Mức độ sẵn sàng của Việt Nam còn thấp

Đó là đánh giá của các chuyên gia kinh tế về mức độ sẵn sàng hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN của Việt Nam. 90% doanh nghiệp (DN) Việt có quy mô vừa và nhỏ, chất lượng sản phẩm thấp, ít đầu tư cho thương hiệu nên khả năng cạnh tranh yếu.
Mức độ sẵn sàng của Việt Nam còn thấp

Đó là đánh giá của các chuyên gia kinh tế về mức độ sẵn sàng hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN của Việt Nam. 90% doanh nghiệp (DN) Việt có quy mô vừa và nhỏ, chất lượng sản phẩm thấp, ít đầu tư cho thương hiệu nên khả năng cạnh tranh yếu.

Còn dựa nhiều vào lao động và tài nguyên

Phân tích vấn đề trên, ông Nguyễn Anh Dương, Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã có những bước tiến nhất định, tốc độ tăng trưởng ổn định mức trên dưới 6%, nhưng nhìn chung nền kinh tế vẫn chưa thể ứng phó tốt với ảnh hưởng từ các cú sốc trên thị trường quốc tế. Điển hình là những vấn đề liên quan đến biến động giá cả, dòng vốn, khủng hoảng tài chính. Về thị trường cũng bị đánh giá là kém cạnh tranh hơn so với các thị trường trong khu vực như Singapore, Indonesia, Thái Lan, Malaysia… Nguồn lực phát triển kinh tế nước ta dựa vào tài nguyên và lao động mà chưa có sự đóng góp của năng suất. Doanh nghiệp vẫn dựa nhiều vào hàng hóa sơ chế, dùng nhiều lao động và tài nguyên. Sản phẩm chủ yếu là xuất khẩu thô, giá trị gia tăng thấp hoặc gia công sản phẩm cho đối tác nước ngoài.

Doanh nghiệp trong nước còn dựa vào người lao động đông, tài nguyên và gia công sản phẩm cho đối tác nước ngoài Ảnh: CAO THĂNG

Trong thời gian gần đây, Việt Nam chủ động tham gia các hiệp định thương mại. Điều này đã tạo cú hích trong việc tăng thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Theo thống kê từ Bộ Kế hoạch Đầu tư, Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN về thu hút vốn đầu tư. Song, việc tận dụng nguồn vốn đầu tư này trong phát triển nội lực kinh tế chưa tương xứng. Số DN tham gia trong hệ thống chuỗi cung ứng giá trị cao còn rất khiêm tốn. Bên cạnh đó, những yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh cũng đang cải thiện rất chậm như hạ tầng kém phát triển, kỹ năng và năng suất lao động tương đối thấp, thể chế - kể cả thể chế cho hội nhập kinh tế quốc tế - còn rất nhiều bất cập. Hiện Việt Nam xếp vị trí 70/148 nước về chỉ số cạnh tranh quốc gia. Trong bối cảnh hiện nay, ưu điểm của nền kinh tế Việt Nam chỉ tập trung vào một số yếu tố như dân số trẻ, tình hình chính trị xã hội ổn định, vị trí địa lý quan trọng. Việt Nam cũng đã có những cam kết mạnh mẽ trong việc mở cửa thị trường, ưu đãi cho DN nước ngoài đầu tư và đang đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế và phát triển hệ thống tài chính.

Cần sự đổi mới toàn diện

Tuy nhiên, tiến sĩ Lê Xuân Sang, chuyên gia Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu cho rằng, những yếu tố trên là cần nhưng chưa đủ để Việt Nam có thể tận dụng lợi thế khi gia nhập cộng đồng kinh tế chung ASEAN. Để gia tăng mức độ sẵn sàng khi gia nhập thì còn rất nhiều vấn đề cần phải cải thiện. Trong đó, trước mắt, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung vào chính sách tiền tệ, tài khóa, kể cả đầu tư công và chính sách thương mại. Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục đẩy nhanh những cải cách sâu rộng để thúc đẩy thực hiện các cam kết hội nhập đối với các hiệp định thương mại đã và sẽ ký kết. Thực hiện tự do hóa thương mại, đầu tư hơn nữa để thúc đẩy thương mại và thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong nước tăng cường hấp thu vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, nâng cao hiệu quả chính sách công nghiệp hỗ trợ bằng cách hỗ trợ DN vừa và nhỏ trong nước kết nối với DN có vốn đầu tư nước ngoài để tăng vị thế trong mạng lưới sản xuất khu vực. Từ đó, từng bước đổi mới, tiếp thu công nghệ sản xuất hiện đại. Riêng chính sách tiền tệ, cần theo hướng duy trì năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu trên thị trường quốc tế. Quan trọng hơn, tạo dư địa đủ lớn cho dao động tỷ giá, nhằm tăng cường tính linh hoạt của chính sách tiền tệ và tăng cường vai trò của tỷ giá trên thị trường.

Một trong những bước đi quan trọng trên góc độ phát triển thị trường, đó là từng bước phát triển mạng lưới phân phối toàn khu vực ASEAN đối với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Muốn làm được vậy, nhất thiết phải thành lập mối liên kết hợp tác kinh doanh với các nhà phân phối bán lẻ khu vực. Hình thành và thực hiện các chiến lược phát triển thị trường chủ chốt cùng với phát triển các thương hiệu quốc gia. Cuối cùng là nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, nhất là lao động khu vực nông thôn. Đây cũng được xem là yêu cầu tối cấp thiết để hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của lao động Việt Nam, giảm thiểu nguy cơ thiếu việc làm, mất việc làm do mất đất. Bởi lẽ, hiện nguồn lực lao động Việt Nam vốn đang bị đánh giá là yếu về ngôn ngữ, kỹ năng mềm và năng lực chuyên môn. Khi Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ cho phép dịch chuyển lao động tự do giữa các nước, nên lao động Việt Nam sẽ bị cạnh tranh rất quyết liệt với lực lượng lao động trong khu vực, vốn được đánh giá là có chất lượng đào tạo tốt hơn.

 ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục