Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn những rào cản

Ngày 29-6, đoàn công tác Quốc hội do đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn đã làm việc với Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) về những vấn đề sau cổ phần hóa (CPH).

Ngày 29-6, đoàn công tác Quốc hội do đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn đã làm việc với Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) về những vấn đề sau cổ phần hóa (CPH).

Cần cơ chế quản lý vốn phù hợp

Báo cáo của Vinamilk cho thấy, Vinamilk CPH vào cuối năm 2003, chỉ sau 1 năm doanh thu của công ty đã đạt 4.227 tỷ đồng và sau 10 năm CPH, tổng doanh thu đạt 34.977 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân về doanh thu khoảng 22%/năm. Theo kế hoạch, năm 2015, doanh thu của Vinamilk đạt 38.424 tỷ đồng. Về vốn chủ sở hữu và tổng tài sản của Vinamilk tăng trưởng gấp 10 lần, trong đó vốn điều lệ của công ty tăng từ 1.569 tỷ đồng lên hơn 10.000 tỷ đồng. Vốn hóa thị trường của Vinamilk hiện nay đạt khoảng hơn 5 tỷ USD, đứng thứ 2 trên thị trường chứng khoán VN.

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên cho biết, sau CPH, Vinamilk đã thu hút nhiều cổ đông trong và ngoài nước tham gia. Vinamilk hiện có 45,06% cổ phần sở hữu của nhà nước, được quản lý thông qua Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Và khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động theo CPH một phần cũng từ đây. Quy chế người đại diện vốn của SCIC đã nhiều lần thay đổi nhưng vẫn tồn tại nhiều bất cập, thậm chí là mâu thuẫn với các văn bản pháp luật. Quan điểm quản lý chi phối hiện nay của SCIC đã làm giảm đi tính tự chủ, chủ động của HĐQT trong việc thực thi chức năng, nhiệm vụ quản lý và điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo bà Mai Kiều Liên, Vinamilk là một công ty cổ phần đại chúng niêm yết có vốn đầu tư của nhà nước, mong muốn có một cơ chế quản lý vốn được vận hành phù hợp theo Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, điều lệ công ty. Do vậy, Vinamilk kiến nghị Ủy ban Kinh tế Quốc hội chỉ đạo xem xét sửa đổi Quy chế người đại diện vốn nhà nước cho đúng với Nghị định 99/2012 và Thông tư 21/2014 của Chính phủ và Bộ Tài chính ban hành, tránh cơ chế xin cho và làm mất cơ hội kinh doanh của DN. Đồng thời, theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN, có hiệu lực vào ngày 1-7-2015 sắp tới, quy định người đại diện phải báo cáo và xin ý kiến của DN cử đại diện trước khi tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại đại hội cổ đông, cuộc họp của HĐQT, hội đồng thành viên trong tất cả các trường hợp mà không có sự phân chia về tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước như Nghị định 99 và Thông tư 21. Điều này sẽ tiếp tục dẫn đến các khó khăn cho DN như đã nêu.

“Chúng tôi lớn lên từ một DN nhà nước. Từ khi CPH đến nay Vinamilk chưa xin bất cứ điều gì từ nhà nước, chúng tôi chỉ mong muốn luật và các văn bản dưới luật phải được thực hiện đồng bộ, mạnh dạn trao quyền tự quyết định cho DN để họ tự chủ hơn trong điều hành. Cũng nên xem xét về tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước trong công ty cổ phần ở một mức hợp lý để hài hòa lợi ích cho các bên liên quan, đặc biệt là các công ty cổ phần đang có tỷ lệ vốn nhà nước lớn mà nhà nước không cần nắm giữ tỷ lệ vốn lớn như ngành sữa, thực phẩm” - bà Mai Kiều Liên bức xúc.

Tạo cơ hội cho doanh nghiệp kinh doanh

Thay mặt đoàn công tác, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã rất ấn tượng trước những kết quả mà Vinamilk đạt được sau CPH. Sự thành công của Vinamilk không chỉ thể hiện qua các con số, mà còn có sự gắn kết chặt chẽ mô hình công - nông, tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động.

Liên quan đến những vướng mắc Vinamilk đặt ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đã và đang có rào cản kéo giảm sự phát triển của DN có vốn sở hữu nhà nước, từ chính khoảng cách khá lớn giữa luật và các văn bản dưới luật. Phó Chủ tịch đề nghị, Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cần tiếp xúc và lắng nghe nhiều hơn nữa ý kiến của cử tri về những bộ luật có hiệu lực từ ngày 1-7 để điều chỉnh kịp thời. Tinh thần của các bộ luật mới là tạo môi trường thông thoáng, thúc đẩy mọi nguồn lực phát triển nhưng khi đi vào thực tế vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc, do vậy việc rà soát để điều chỉnh là rất cần thiết. Bây giờ cái gì cấm DN làm cũng đều đã ghi rõ trong luật, tất cả các giấy phép đều được dẹp bỏ để tạo cơ hội kinh doanh tốt nhất cho DN. Các văn bản hướng dẫn thi hành không được làm trái, mà phải được thực thi đúng tinh thần của luật.

ThÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục