Doanh nghiệp hụt hơi

Doanh nghiệp hụt hơi

Điện, xăng dầu tăng giá

Từ đầu năm đến nay, giá điện, xăng dầu thay nhau tăng giá khiến hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp thêm khó khăn.

Siết chi phí, giảm lợi nhuận

Bước vào đầu năm 2015, cộng đồng doanh nghiệp vui mừng vì tình hình kinh tế có phần khởi sắc, hoạt động sản xuất kinh doanh dần sôi động trở lại. Tuy nhiên, sau lần giá điện được điều chỉnh tăng 7,5% vào tháng 3, tiếp đến là giá xăng dầu trong nước liên tục tăng trở lại, đang tạo nên mối lo lớn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Riêng trong tháng 5, giá xăng tăng hai lần liên tiếp và đều ở mức cao, đẩy lên 20.430 đồng/lít; giá dầu diesel tăng thêm 500 đồng/lít. Từ việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu này với biên độ lớn gần 20% khiến giá nguyên liệu đầu vào cũng “té nước theo mưa”, trong khi đầu ra sản phẩm gặp nhiều khó khăn do sức mua yếu, càng tạo thêm lo lắng cho các doanh nghiệp do không kịp trở tay để đối phó với các ảnh hưởng từ chi phí đầu vào.

Giám đốc Công ty TNHH SX TM Hoàng Thanh, ông Nguyễn Trung Bình, chuyên sản xuất các mặt hàng nhựa gia dụng ở quận Bình Tân, cho biết, với việc tăng giá dồn dập các mặt hàng thiết yếu như điện, gas, xăng dầu từ đầu năm đến nay đã khiến việc sản xuất của doanh nghiệp bị đảo lộn. Chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng lên do hầu hết nguồn nguyên liệu đều biến động theo hướng tăng. Trong khi đó, lợi nhuận của mỗi sản phẩm giảm khoảng trên dưới 30%. “Điều lo ngại là đầu ra của sản phẩm rất khó khăn do sức mua không được cải thiện nhiều. Hiện nay, chúng tôi chỉ sản xuất cầm chừng, cắt giảm bớt nhân công, siết lại toàn bộ chi phí. Nếu sắp tới, giá cả tiếp tục tăng thì doanh nghiệp buộc phải chấp nhận lãi ít hoặc không có lãi để giữ khách hàng, hoặc buộc phải chuyển hướng khác để tránh bù lỗ…”, ông Nguyễn Trung Bình rầu rĩ.

Tương tự, Tổng Giám đốc Công ty CP SX TM Thiên Hồng Phát, quận 12, chuyên sản xuất đồ gỗ - bà Trần Thanh Hồng, cũng cho biết, do đặc thù sản phẩm của công ty chủ yếu xuất ra nước ngoài và vận chuyển đi các tỉnh, nên chi phí vận tải chiếm tỷ trọng lớn. Tính riêng từ đầu năm đến nay chi phí tăng thêm của doanh nghiệp vượt trên 20% do tác động từ việc điều chỉnh giá điện, xăng dầu. “Doanh nghiệp chúng tôi thuộc loại vừa và nhỏ, thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, lại không thể tăng giá bán, nên đành cắt lãi để bù chi phí. Nếu đẩy giá sản phẩm lên sẽ không cạnh tranh được với hàng hóa cùng loại từ các nước láng giềng. Hiện chúng tôi chỉ sản xuất cầm chừng với những đơn hàng truyền thống lâu nay, chờ xem giá cả sắp tới biến động thế nào rồi mới tính tiếp việc đẩy mạnh sản xuất hay không…”, bà Trần Thanh Hồng phân tích.

Hầu hết doanh nghiệp đều cho hay, trước diễn biến tăng của giá điện, xăng dầu, đẩy chi phí lên cao, giải pháp tạm thời là cắt giảm chi phí không cần thiết, sử dụng máy móc tiết kiệm hơn. Giải pháp cắt giảm nhân công là chuyện chẳng đặng đừng nhưng cũng phải rà soát, tinh giảm. Đối với những công nhân không đủ trình độ sẽ tạo điều kiện làm những công việc khác. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng thông qua hiệp hội ngành hàng để kiến nghị các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý cần có biện pháp để duy trì ổn định giá điện, xăng dầu trong một khoảng thời gian tương đối dài, tránh tình trạng điều chỉnh giá liên tục, quá cao như hiện nay, khiến doanh nghiệp không kịp trở tay.

Giá xăng, điện tăng gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Cao Thăng

Ngăn tác động dây chuyền

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Minh Hải, Đại học Quốc gia TPHCM, cho rằng, tác động tăng giá trực tiếp của mỗi đợt tăng giá điện, xăng dầu là khá lớn. Nhưng tác động gián tiếp lớn hơn nhiều, trong đó có một phần là hàng hóa và dịch vụ ăn theo giá xăng một cách vô lý, kiểu té nước theo mưa. Qua đó, sẽ đẩy giá các mặt hàng nguyên liệu lên khiến doanh nghiệp bị động trong khâu mua sắm vật tư. Do đó, để giá cả hàng hóa và dịch vụ không tăng một cách quá vô lý, cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm soát dòng tiền ra thị trường một cách chặt chẽ. Mặt khác, việc điều chỉnh giá điện, xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường là cần thiết, song mỗi lần tăng giá cần có sự tính toán cân nhắc, thận trọng để không ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, hoạt động của doanh nghiệp, cũng như của nền kinh tế. Về phía doanh nghiệp cần phải linh hoạt và năng động hơn để ứng phó mỗi lần giá các mặt hàng thiết yếu tăng.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính Nguyễn Anh Tuấn, để hạn chế các hiện tượng lợi dụng việc tăng giá điện, giá xăng để tăng giá dây chuyền, không phù hợp với tỷ lệ tác động của các mặt hàng trên vào giá thành, giá bán hàng hóa, dịch vụ khác, Cục Quản lý giá đã đề nghị Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan như: Công Thương, Giáo dục, Y tế, Quản lý thị trường, Thuế, Công an, Hải quan... triển khai thực hiện tăng cường công tác quản lý và bình ổn giá trên địa bàn. Trong đó, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường, kịp thời tham mưu đề xuất cho ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện các giải pháp bình ổn giá. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra đối với các mặt hàng thiết yếu như giá cước vận tải, giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, giá thuốc, xi măng, thép xây dựng, gas... Đồng thời, giám sát, rà soát chặt chẽ kê khai giá của doanh nghiệp đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá. Kiên quyết dừng các trường hợp kê khai tăng giá không phù hợp.

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục