Tăng trưởng GDP đạt 6,28%, cao nhất trong 5 năm qua

Tăng trưởng GDP đạt 6,28%, cao nhất trong 5 năm qua

(SGGPO). – Sáng 29-6, Thủ tướng Chính phủ chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6.

Về tình hình kinh tế- xã hội tháng 6-2015 và 6 tháng đầu năm 2015, thông tin do Bộ KH-ĐT đưa ra tại phiên họp cho thấy, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì khi lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng  (CPI) tăng thấp: CPI tháng 6 tăng 0,35% so với tháng trước (trong đó tăng mạnh nhất là giá nhóm giao thông tăng 3,54%; tiếp đến là giá thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,38%; nhà ở và vật liệu xây dựng, tăng 0,3%. Hai nhóm có chỉ số giá giảm là: bưu chính viễn thông và hàng ăn và dịch vụ ăn uống đều giảm 0,03%). So với tháng 12-2014, CPI tháng 6 tăng 0,55%. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 6 tăng 1%. Bình quân 6 tháng đầu năm 2015 tăng 0,86%. So với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tháng 6 tăng 2,01%, bình quân 6 tháng tăng 2,24%.

Về tiền tệ, tín dụng, tổng phương tiện thanh toán ước tăng 5,09% (cùng kỳ năm 2014 tăng 6,37%). Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 4,58% (cùng kỳ năm 2014 tăng 5,26%). Cùng với việc phục hồi của nền kinh tế, tăng trưởng tín dụng cũng được cải thiện tích cực, tốc độ tăng dư nợ tín dụng cao hơn tốc độ tăng dư nợ tiền gửi. Tính đến ngày 19-6, tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 6,28% so với cuối năm 2014, cao hơn cùng kỳ nhiều năm trước.

Tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 6,28% so với cuối năm 2014. Ảnh: Cao Thăng

Về thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, báo cáo của Bộ KH-ĐT cho thấy, tăng trưởng GDP đạt mức cao nhất trong 5 năm qua. Cụ thể, tốc độ tăng GDP quý II ước đạt 6,44%, cao hơn mức tăng 6,08% của quý I và cao hơn mức tăng cùng kỳ 5 năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm GDP tăng 6,28%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ 5 năm trước, trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,36%; khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng 9,09%; dịch vụ ước tăng 5,9%. Tốc độ tăng trưởng GDP quý II và 6 tháng đầu năm đạt cao cho thấy, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, nền kinh tế nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi và đang lấy lại đà tăng trưởng cao. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, đây là mức tăng trưởng cao.  Nhưng phải tiếp tục chỉ rõ, đồng thuận giải pháp để bảo đảm 6 tháng cuối năm tăng trưởng cao hơn trong 6 tháng đầu năm, đó là trách nhiệm trước nhân dân, trước đất nước. ”Nói ưu điểm ít thôi, bây giờ phải tập trung chỉ rõ, khắc phục cho được những hạn chế, yếu kém. Thực tế cho thấy, nếu quyết tâm làm sẽ có chuyển biến tích cực, ví dụ việc cải thiện môi trường kinh doanh mà vừa qua chúng ta đã làm. Nhân dân thấy rõ và hoan nghênh điều đó”, Thủ tướng yêu cầu. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu từng bộ ngành, địa phương phải chỉ có giải pháp cụ thể, có lộ trình, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành để 6 tháng cuối năm đạt kết quả tốt hơn.

Cùng với đó, phải đẩy mạnh thực hiện việc cải cách môi trường kinh doanh. Không thể cạnh tranh được và phát triển bền vững nếu không cải cách môi trường kinh doanh. ”Việt Nam là đất nước có tỷ lệ sử dụng Internet cao nhưng tại sao chỉ sổ Chính phủ điện tử vẫn thấp? Cần chỉ rõ vướng mắc ở đâu để giải quyết. Phải đẩy mạnh ứng dụng CNTT để tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Việc quan trọng như vậy nhưng tại sao đến nay chỉ có một số bộ ngành làm?”, Thủ tướng truy vấn. Thủ tướng cho rằng, trước đây chủ yếu giao dịch thông qua giấy tờ công văn, bây giờ phải đưa CNTT vào, ở trên mọi lĩnh vực. Phải tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, rà soát, loại bỏ những thủ tục không còn cần thiết, phù hợp.

Cùng với đó là  đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC),  bao gồm cả cải cách về thủ tục, cán bộ công chức, tổ chức bộ máy. ”Phải đồng bộ các giải pháp để làm sao năm 2015 đạt tăng trưởng 6,2% và vẫn bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, tổ chức đại hội Đảng các cấp. Tình hình 6 tháng đầu là phát triển tích cực, ổn định, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Vì vậy tinh thần chung là 6 tháng cuối năm phải đạt kết quả cao hơn”, Thủ tướng yêu cầu.

Tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng 6 tháng đầu năm ước đạt 9,09%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm từ 2011 trở lại đây. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm ước tăng 9,6%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Đáng chú ý là sự phục hồi mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành khai khoáng (trong đó riêng về sản lượng dầu thô khai thác trong nước 6 tháng đầu năm ước đạt 8,38 triệu tấn, tăng 830.000 tấn, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước).

