ thuật vốn đang được dựng lên ngày càng nhiều tại thị trường nhiều nước. Về phía Chính phủ, cần hạn chế những hình thức kinh doanh nhỏ lẻ để dồn sức cho hoạt động kinh doanh tập trung hơn.

Minh Xuân

Tin cùng chuyên mục