Thách thức cho cà phê Buôn Ma Thuột. Bài 1: “Cà phê bẩn” lấn cà phê sạch

Cây cà phê đầu tiên được người Pháp đưa lên trồng tại mảnh đất Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk cách đây khoảng 100 năm. Trong những năm qua, Buôn Ma Thuột là thủ phủ cà phê của cả nước với sản lượng bình quân 400.000 tấn/năm và diện tích khoảng 200.000ha, nhưng thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đang phải đối mặt với nhiều thách thức để chiếm lĩnh thị trường trong nước và thế giới.Trong thời gian qua, các ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk liên tục phát hiện nhiều cơ sở chế biến cà phê bột trên địa bàn tỉnh sử dụng bột bắp, hóa chất, phẩm màu… để sản xuất cà phê. Tại đây, nhà xưởng và các phương tiện sản xuất cà phê không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Những sản phẩm cà phê này được các ông chủ dán nhãn cà phê có thương hiệu và đem đi tiêu thụ với giá rất rẻ.
Thách thức cho cà phê Buôn Ma Thuột. Bài 1: “Cà phê bẩn” lấn cà phê sạch

Cây cà phê đầu tiên được người Pháp đưa lên trồng tại mảnh đất Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk cách đây khoảng 100 năm. Trong những năm qua, Buôn Ma Thuột là thủ phủ cà phê của cả nước với sản lượng bình quân 400.000 tấn/năm và diện tích khoảng 200.000ha, nhưng thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đang phải đối mặt với nhiều thách thức để chiếm lĩnh thị trường trong nước và thế giới.

Trong thời gian qua, các ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk liên tục phát hiện nhiều cơ sở chế biến cà phê bột trên địa bàn tỉnh sử dụng bột bắp, hóa chất, phẩm màu… để sản xuất cà phê. Tại đây, nhà xưởng và các phương tiện sản xuất cà phê không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Những sản phẩm cà phê này được các ông chủ dán nhãn cà phê có thương hiệu và đem đi tiêu thụ với giá rất rẻ.

Các mẫu cà phê được chào mời có giá 35.000 đồng/kg, 43.000 đồng/kg và 55.000 đồng/kg.

Cà phê toàn đậu nành

Trong vai người đi mua cà phê, chúng tôi đã xâm nhập nhiều lò rang xay, chế biến cà phê bột ở tỉnh Đắk Lắk. Để thu lợi, những cơ sở làm cà phê bột nhưng sản phẩm ra lò không có hạt cà phê nào. Họ chế biến cà phê theo ý khách hàng dù biết yêu cầu của “thượng đế” rất “tréo ngoe”.

Dẫn chúng tôi đến căn phòng rộng khoảng 40m² nằm ngay cạnh nhà của gia đình tại xã Hòa Khánh (TP Buôn Ma Thuột), Nh. bảo đó là lò rang xay, chế biến cà phê của mình. Cơ sở này được dựng bằng tôn, máy móc được trùm bạt kín, xung quanh có vài bao cà phê. Chúng tôi chê nhỏ, Nh. bảo ngành chức năng thường xuyên xuống kiểm tra nên không dám xây phô trương, vả lại đây chỉ là chỗ rang xay, còn chỗ đóng gói thì làm ở nơi khác. Dù cơ sở chế biến nhỏ nhưng theo giới thiệu, cà phê của Nh. được phân phối khắp các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng…

Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện cơ sở chế biến “cà phê bẩn” ở TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: VÕ PHÚC

Để “dụ” khách mua hàng, Nh. “nổ” cà phê ở đây thuộc dạng rẻ nhất Đắk Lắk. Để chứng minh, Nh. lấy ra 3 mẫu cà phê bột đựng trong 3 chiếc bao bì. 3 loại cà phê này tương ứng với loại 1 giá 55.000 đồng/kg, loại 2 giá 43.000 đồng/kg, loại 3 giá 35.000 đồng/kg.

Theo Nh., loại cà phê càng rẻ tiền thì tỷ lệ trộn cà phê với nguyên liệu thay thế như bắp, đậu nành càng nhiều, hàm lượng cafein càng thấp. Lấy lý do 3 bao bì giống hệt nhau, chúng tôi hỏi Nh. cách phân biệt từng loại cà phê. Nh. không ngần ngại bật mí: Loại rẻ tiền thường sánh hơn, còn đắt tiền thường làm bằng cà phê nhiều nên lỏng, ít sánh. Sánh là do mình dùng nhiều hương liệu để tẩm cho giống mùi, vị cà phê.

Trong 3 mẫu cà phê chào mời, Nh. tiết lộ tỷ lệ cà phê - đậu nành dùng để chế biến cà phê bột loại 1 là 50-50; loại 2 là 30-70, còn loại 3 là… toàn đậu nành. Để chế biến cho giống cà phê, Nh. dùng “bí kíp” là sử dụng thêm hương liệu, hóa chất như: Caramel, đường, bơ, hương dừa, chất tạo màu, chất sánh, chất béo… “Những thứ đó bán đầy ở các chợ đầu mối ở TPHCM, rất dễ mua”, Nh. cho hay.