Tuy nhiên, đáng ngại là tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 2,36%, thấp hơn mức tăng 2,96% của cùng kỳ năm 2014. Trong 3 ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản, chỉ có lâm nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước, nhưng chỉ chiếm 2,6% giá trị sản xuất của toàn ngành; trong khi nông nghiệp và thủy sản đều tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước. Bộ KH-ĐT cũng cho hay, khu vực dịch vụ, mặc dù còn có những khó khăn nhưng vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá, cao hơn cùng kỳ năm trước. Trong đó đáng chú ý khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục giảm sút so với cùng kỳ năm trước (giảm 11,3%).

Cũng theo Bộ KH-ĐT, tình hình phát triển DN có nhiều chuyển biến tích cực. Số DN và số vốn đăng ký thành lập mới tăng cao so với cùng kỳ; DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể giảm. Trong 6 tháng đầu năm, có 45.406 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 282.396 tỷ đồng, tăng 21,7% về số DN và tăng 22,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Tổng số DN khó khăn, tạm ngừng hoạt động và giải thể cả nước chỉ bằng 5,9% tổng số DN đang hoạt động, thấp hơn rất nhiều so với thông lệ thị trường (khoảng 12-14%).

Một thông tin đáng mừng khác là so với cùng kỳ năm trước, tai nạn giao thông 6 tháng đầu năm đã giảm cả 3 tiêu chí: Số vụ giảm 12,85%, số người chết giảm 4,5% và số người bị thương giảm 17,24%..

--------------------------------------------

Cần ưu tiên trồng điều, ngô, cây ăn quả có múi, nuôi đại gia súc

Cũng tại phiên họp Chính phủ sáng nay, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết, từ đầu năm đến nay, sản xuất nông nghiệp có nhiều khó khăn, nông nghiệp tăng chậm lại là do trồng trọt. 6 tháng đầu năm nay,  sản lượng lúa vụ Đông Xuân giảm 160.000 tấn (lúa chiếm 50% trồng trọt, nên sản lượng lúa ảnh hưởng rõ đến tăng trưởng của nông nghiệp). Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu lúa gạo, cao su, thủy sản đều gặp khó khăn.Thay vào đó, những lĩnh vực khác lại tăng trưởng khá như chăn nuôi 4%; lâm nghiệp 8,3%; thủy sản 3%.

Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đề xuất chủ động  không tăng sản lượng các mặt hàng này. Ví dụ lúa gạo đề nghị không tăng sản lượng, vì tăng sản lượng thì giá lại xuống, thu nhập người nông dân bị ảnh hưởng. Hoặc với cao su, cá tra… cũng không nên tăng sản lượng.

Tính chung, tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2015 ước đạt 2,36%, thấp hơn mức tăng 2,96% của cùng kỳ năm 2014; trong đó: nông nghiệp tăng 1,9% (cùng kỳ tăng 2,24%); thủy sản tăng 3,3% (cùng kỳ tăng 5,89%); lâm nghiệp tăng 8,07% (cùng kỳ tăng 5,63%). Trong 3 ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản, chỉ có lâm nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước, nhưng chỉ chiếm 2,6% giá trị sản xuất của toàn ngành; trong khi nông nghiệp và thủy sản đều tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT lạc quan cho rằng có thể từ nay cuối năm, xuất khẩu nông nghiệp sẽ tăng khá, vì còn hàng nghìn tấn cà phê trong kho, tình hình thị trường đang phục hồi tốt lên.

Bộ trưởng cũng thừa nhận, với lĩnh vực nông nghiệp, thách thức lớn nhất vẫn là thiên tai và thị trường. “Từ nay đến cuối năm nông nghiệp phải làm ra trên 10.000 tỷ đồng, tức là phải tăng hơn mức bình thường, thì mới bảo đảm tăng trưởng bằng năm ngoái. Muốn vậy các ngành, địa phương phải tập trung hướng dẫn nhân dân trồng những cây có thị trường, như cây điều, cây ăn quả có múi vì thị trường đang rất tốt; trồng ngô (từ đầu năm đến nay đã nhập hơn 3 triệu tấn ngô), giờ khô hạn càng nên chuyển sang trồng ngô vì hiệu quả cao”, Bộ trưởng nói.

Về chăn nuôi, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho biết nhu cầu đang tăng, thị trường tăng trưởng kinh tế 6% nên nhu cầu thị trường tăng lên 4 – 5% là thời cơ đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc, bò thịt và bò sữa (sản lượng sữa đang tăng 25%, heo và gia cầm tăng 4 – 5%).  Từ nay đến cuối năm, thị trường tôm, cá tra cũng đang phục hồi tốt vì nhiều đơn hàng chuẩn bị cho thị trường Noel và Tết dương lịch, vì vậy cần đẩy mạnh nuôi tôm, nhất là tôm thẻ chân  trắng.

“Cần tuyên truyền để nhân dân biết về định hướng thị trường để sản xuất hợp với thị trường. Ngoài ra, mấu chốt của vấn đề hiện nay là hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Cần cùng nhau hỗ trợ các DN, đẩy mạnh hỗ trợ tìm kiếm thị trường. Từng địa phương nên hỗ trợ mạnh cho DN”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu. Ngoài ra, về thiên tai, quan điểm của Bộ trường là thiên tai khó lường, vì vậy phải chủ động phòng tránh. Đơn cử như tình hình khô hạn rất trầm trọng, kéo dài ở miền Trung, Bộ sẽ trình Chính phủ giải quyết nhưng kiến nghị của Ninh Thuận để giải quyết vấn đề hạn hán (tỉnh Ninh Thuận kiến nghị để giải quyết căn bản, cần ưu tiên vốn hỗ trợ để tỉnh triển khai một số công trình tưới nước quan trọng, hệ thống kênh mương, thủy lợi).

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục