Ưu tiên thu hút doanh nghiệp công nghệ cao

Thiếu lao động kỹ thuật cao
Ưu tiên thu hút doanh nghiệp công nghệ cao

Các Khu chế xuất - Khu công nghiệp TPHCM

Thời gian qua, các KCX-KCN đã đạt được những kết quả khả quan, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều bất cập cần giải quyết trong thời gian tới. Làm sao để phát triển các sản phẩm công nghiệp đạt hàm lượng cao, công nghệ hiện đại là vấn đề được nhấn mạnh tại hội nghị tổng kết các KCX-KCN năm 2014 và hướng phát triển trong thời gian tới, diễn ra vào hôm qua (26-3).

Sản xuất bút bi tại KCN Tân Tạo. Ảnh: CAO THĂNG

Thiếu lao động kỹ thuật cao

Thời gian qua, mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trong KCX-KCN có những chuyển biến tích cực, tăng kim ngạch xuất khẩu, xử lý ô nhiễm môi trường, giải quyết mối quan hệ giữa DN với công nhân tốt hơn; DN ngưng, thu hẹp sản xuất đã giảm. Năm qua, KCX-KCN đã đạt mục tiêu thu hút vốn đầu tư trên 752,39 triệu USD, tăng 23,52% so với năm 2013; xây dựng hàng loạt các công trình hạ tầng xã hội đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của công nhân… Tuy nhiên, Phó ban quản lý KCX-KCN (HEPZA) Nguyễn Bạch Hoàng Phụng cho rằng, HEPZA còn nhiều vấn đề bất cập cần giải quyết như chuyển dịch cơ cấu đầu tư, quy trình đổi mới máy móc thiết bị của các DN còn rất chậm. Nguyên nhân, do nhiều DN gặp khó khăn về tài chính, chưa triển khai ngay việc thanh lý máy móc hiện hữu để trang bị mới dây chuyền thiết bị công nghệ hiện đại; chính sách hỗ trợ DN đổi mới công nghệ chưa hấp dẫn, chưa cụ thể. Về tuyển dụng lao động có tay nghề kỹ thuật gặp nhiều khó khăn. Đa số lao động phổ thông đến từ các tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu các DN có trình độ kỹ thuật cao. Nhiều lao động đã được đào tạo nhưng khi tuyển dụng, DN vẫn phải đào tạo lại. Do đó, việc cung ứng nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động kỹ thuật cao luôn gặp khó khăn. Vì thế, chuyển dịch cơ cấu đầu tư chậm, khó thu hút các ngành công nghiệp kỹ thuật cao nhằm tiến tới giảm dần ngành nghề thâm hụt lao động.

Tiến tới công nghiệp chất lượng cao

Để khắc phục những yếu kém trên, theo ông Nguyễn Bạch Hoàng Phụng, thời gian tới HEPZA sẽ tập trung thực hiện các nhóm giải pháp như: triển khai xây dựng KCN chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ tại KCN Hiệp Phước, Lê Minh Xuân 3, xây dựng nhà xưởng cao tầng tại 4 KCN (Đông Nam, Hiệp Phước, Linh Trung, Tân Thuận) với quy mô khoảng 3-8 tầng, diện tích xây dựng khoảng 10.000 - 40.000m², để tiếp đón các nhà đầu tư. Ngoài ra, HEPZA sẽ phối hợp các tổ chức Jetro, JBAH Nhật Bản thu hút và phát triển khu kỹ nghệ Việt - Nhật cũng như thu hút đầu tư từ Nhật Bản vào các KCN; hỗ trợ các DN tham gia chương trình hỗ trợ lãi vay, chuyển và di dời dần các DN thâm hụt lao động, nâng cao trình độ công nghệ; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu... 

Đặc biệt, thời gian tới, HEPZA đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Các giải pháp được đề cập gồm: sẵn sàng quỹ đất cho nhà đầu tư; chuẩn bị nguồn lao động có tay nghề; kết nối DN có nhu cầu vốn với các ngân hàng; đảm bảo hoạt động các KCX-KCN đạt tiêu chuẩn môi trường hướng tới phát triển xanh - sạch; tiếp tục hoàn thiện mô hình quản lý một cửa tại chỗ, cải cách hành chánh, tăng cường phối hợp với các sở ngành để quản lý tốt hơn.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Tất Thành Cang nhấn mạnh: HEPZA cần giải quyết nhanh, gọn các thủ tục, tư vấn cho các DN muốn đầu tư vào các KCX-KCN. Không để các dịch vụ bên ngoài tư vấn, vì họ vẽ ra các thủ tục hoặc kéo dài thời gian để lấy tiền DN, gây bức xúc cho các nhà đầu tư. Cần phối hợp các đơn vị liên quan chuẩn bị nguồn nhân lực có tay nghề kỹ thuật trình độ cao. Rà soát lại các cụm công nghiệp, KCN để tiến tới chuyển đổi, di dời, sắp xếp lại các ngành nghề cho phù hợp từng khu, tiến tới KCN xanh. Ưu tiên phát triển công nghiệp có giá trị gia tăng cao. Tập trung kết nối các DN nước ngoài hỗ trợ DN trong nước sản xuất linh, phụ kiện nhằm giảm bớt tình trạng nhập 100% từ nước ngoài.

Quốc Hùng

Tin cùng chuyên mục