Thủ tướng chỉ đạo: Tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ một số mặt hàng nông sản

(SGGPO). - Ngày 25-4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4- 2015. Tại phiên họp, Chính phủ nghe, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2015; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 và một số báo cáo quan trọng khác.

Không để lặp lại tình trạng “bong bong” bất động sản

Thông tin tại phiên họp cho thấy, , tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2015 tiếp tục chuyển biến và đạt được kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn, các cân đối kinh tế lớn được bảo đảm. Lạm phát (CPI) tháng 4 tăng 0,14%, 4 tháng tăng 0,04%. Kinh tế tiếp tục phát triển tích cực ở tất cả các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
 
Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, tình hình kinh tế - xã hội đạt kết quả tích cực, nhưng không được chủ quan, đặc biệt khi tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp.
 
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng.  Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh trên cả các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, xuất hiện khó khăn nào cần tập trung xử lý. Riêng về lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình hạn hán ở miền Trung và Tây Nguyên, triển khai kịp thời các phương án bảo đảm phát triển sản xuất nông nghiệp và ổn định cuộc sống của người dân. Đồng thời xử lý, tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ một số mặt hàng nông sản. “Trước mắt phải tập trung vào các giải pháp về thị trường và tiêu thụ, về lâu dài, phải tính toán chuyển đổi cơ cấu sản xuất” - Thủ tướng yêu cầu và thúc giục Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tập trung và đẩy mạnh Đề án tái cơ cấu nông nghiệp.
 
Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có các giải pháp bảo đảm cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững. “Các đồng chí phải hết sức chủ động kiểm soát chặt chẽ, không để lặp lại tình trạng “bong bóng bất động sản mà mấy năm trước đây chúng ta đã phải rất gian nan để xử lý” - Thủ tướng lưu ý trước những cảnh báo có thể xảy ra khi thị trường bất động sản đang “ấm” lên và nguồn vốn tín dụng vào bất động sản đã tăng đáng kể.

Về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng quyết liệt chỉ đạo và trọng tâm là kế hoạch cổ phần hóa. Giao Bộ Giao thông vận tải sớm xây dựng, hoàn thiện Đề án về xã hội hóa các công trình hạ tầng giao thông trình Chính phủ xem xét. Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ tái Đề án cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2 đã được thông qua gắn với quyết liệt xử lý nợ xấu. “Đẩy mạnh tái cơ cấu ngân hàng. Kiên quyết không để lặp lại tình trạng ngân hàng thương mại yếu kém” - Thủ tướng dứt khoát.

Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục làm tốt công tác thông tin, truyền thông, theo đó các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động cung cấp thông tin, giải trình, giải thích về tất cả những vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý, nhất là những chính sách có tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. “Chúng ta lo phát triển, lo cho dân nhưng phải công khai, minh bạch để người dân biết, giám sát và đồng thuận” - Thủ tướng nhắc nhở.


Điều tra, xác minh nguyên nhân tai nạn của 2 máy bay Su22-M4

Tại phiên họp, sau khi nghe Chính báo cáo về việc bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành liên quan, tăng cường quản lý về lĩnh vực này. Chính phủ đã nghe báo cáo và nhất trí với đề xuất của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc phân bổ đợt 2 là 572 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ.
 
Cũng tại phiên họp, sau khi nghe Bộ Quốc phòng báo cáo về việc 2 máy bay Su22-M4 thuộc sư đoàn Không quân 370 bị nạn trên vùng biển tỉnh Bình Thuận, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục tập trung tổ chức tìm kiếm cứu nạn; điều tra, xác minh nguyên nhân tai nạn. Theo Bộ Quốc phòng, 2 máy bay gặp nạn mặc dù đã sử dụng nhiều năm nhưng vẫn đang còn trong niên hạn sử dụng, công tác đảm bảo kỹ thuật hàng năm vẫn được thực hiện đầy đủ theo quy định.

Người phát ngôn Chính phủ, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cũng đã trả lời báo chí về một số vấn đề  ”nóng”  hiện nay.
 
Về tình trạng nông sản "được mùa, mất giá", không bán được hàng (dưa hấu, hành tím, muối,...) xảy ra hiện nay, ông Nên cho biết, trước tình hình trên, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo các Bộ, cơ quan, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ cho sản xuất, tiêu thụ nông sản. Trước mắt, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; nâng cao chất lượng dự báo, tăng cường thông tin về thị trường; tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn, tín dụng với lãi suất ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh nông sản; tiếp tục phát triển các kênh phân phối nội địa; có biện pháp can thiệp thị trường phù hợp để hỗ trợ tiêu thụ nông sản (như mua tạm trữ thóc, gạo)…

Đối với những loại nông sản chủ yếu xuất khẩu sang các nước có chung biên giới, các bộ, địa phương đã phối hợp với nước láng giềng tăng cường năng lực thông quan, vận chuyển, kho bãi, bốc xếp tại khu vực cửa khẩu để đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu; phối hợp giữa các địa phương để điều phối, giảm ách tắc hàng hóa; rà soát, nắm chắc tình hình, kế hoạch sản xuất của từng vụ để chủ động các phương án, bảo đảm tiêu thụ tốt nhất nông sản khi vào vụ thu hoạch, trong thời gian tới có vải thiều, nhãn…

Thủ tướng cũng đã giao Bộ Công thương chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các bộ, cơ quan liên quan đánh giá rõ thực trạng, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, nhất là việc liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, chất lượng, giá thành sản phẩm... Trên cơ sở đó, xác định cơ chế, giải pháp cần thiết để đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trước mắt và lâu dài nêu trên sẽ từng bước giải quyết những bất cập trong sản xuất, tiêu thụ nông sản hiện nay, góp phần phát triển nông nghiệp nước ta hiệu quả và bền vững.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục