Người mua hàng vẫn thua thiệt

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011. Một trong những ưu điểm của luật này là tạo điều kiện thuận lợi cho NTD được thực hiện việc khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình. Nhưng đến nay, NTD vẫn chưa có điều kiện pháp lý để thực hiện quyền của mình, bởi sự bất cập, thiếu đồng bộ trong các văn bản pháp quy.
Người mua hàng vẫn thua thiệt

Thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011. Một trong những ưu điểm của luật này là tạo điều kiện thuận lợi cho NTD được thực hiện việc khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình. Nhưng đến nay, NTD vẫn chưa có điều kiện pháp lý để thực hiện quyền của mình, bởi sự bất cập, thiếu đồng bộ trong các văn bản pháp quy.

Ngại khiếu nại do… không hiểu luật

Tại Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD có ghi rõ quyền của NTD là quyền được “đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp…”. Nói một cách khác, các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho NTD.

Vậy nhưng, thực tế vẫn có không ít trường hợp NTD mua phải hàng hóa kém chất lượng nhưng họ lại không biết phải xử lý ra sao, nhờ cơ quan nào, hoặc đã phản ứng theo kiểu tự phát nên không hiệu quả. Trường hợp của gia đình anh D.V.D. (quận Bình Thạnh) là một ví dụ. Theo phản ánh của anh D., gần 2 năm trước, gia đình mua một chiếc tủ lạnh 4 cửa (loại mới nhất, trị giá 41,5 triệu đồng). Sau một thời gian sử dụng, toàn bộ ngăn dưới (ngăn lạnh) bị hư. Anh D. điện thoại đến trung tâm bảo hành của hãng để nhờ sửa tủ. Sau đó có 2 thanh niên xưng là người của trung tâm bảo hành đến kiểm tra, kết luận là thiết bị tản nhiệt bị hư, cần phải thay. Gia đình anh D. chấp nhận thay với yêu cầu phải viết giấy bảo hành cho thiết bị mới, nhưng họ cho biết chỉ… “bảo hành miệng” chứ không có giấy. Chính điều này đã gây nên sự to tiếng từ đôi bên. “Mua tủ lạnh thì quá dễ, nhưng khi gặp trục trặc thì quá phức tạp. Vì ngoài việc không có tủ lạnh để dùng, tốn thời gian và tiền bạc, khi sửa xong cũng chưa mang lại sự yên tâm vì không biết họ thay cái gì, chạy được bao lâu”, anh D. kết luận.

Người tiêu dùng chọn lựa mua sản phẩm điện máy (ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: CAO THĂNG

Tương tự, hơn 1 năm trước, công ty T. mua một chiếc xe hơi. Sau thời gian ngắn sử dụng, mỗi khi nổ máy, xe phát ra tiếng ồn rất lớn. Công ty này đưa đến hãng bảo hành để kiểm tra thì được báo lỗi do dây curoa và tiến hành thay. Nhưng khi thay xong, tình trạng vẫn không tốt hơn, công ty này tiếp tục đưa đến sửa, được nhân viên của hãng bảo là một số chiếc trong dòng xe này bị lỗi thiết bị nêu trên và chờ khi nào có thiết bị mới sẽ báo cho công ty mang đến thay! Thế nhưng, gần nửa năm trôi qua vẫn chưa thấy nhân viên gọi lại. “Mang tiếng là lái xe sang nhưng mỗi khi nổ máy, thấy xấu hổ vì tiếng ồn phát ra quá lớn khiến nhiều con mắt đổ dồn vào nhìn, làm tôi ngại quá!”, tài xế phân bua. Khi chúng tôi hỏi, tại sao công ty không làm đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan chức năng? “Chúng tôi đang chờ, khi nào chịu đựng hết nổi mới tính bước tiếp theo”, đại diện công ty T. cho biết.

Chúng tôi đem 2 trường hợp nêu trên trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, ông cho biết, phía doanh nghiệp chưa làm hết trách nhiệm, còn NTD do thiếu hiểu biết nên không biết bảo vệ quyền lợi của mình.

Cần xã hội hóa

Theo số liệu của Văn phòng Khiếu nại của NTD phía Nam (thuộc Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam), 6 tháng đầu năm 2015 đã có 64 vụ khiếu nại, trong đó kết quả hòa giải thành công là 46 vụ; có 6 khiếu nại không đủ chứng cứ, địa chỉ không rõ ràng. Nhìn chung, khiếu nại của NTD chủ yếu liên quan đến chất lượng hàng hóa, bảo hành và chất lượng dịch vụ; hàng điện, điện tử, điện lạnh và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chiếm 48/64 tổng số khiếu nại, tỷ lệ 75%; các lĩnh vực khác như dịch vụ vận tải, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, nhà ở là 14/64 vụ khiếu nại, tỷ lệ 21,86%...

Bên cạnh đó, có 80 trường hợp NTD phản ánh qua điện thoại nhờ văn phòng tư vấn, hướng dẫn giải quyết khiếu nại khi mua phải hàng hóa dịch vụ không đảm bảo chất lượng, hoặc nhờ được tư vấn hướng dẫn về luật pháp. Đáng lưu ý, có khá nhiều khiếu nại mua hàng qua mạng nhưng nơi bán không có địa chỉ trên mặt đất như đã quảng cáo, NTD bị lừa đảo, ngay cả cơ quan quản lý cũng không thể can thiệp. Văn phòng chỉ có thể khuyến cáo NTD khi mua hàng qua mạng, cần xem xét kỹ trang web của tổ chức, cá nhân kinh doanh có hợp pháp theo đúng quy định của Luật Thương mại điện tử hay không.

Sau hơn 4 năm Luật Bảo vệ quyền lợi NTD có hiệu lực, quá trình thực thi vẫn còn nhiều hạn chế. Các tổ chức kinh doanh chưa quan tâm đến những quy định của pháp luật đối với trách nhiệm của mình trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ hoặc phải giải thích rõ ràng những điều kiện giao dịch cho NTD khi ký hợp đồng. Các đơn vị sở, ngành chức năng được giao nhiệm vụ giúp UBND TP thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD còn nhiều lúng túng, bất cập; công tác tuyên truyền còn hạn chế nên nhận thức xã hội về luật không đầy đủ. Do vẫn còn nhiều lỗ hổng - bởi cả người thực thi pháp luật lẫn người được bảo vệ vẫn chưa hiểu đúng, hiểu đủ về vấn đề này - nên dẫn đến nhiều vụ tranh chấp. Nhiều ý kiến cho rằng, việc thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi NTD không giống những luật khác, mà là phải có đủ “3 tay” gồm “Nhà nước - doanh nghiệp - các tổ chức xã hội, người tiêu dùng” thì mới có thể thực hiện hiệu quả. Điều này cũng đồng nghĩa, đã đến lúc phải xã hội hóa công tác bảo vệ quyền lợi NTD. Mỗi công dân đều là một NTD, nhưng vì sao sau nhiều năm triển khai thực hiện, hiệu quả từ Luật Bảo vệ quyền lợi NTD chưa cao, NTD vẫn còn tâm lý khi đi kiện “chờ được vạ thì má đã sưng”? Vấn đề này cần được đặt lên bàn của các nhà làm luật và các cơ quan chức năng.

HẢI HÀ

Tin cùng chuyên mục