Chế biến theo ý khách

Hỏi mua cà phê bột, anh Ph. (hay còn gọi là Tr.), Cơ sở chế biến cà phê T.H. (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) chào mời loại 55.000 đồng/kg. Anh này “nổ” loại cà phê này ngon, tiêu thụ rất mạnh, nhất là ở các huyện và TP Buôn Ma Thuột. Cò kè mãi, Ph. bớt giá xuống còn 53.000 đồng/kg nếu khách lấy mỗi lần trên 3 tạ. Hỏi tỷ lệ pha trộn cà phê và phụ gia thay thế, Ph. nói: “Không tiết lộ công thức được”, mà chỉ bật mí chung chung là dùng cà phê và đậu nành. Ph. tư vấn chúng tôi trước mắt cứ lấy loại cà phê này về bỏ mối, nếu khách thích điều chỉnh độ đắng, độ dẻo, sánh thì quay lại chỗ anh này nói chuyện.

Lấy lý do muốn mua cà phê rẻ hơn loại 35.000 đồng được chế biến toàn đậu nành mà Nh. vừa chào hàng, Nh. nói chỉ có cách chế biến bằng công nghệ pha trộn giữa bắp và đậu nành, hoặc toàn bắp thì mới có giá mềm hơn như yêu cầu do giá bắp rẻ hơn đậu nành. Nh. thừa nhận nếu dùng nhiều bắp để chế biến sẽ làm cho cà phê chua, sệt, sánh nên rất dở, khách hàng dễ quay lưng, mất mối.

Vì thế cơ sở của Nh. chưa làm 2 loại này. Chúng tôi kiên quyết đặt hàng 2 loại cà phê mà Nh. vừa nêu, anh này ngẫm nghĩ một hồi rồi đồng ý với điều kiện: “Bao bì là của anh, còn bao bì của em là có thương hiệu rồi, đăng ký rồi, nếu em dùng thương hiệu của em cho cà phê của anh (loại cà phê toàn bắp hoặc trộn bắp và đậu nành - PV) thì ra thị trường làm sao ngó được”.

Nh. cũng ra giá loại 50% bắp và 50% đậu nành giá 28.000 - 29.000 đồng/kg, loại toàn bắp giá 18.000 đồng/kg. Nh. cũng tiết lộ cơ sở của anh ta sử dụng hương liệu chế biến cà phê đồng bộ, được nhập từ TPHCM. Chúng tôi đặt vấn đề với Nh. muốn thay thế bằng hương liệu và hóa chất do mình tự mua để tiết kiệm thêm chi phí thì Nh. cũng đồng ý nhưng phải làm với số lượng nhiều.

Ảnh hưởng sức khỏe người dùng

Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Đắk Lắk (Sở NN-PTNT Đắk Lắk), trong năm 2014, đơn vị phát hiện 5 cơ sở vi phạm và xử phạt hành chính hơn 61 triệu đồng. Trong đó, có 2 cơ sở sản xuất cà phê bột kém chất lượng.

Theo đề tài khoa học “Khảo sát chất lượng cà phê bột sản xuất và lưu thông trên địa bàn tỉnh” do Hội Bảo vệ người tiêu dùng Đắk Lắk nghiên cứu và công bố, cho thấy tại 27 mẫu cà phê bột và cà phê hòa tan ở 30 cơ sở sản xuất thì ngoài cà phê còn có 73,3% cơ sở dùng thêm đậu nành, 46,7% cơ sở dùng thêm bắp, 6,7% dùng thêm đậu đỏ. Kết quả khảo sát cũng nêu rõ 4/27 mẫu cà phê (chiếm 14,8%) không đạt chất lượng (chủ yếu là hàm lượng cafein).

Bà Nguyễn Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Đắk Lắk, cho biết: “Ngũ cốc rang cháy sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, còn mức độ ảnh hưởng thì tùy thuộc vào từng loại và nhiệt độ khi rang. Đặc biệt, việc sử dụng các loại phụ gia, hóa chất không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc trong chế biến cà phê cũng tiềm ẩn những mối nguy hại khó lường”.

Ông Trần Quốc Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm và Thủy sản Đắk Lắk, cho rằng: Phần lớn các cơ sở chế biến cà phê không đảm bảo, kém chất lượng, sau khi bị kiểm tra và xử phạt đã tích cực khắc phục. Nhưng vẫn có một số cơ sở hám lợi, luôn tìm thủ đoạn để đối phó với lực lượng chức năng thì việc phát hiện sai phạm khi kiểm tra định kỳ là rất khó. Chính vì vậy, sắp tới chi cục sẽ thường xuyên phối hợp với các ban, ngành có liên quan tiến hành kiểm tra đột xuất. Nếu phát hiện sai phạm, Chi cục không chỉ xử lý nghiêm mà còn cung cấp danh tính các đơn vị này rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng”.

CÔNG HOAN - VÕ PHÚC

Tin cùng chuyên mục