Kỳ vọng

Câu chuyện “chiếc ghế trống” Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) lại “nóng lên” khi UBND tỉnh Kiên Giang vừa có quyết định đình chỉ chức vụ Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch - Thương mại Kiên Giang đối với ông Nguyễn Hùng Linh, Phó Chủ tịch VFA - người được bầu giữ chức vụ chủ tịch VFA trong một cuộc họp Ban Chấp hành VFA ngày 20-3-2014 trái quy định. Sau đó, cơ quan chức năng không công nhận chức danh này, và hiện tại “chiếc ghế trống” của VFA đang là dấu hỏi “có hay không lợi ích nhóm và cách điều hành VFA có minh bạch?”.

Tháng 3 năm ngoái, thời điểm Việt Nam trúng thầu xuất khẩu 800.000 tấn gạo sang Philippines, một số doanh nghiệp được giao xuất quỹ thác 800.000 tấn gạo đã “bỏ của chạy lấy người”. Mới đây, ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch VFA, đã “hồi tố” khi nêu vấn đề: “có nên giao chỉ tiêu mua tạm trữ tiếp cho các doanh nghiệp “bỏ của chạy lấy người” với hợp đồng xuất khẩu sang Philippines năm ngoái”.

Ông Huỳnh Văn Gành, Giám đốc Sở Công thương Kiên Giang, phản ứng khá gay gắt với đề xuất này: “Ký hợp đồng xuất khẩu có hiệu quả hay không, cần làm rõ trách nhiệm của VFA đi ký hợp đồng có lợi hay không. Không nên áp dụng tiêu chí này để loại bỏ doanh nghiệp được giao chỉ tiêu mua tạm trữ”. Nhìn khách quan, giá thời điểm VFA ký hợp đồng xuất khẩu là hợp lý. Song, phải chịu thua lỗ khi thời điểm đó giá lúa gạo nguyên liệu trong nước tăng khá mạnh, do tác động nguồn hàng xuất khẩu sang Trung Quốc. Cuối cùng, Tổng Công ty Lương thực miền Nam và miền Bắc phải “gồng gánh” chịu nhiều thua lỗ khi thực hiện hợp đồng này.

Không phải “ngẫu nhiên” ông Huỳnh Văn Gành có ý kiến “soi” khá nặng nề vai trò của VFA. Từ lâu, lời ra tiếng vào về chuyện có hay không lợi ích nhóm trong VFA đã âm ỉ. Kéo theo chuyện vị nguyên chủ tịch VFA làm “chủ xị” bầu lại chủ tịch VFA mới, càng làm “nghi vấn” tăng thêm! “Chúng tôi đang chuẩn bị kiểm điểm. Trước ngày 20-3, trình Bộ Nội vụ phương án bầu lại chủ tịch VFA mới. Và dự kiến, sẽ bầu lại chức danh này trước tháng 6-2015” - ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch điều hành VFA cho biết.

Việt Nam là cường quốc xuất khẩu gạo, nước ngoài cũng thừa nhận. Song, nông dân vẫn còn khó khăn, nhiều nông dân vẫn chưa thể làm giàu từ nghề trồng lúa, thế giới cũng biết! Năm qua, lãnh đạo một số doanh nghiệp ngành lương thực đã ra hầu tòa, vài doanh nghiệp bên bờ phá sản. Nhưng thực tế, đại bộ phận doanh nghiệp lương thực đã lớn mạnh từ “nguồn hàng xuất khẩu gạo”, mở rộng kinh doanh sang nhiều lĩnh vực khác. Không chỉ nông dân mà ngay cả các doanh nghiệp thành viên của VFA cũng đang đặt kỳ vọng vào người sẽ ngồi vào “chiếc ghế trống” - chủ tịch VFA hiện nay!

CAO PHONG

Tin cùng chuyên mục