Hài hòa bắt đầu từ con số

Đến hẹn lại lên, các chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VCCI và Ngân hàng Thế giới (WB) đang phối hợp chuẩn bị cho Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ (sẽ diễn ra vào đầu tháng 6 tới).

Đến hẹn lại lên, các chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VCCI và Ngân hàng Thế giới (WB) đang phối hợp chuẩn bị cho Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ (sẽ diễn ra vào đầu tháng 6 tới).

 Đánh vật với hệ thống số liệu phức tạp, không ít lần các chuyên gia nước ngoài phải kêu lên rằng, nếu hệ thống số liệu của Việt Nam cứ “một mình một kiểu” thế này thì các khuyến nghị chính sách của họ không thể nào đúng được!

Thật vậy, theo TS Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cách hạch toán ngân sách nhà nước ở Việt Nam không theo thông lệ quốc tế. Nhiều khoản chi ngân sách từ nguồn trái phiếu chính phủ cho các dự án giáo dục, thủy lợi, y tế... được để ngoài bảng và không được tính đầy đủ vào thâm hụt ngân sách và nợ công. Chi cho các công trình lớn kéo dài cũng được phân bổ dần vào quyết toán ngân sách nhiều năm chứ không tính cả vào năm mà trái phiếu được phát hành để vay nợ. Sự bỏ sót trong hạch toán thâm hụt ngân sách và nợ công của Việt Nam thể hiện rất rõ thông qua số chênh lệch giữa lượng trái phiếu chính phủ phát hành (vay nợ thực tế hàng năm) và con số trái phiếu chính phủ phát hành (phản ánh trong quyết toán ngân sách nhà nước). Một lượng nợ lớn của các doanh nghiệp nhà nước không được chính phủ bảo lãnh, cũng không được phản ánh trong bội chi ngân sách và nợ công hàng năm như thông lệ quốc tế. Việc triển khai thi hành Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi tới đây (dự kiến luật này sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 - PV) có thể khắc phục được phần nào những bất cập này, nhưng vẫn còn rất nhiều khoảng “hổng” - ông Thụ bình luận với phóng viên Báo SGGP.

Có cùng quan điểm về sự “khập khiễng” trong cách tính toán các cân đối vĩ mô, TS Lê Việt Đức cho biết, Tổng cục Thống kê vừa tính lại số liệu GDP theo giá cố định năm 2010 cho tất cả các năm từ 2005 đến nay. Tốc độ tăng trưởng hàng năm theo số mới giảm 1% - 1,3% so với số cũ, tức là rất lớn. Đơn cử, năm 2006 số công bố trước tăng trưởng 8,44% thì số mới chỉ là 7,13%... Từ đây các số liệu GDP thành phần (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, đầu tư, tích lũy, tiêu dùng, xuất nhập khẩu...) cũng thay đổi. Nhưng rắc rối là ở chỗ cơ quan thống kê lại chỉ mới tính lại từ năm 2005, còn những năm trước 2005 thì coi như không có số liệu. Do đó không có chuỗi số liệu có thể dùng mô hình toán để phân tích chi tiết hơn. Ông Đức nói: “Vì lẽ đó, theo dõi xu thế tiến triển đáng tin cậy hơn là theo dõi con số cụ thể”. Vẫn theo TS Lê Việt Đức, phần lớn chỉ tiêu thống kê ở nước ta giống của quốc tế về tên gọi, nhưng không giống về bản chất, về nội dung, nên không thể so sánh quốc tế.

Không chỉ khác biệt về cách tính toán, mà cách thức xử lý vấn đề giữa Việt Nam và quốc tế cũng có sự khác biệt đáng kể. Đại diện EuroCham cho biết, phán quyết của trọng tài quốc tế thường có hiệu lực tại phần lớn các khu vực tài phán trên thế giới theo Công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành các phán quyết của trọng tài nước ngoài (New York Convention of 1958 on the Recognition and Enforcement of Foreign Arbitral Awards - NYC). Đa số các nước thành viên NYC áp dụng các điều khoản NYC, công nhận và thi hành các phán quyết của trọng tài nước ngoài trong phạm vi quyền tài phán của nước họ.

Tuy nhiên, theo các điều khoản của NYC, nếu bên phải thi hành phán quyết phản đối việc thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài, thì bên này cần đưa ra những bằng chứng để chứng minh cho sự phản đối của họ. Còn tại Việt Nam, gánh nặng về bằng chứng bị đảo ngược: bên được thi hành phán quyết bị yêu cầu chứng minh sự phản đối của bên phải thi hành phán quyết là không hợp pháp và không thể áp dụng được... Không phải ngẫu nhiên mà hàng chục năm nay, “hài hòa hóa thủ tục” - cũng có nghĩa là sử dụng tiếng nói chung để các bên dễ dàng thấu hiểu nhau và cùng thực thi thuận lợi - luôn luôn là một kêu gọi của cộng đồng các nhà tài trợ và kinh doanh quốc tế tại Việt Nam.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục