Những dự án ngắt quãng

Khu vực phía Đông là cửa ngõ giao thông huyết mạch từ các tỉnh miền Trung, miền Đông vào trung tâm TPHCM. Tuy nhiên, nhiều tuyến đường quan trọng đang bị “ngắt quãng” khiến xe cộ thường xuyên bị ách tắc.  Đứt khúc nhiều đoạn
Những dự án ngắt quãng

Khu vực phía Đông là cửa ngõ giao thông huyết mạch từ các tỉnh miền Trung, miền Đông vào trung tâm TPHCM. Tuy nhiên, nhiều tuyến đường quan trọng đang bị “ngắt quãng” khiến xe cộ thường xuyên bị ách tắc. 

Đứt khúc nhiều đoạn

Xa lộ Hà Nội là một trong những tuyến đường được thành phố xác định là tuyến giao thông huyết mạch ở cửa ngõ phía Đông nên được tập trung mở rộng, nâng cấp lên 16 làn xe. Thời gian qua, tuyến đường này được đầu tư mạnh nhất nhằm nâng cao hiệu quả về năng lực giao thông. Trong đó cầu Rạch Chiếc được đầu tư xây mới hơn 1.000 tỷ đồng, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội được đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng. Thế nhưng, hơn một năm qua, việc thi công rất ì ạch và hiện nay vẫn còn ngổn ngang ở nhiều đoạn. Đơn cử, đoạn từ Khu Công nghệ cao đến ngã ba Tân Vạn, hai bên đường rất nhếch nhác. Mặt đường hẹp khiến làn đường dành cho xe gắn máy càng thêm hẹp nên thường xuyên gây ùn tắc giao thông. Nguy hiểm hơn là tình trạng mặt đường rất xấu, cát đá vương vãi khắp nơi rất dễ gây ra tai nạn.

Xe cơ giới bày bán bên Xa lộ Hà Nội đoạn qua tỉnh Bình Dương. Ảnh: CAO THĂNG

Một tuyến giao thông quan trọng không kém là đường Vành đai 2. Tuy nhiên, tuyến này chỉ mới thông được một đoạn, đoạn còn lại đang là vùng đầm lầy. Tuyến bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh đi qua cầu Phú Mỹ nối vào đường vành đai phía Đông (Vành đai 2) ra đến ngã tư Bình Thái (xa lộ Hà Nội), sau đó băng thẳng đến ngã tư Gò Dưa, nối vào quốc lộ 1A, đi qua nút giao Tân Tạo để khép vào đường Nguyễn Văn Linh. Mục tiêu sau khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ giúp tăng năng lực giao thông của TPHCM và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt giải quyết tình trạng ách tắc giao thông tại khu vực phía Đông và trung tâm thành phố, khi ấy các phương tiện vận tải hàng hóa ra vào các cảng, đi từ các tỉnh miền Đông sang miền Tây không phải  đi vào khu vực nội thành.

Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, đến nay, đường Vành đai 2 mới hoàn thành được khoảng 55km, hiện còn 2 đoạn hở vẫn chưa thể khép kín, đó là đoạn  từ cầu Rạch Chiếc 2 đến nút giao thông Gò Dưa (dài 9km) và đoạn từ ngã ba An Lập đến đường Nguyễn Văn Linh (dài 5,2km). Ở 2 đoạn trên, khối lượng thi công là rất lớn, bởi riêng đoạn Rạch Chiếc 2 đến nút giao thông Gò Dưa lại chia thành 4 dự án nhỏ (cầu Rạch Chiếc 2, đoạn từ cầu Rạch Chiếc 2 đến ngã tư Bình Thái - xa lộ Hà Nội, đoạn ngã tư Bình Thái đến  ngã ba Linh Đông và  từ ngã ba Linh Đông - nút giao thông Gò Dưa).

Chờ nhà đầu tư

Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, đường Vành đai 2 vẫn còn 2 đoạn chưa kết nối là đoạn thuộc đường Hồ Ngọc Lãm (huyện Bình Chánh) và đoạn từ nút giao đường cao tốc TPHCM - Long Thành (quận 9) đến Gò Dưa (khởi công từ năm 2006). Cách đây khoảng 2 năm, một nhà đầu tư đã đề xuất đầu tư xây dựng đoạn từ ngã ba An Lập đến đường Nguyễn Văn Linh (dài 5,2km) bằng hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), với tổng vốn đầu tư trên 8.000 tỷ đồng. Sau khi thành phố chấp thuận quy mô dự án thì nhà đầu tư này lại xin rút lui. Được biết, một số nguyên nhân khiến nhà đầu tư không mặn mà với dự án là do tổng mức đầu tư khá lớn, giải phóng mặt bằng nhiều và thiếu quỹ đất sạch hoán đổi cho nhà đầu tư để thu hồi vốn.

Tương tự, đoạn từ cầu Rạch Chiếc 2 đến nút giao thông Gò Dưa cũng trong tình trạng dây dưa suốt nhiều năm qua trong việc kêu gọi nhà đầu tư. Lúc đầu, các dự án được giao cho một nhà đầu tư tư nhân thực hiện, sau đó xét khả năng nguồn lực nhà đầu tư  khó đảm bảo nên giao lại cho Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 thuộc Sở GTVT đầu tư bằng ngân sách. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. UBND TPHCM đã nhiều lần yêu cầu Sở GTVT phải khép kín đường Vành đai 2 trong thời gian sớm nhất. Giải thích lý do chậm trễ, ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng phòng Quản lý xây dựng công trình giao thông Sở GTVT cho biết, sở đã kêu gọi nhiều nhà đầu tư nhưng đến nay chưa có đơn vị nào tham gia, còn vốn ngân sách hiện chưa có nguồn, nên chưa biết khi nào mới triển khai được.

Đối với dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, theo chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII), sau hơn 5 năm thi công dự án mới đạt trên 50% khối lượng do vướng giải phóng mặt bằng. Theo dự án, xa lộ Hà Nội đoạn từ cầu Sài Gòn đến nút giao Bình Thái phải mở rộng lên 153,5m, còn đoạn từ nút giao Bình Thái đến nút giao Tân Vạn mở rộng lên 113,5m. Tổng mức đầu tư cho toàn dự án là 2.286,8 tỷ đồng, trong đó phần chi phí xây dựng là 1.701,5 tỷ đồng bằng hình thức BOT. Với việc chậm tiến độ như hiện nay, có khả năng dự án sẽ bị đội giá.

Hầu như, “căn bệnh” vướng di dời - chậm tiến độ - công trình đội giá là bệnh trầm kha của các dự án đầu tư hạ tầng. Đến bao giờ mới chấm dứt nghịch lý hiện nay là dự án có mặt bằng trống thì không có nhà đầu tư, nơi có nhà đầu tư lại vướng mặt bằng?

QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục