Giảm gạo thường, tăng gạo thơm

Nông dân Sóc Trăng nói riêng và ĐBSCL nói chung trồng giống lúa thơm đã đem lại lợi nhuận tăng từ 50% - 70% và đang mở ra một hướng đi mới, dù phía trước vẫn còn nhiều thách thức…
Giảm gạo thường, tăng gạo thơm

Tái cơ cấu toàn diện ngành lúa gạo

Nông dân Sóc Trăng nói riêng và ĐBSCL nói chung trồng giống lúa thơm đã đem lại lợi nhuận tăng từ 50% - 70% và đang mở ra một hướng đi mới, dù phía trước vẫn còn nhiều thách thức…

Lợi nhuận cao

“Nhiều nông dân trồng lúa thơm đã đạt lợi nhuận từ 50% -70%. Đây là nền tảng quan trọng để địa phương phát triển sản xuất lúa thơm”, kỹ sư Hồ Quang Cua, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng, cho biết. Cũng cần nói thêm, kỹ sư Hồ Quang Cua là người đã gắn bó cùng nhiều nhà khoa học hàng đầu hơn 20 năm qua, để lai tạo thành công các giống lúa thơm dòng ST.

Từ lâu Sóc Trăng được xem là “cái nôi” trồng lúa thơm của ĐBSCL. Tỉnh có khoảng 148.000ha đất trồng lúa. Trong đó, diện tích trồng lúa đặc sản chiếm gần 44%. Đây là thành quả từ nỗ lực dành nguồn vốn đầu tư nghiên cứu và ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ cho cây lúa. Từ năm 1992 đến năm 2015, Sóc Trăng đã dành gần 9 tỷ đồng để thực hiện 20 đề tài, dự án về nghiên cứu chọn, tạo và phục tráng các giống lúa thơm, nổi bật có dòng ST. Từ đó, nhiều thương hiệu như gạo ST bước đầu tạo được niềm tin với khách hàng trong và ngoài nước.

Trồng lúa thơm tốn nhiều công sức và chi phí hơn trồng lúa thường, nên cần phải gắn với đầu ra ổn định. Điều này đòi hỏi nông dân liên kết để sản xuất lớn, cung cấp lúa hàng hóa ổn định cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, nhiều HTX được hình thành gắn với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra hạt lúa. HTX lúa - tôm Hòa Lời (xã Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên) là một điển hình sau gần 7 năm tham gia trồng lúa thơm. Theo ông Mai Văn Chánh, Chủ nhiệm HTX lúa - tôm Hòa Lời: “Nông dân sản xuất nhỏ lẻ thường thiếu kỹ thuật, thiếu các dịch vụ hỗ trợ và gặp rất nhiều rủi ro. Từ năm 2009, HTX cùng Công ty Gentraco, thành lập liên minh Gạo Việt - Hòa Lời đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho nông dân. Toàn bộ lúa của xã viên được Công ty Gentraco bao tiêu, mua cao hơn giá thị trường từ 20% - 25%. Bình quân mỗi hécta xã viên thu nhập lợi nhuận cao hơn các hộ bên ngoài khoảng 20 triệu đồng”. Điều làm ông Mai Văn Chánh tâm đắc nhất đó là nông dân hợp tác trồng lúa thơm đã có ý thức cộng đồng, khả năng làm việc theo nhóm, xóa dần tập quán canh tác cũ, thay đổi theo hướng tiên tiến phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.

Gạo thơm Sóc Trăng dần chiếm lĩnh thị trường

Đưa gạo thơm ra thế giới

Từ 7 năm qua, giống lúa thơm ST5 của Sóc Trăng đã được xuất khẩu với giá lên đến 730 USD/tấn. Năm 2015, có sụt giảm nhưng giá trị gạo ST5 vẫn luôn ở mức từ 600 USD/tấn trở lên. Đây mới chỉ là giống lúa thơm thuộc dạng “bậc trung”, chứ chưa phải cao cấp. Nhóm nghiên cứu của kỹ sư Hồ Quang Cua đang có tham vọng đưa các giống ST đỏ, ST tím và các giống ST từ 20 - 25, có giá trị xuất khẩu ở ngưỡng 800 USD/tấn vào sản xuất đại trà.

Ông Lâm Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Tỉnh đã nỗ lực rất lớn để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, tập trung nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng, sản xuất lúa. Tuy nhiên, so với yêu cầu thì vẫn chưa đáp ứng được. Thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng luôn chào đón các nhà khoa học, các chuyên gia, thương gia kinh doanh về lúa gạo sẽ góp ý về định hướng, chính sách, các mối liên kết… để tạo ra chuỗi sản xuất lúa gạo theo hướng giá trị gia tăng bền vững”.

“Trong lịch sử gần trăm năm trước, gạo ngon Sóc Trăng đã xuất hiện trên thị trường châu Âu. Cách đây hơn 1/4 thế kỷ gạo Việt Nam đã tái xuất hiện trên thị trường thế giới. Nếu biết kết hợp nhuần nhuyễn công tác tổ chức trong cánh đồng lớn, chúng ta sẽ đưa những nông dân nhỏ ra biển lớn, tức sản phẩm của họ hội nhập với thị trường lúa gạo toàn cầu”, kỹ sư Hồ Quang Cua nói một cách tự tin.

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, yêu cầu tái cơ cấu toàn diện ngành lúa gạo theo hướng giảm lúa thường, tăng lúa chất lượng cao, hướng đến xây dựng thương hiệu lúa gạo đang trở nên cấp bách. Một số nghiên cứu chuỗi giá gạo đặc sản tỉnh Sóc Trăng cho thấy, tổng lợi nhuận trong chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo đặc sản vượt trội so với lúa gạo thông thường. Nếu được tổ chức sản xuất phù hợp như mô hình cánh đồng mẫu lớn, mối “liên kết 4 nhà”, nông dân sẽ được hưởng tới 84% tổng số lợi nhuận của chuỗi. Do đó, việc đẩy mạnh phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa gạo đặc sản tại ĐBSCL là một định hướng phù hợp với mục tiêu “nâng cao chất lượng, hiệu quả thể hiện bằng giá trị, lợi nhuận” đã được xác định trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

CAO PHONG

Tin cùng chuyên mục