Hàng lậu vẫn… khó kiểm soát

Ngày 28-8, Tổng cục Hải quan, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quốc gia (Ban Chỉ đạo 389) đã tổ chức thông tin về lĩnh vực hải quan; công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại. Đại diện các cơ quan này thừa nhận, công tác chống buôn lậu hiện vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất trong nước.

Ngày 28-8, Tổng cục Hải quan, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quốc gia (Ban Chỉ đạo 389) đã tổ chức thông tin về lĩnh vực hải quan; công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại. Đại diện các cơ quan này thừa nhận, công tác chống buôn lậu hiện vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất trong nước.

Hàng giả, hàng lậu vẫn ồ ạt vào nội địa

Mới đây, tại khu vực biên giới thuộc Móng Cái (Quảng Ninh), Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), Công an và Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên đã thực hiện các quyết định khám xét đối với 5 xe hàng. Tại thời điểm khám xét, 5 tài xế của 5 xe này đều không xuất trình được hóa đơn chứng từ hợp pháp liên quan đến lô hàng đang vận chuyển trên xe. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện một số lượng hàng lớn cất giấu trong các hầm hàng được chốt bằng chốt sắt tinh vi như: mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em, quần áo, thiết bị điện, gạch men, máy tính, phụ kiện điện thoại, xe đạp điện… do nước ngoài sản xuất. Lô hàng ước tính trị giá 1 tỷ đồng. Trước đó, các lực lượng chức năng cũng đã phát hiện, bắt giữ 3-4 vụ lớn tương tự ở khu vực biên giới.

Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389, vừa qua các lực lượng chức năng cũng đã bắt lô hàng vi phạm tại Lạng Sơn, trong đó nhiều mặt hàng sản xuất ở nước ngoài nhưng mang nhãn mác Việt Nam. Có nhiều lô hàng khác khi lực lượng chức năng khám xét, tất cả các hàng tiêu dùng ở Việt Nam từ tăm, bông ngoáy tai, điện thoại, quần áo... cũng đều bị các đối tượng tìm cách nhập khẩu trái phép, làm giả, thậm chí giả cả thương hiệu Việt Nam và có giấy bảo hành ghi ngày sản xuất ở Việt Nam. Hiện các cơ quan chức năng đang vào cuộc để điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, điều khiến cho việc chống hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại khó khăn xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đó là, dù một năm có đến 19.000 vụ vi phạm bị xử lý nhưng điều đáng buồn là tại một hội thảo có đại diện các giám đốc doanh nghiệp thì có chưa đến 10 doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả quan tâm. “Nếu như nước ngoài bị như vậy, doanh nghiệp họ sẽ phối hợp với cơ quan chức năng để điều tra xử lý nghiêm. Ở Việt Nam, hầu như các doanh nghiệp đều thờ ơ. Nguyên nhân được chúng tôi xác định có nhiều. Đó là doanh nghiệp bị làm giả sản phẩm sợ khi nói ra ảnh hưởng đến doanh thu; một bộ phận đại lý, cửa hàng đặt hàng giả, hàng hóa “bên kia” trà trộn với hàng thật để ăn chênh lệch giá; một bộ phận cơ quan chức năng chưa hợp tác với doanh nghiệp để xử lý sai phạm”, ông Nguyễn Văn Cẩn nói.

Theo Ban Chỉ đạo 389, sở dĩ dù có sự ra đời của ban, áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp là do quan điểm chỉ đạo của ban là công khai kết quả, đánh giá khách quan dù kết quả đạt được từ khi Ban Chỉ đạo 389 ra đời, số lượng các vụ bắt giữ, khởi tố, truy tố; tang vật, hiện vật, số tiền thu được nộp ngân sách rất lớn so với cùng kỳ. Cụ thể, 7 tháng đầu năm 2015, tổng hợp từ 63 tỉnh, thành phố, các lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý gần 130.000 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách gần 4.000 tỷ đồng, tổng số vụ án khởi tố trên 800 vụ, số đối tượng bắt giữ gần 1.000 đối tượng.

Đang điều tra các vụ việc nghiêm trọng

Liên quan đến vụ gần 100 khẩu súng ngắn cùng 500 băng đạn được chuyển từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Singapore nhưng bị làm thủ tục “gửi nhầm” vào sân bay Tân Sơn Nhất của Việt Nam, ông Nguyễn Văn Cẩn cho biết, đây là vụ việc nghiêm trọng. Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, vụ gần 100 khẩu súng qua sân bay Tân Sơn Nhất là vi phạm nghiêm trọng pháp luật hải quan. Súng quân dụng kể cả quá cảnh thì phải được phép của Thủ tướng Chính phủ mới được mang qua. Nhưng gần 100 khẩu súng mới này được đưa từ máy bay vào kho thì bị phát hiện. Hiện hải quan đang phối hợp với cơ quan công an vào cuộc để xử lý nghiêm. “Với hai vai là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan và Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 tôi xin thông tin chính thống như vậy. Nhầm là nhầm thế nào được. Lỗi của cơ quan hải quan là chúng tôi chưa kịp thời thông tin chính thức”, ông Nguyễn Văn Cẩn nói.

Xung quanh vụ thu giữ 600 bánh heroin “lọt” cửa sân bay Tân Sơn Nhất vừa qua, theo ông Nguyễn Văn Cẩn, hải quan làm theo luật và các hướng dẫn về việc phân luồng kiểm tra, cũng như có quy trình quy định liên quan để xác định trách nhiệm của hải quan có hay không. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công an lập chuyên án và xử lý nghiêm cá nhân có liên quan và “có lẽ tới đây Bộ Công an sẽ công bố”. Ông Nguyễn Văn Cẩn thông tin thêm, bước đầu nắm được, cơ quan điều tra của Tổng cục Cảnh sát đã bắt giữ số lượng lớn đối tượng có liên quan và chưa có phát hiện liên quan đến công chức hải quan. Vụ việc sắp có kết luận. Quan điểm của ngành hải quan là không bao che, nếu công chức dính đến thì sẽ bị xử lý.

Xung quanh vụ việc hơn 1.000 con cá sấu mà một số báo nêu, ông Nguyễn Văn Cẩn cho biết, vụ việc này, Ban Chỉ đạo 389 triển khai kế hoạch cho các lực lượng chức năng gồm: Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), Cục Cảnh sát chống buôn lậu, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh tiến hành trinh sát bắt giữ lô hàng cá sấu này. Đến nay, các cơ quan đã xác định bước đầu có đủ yếu tố cấu thành tội vận chuyển trái phép qua biên giới vì: đi từ 3 giờ sáng, di chuyển ngoài cửa khẩu không có giấy tờ, hồ sơ. Các cơ quan xem xét đánh giá có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng không lớn và giao cho Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh điều tra. Đến thời điểm này, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh yêu cầu cơ quan điều tra tỉnh Quảng Ninh điều tra xem xét khởi tố hành vi vận chuyển trái phép hàng qua biên giới. “Tuần tới các biện pháp sẽ được áp dụng. Quá trình điều tra xác định ai chủ hàng, ai lái xe, phạm tội hay không sẽ được công bố công khai”, ông Nguyễn Văn Cẩn nói.

HÀ MY

Tin cùng chuyên mục