TPHCM - Đầu tàu thu hút vốn FDI

TPHCM - Đầu tàu thu hút vốn FDI

Với số lượng dự án và nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đều tăng mạnh trong 8 tháng đầu năm, TPHCM tiếp tục nằm trong tốp đầu về thu hút vốn FDI trên cả nước. Đó là kết quả của quá trình quyết tâm cải cách, đơn giản hóa thủ tục đầu tư của lãnh đạo TPHCM.

Tăng số lượng, đúng định hướng

Tuy nhiên, thành công nhất không phải ở số lượng dự án hay số vốn đầu tư lớn, mà chính là việc thu hút đầu tư vào những ngành nghề theo đúng định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giúp thành phố phát triển bền vững trong tương lai. Trong 8 tháng đầu năm, tổng số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào TPHCM đạt 2,76 tỷ USD, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 327 dự án FDI được cấp mới, tăng gần gấp 1,5 lần; với tổng vốn đăng ký là 2,31 tỷ USD, gấp hơn 2 lần cùng kỳ. Đồng thời có 90 dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư, số vốn tăng thêm 457 triệu USD. Có nhiều dự án lớn, góp phần làm thay đổi hạ tầng cũng như tạo nên bộ mặt mới cho thành phố. Ngoài dự án Samsung đầu tư vào Khu Công nghệ cao, còn phải kể đến những dự án hạ tầng và dịch vụ công nghiệp cao cấp khác như Khu phức hợp Tháp quan sát Thủ Thiêm với 1,2 tỷ USD; dự án Khu dân cư Vina Nam Phú với 60 triệu USD; dự án Khu nhà ở cao tầng tại Thảo Điền (quận 2) với 57 triệu USD; dự án sản xuất và kinh doanh linh kiện điện tử, màn hình LED dành cho ngành hàng gia dụng với 63 triệu USD…

Dự án khu phức hợp điện tử gia dụng Samsung đang xây dựng tại Khu công nghệ cao TPHCM (Ảnh: Cao Thăng)

Trong đó, hình thức liên doanh vẫn chiếm đa số về vốn, gồm 66 dự án liên doanh chiếm số vốn đến 1,4 tỷ USD (trong khi 218 dự án 100% vốn nước ngoài chỉ chiếm 0,6 tỷ USD về vốn). Ở TPHCM, nơi “đất chật, người đông” thì ngành nghề kinh doanh là vấn đề đáng quan tâm nhất, quyết định về giá trị gia tăng trong hoạt động đầu tư bền vững, bởi mục tiêu của thành phố trong những năm qua là tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hướng vào khoa học, công nghệ, có hàm lượng chất xám cao. Nhìn lại cơ cấu đầu tư 8 tháng qua, chỉ có 5 dự án kinh doanh bất động sản (với vốn đăng ký là 1,42 tỷ USD) nhưng có đến 37 dự án về công nghệ chế biến (0,5 tỷ USD); 89 dự án về dịch vụ (0,11 tỷ USD) và 125 dự án về khoa học công nghệ, thông tin truyền thông…, cho thấy hoạt động thu hút đầu tư đi đúng hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Nhiều năm liền, TPHCM là một trong những điểm sáng về thu hút vốn FDI của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Nếu như trước đây, TPHCM chủ yếu thu hút đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, thương mại, bán buôn, bán lẻ - là các dự án không gắn với việc đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất - thì nay, qua thống kê các dự án lớn được cấp phép trong những tháng đầu năm 2015, có thể thấy đã có bước chuyển dịch mới. Đa số các dự án tiêu biểu đều đến từ các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và kinh doanh bất động sản. Đây là các lĩnh vực mà thành phố đẩy mạnh công tác xúc tiến. Điều đó chứng tỏ rằng những định hướng xúc tiến đầu tư thời gian qua đã đạt những kết quả như mong đợi. Bí quyết thành công đó là nhờ cả quá trình thành phố nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng, tạo thêm quỹ đất sạch thu hút các dự án có giá trị lớn, theo đúng định hướng chú trọng vào chất lượng dự án hơn số lượng dự án.

Một bí quyết khác để đi đến thành công chính là sự nhất quán trong hành động của tập thể lãnh đạo thành phố. Đó chính là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch cho nhà đầu tư; đặc biệt luôn xem khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của thành phố. Các cơ quan chức năng luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, lắng nghe, thấu hiểu những bức xúc của nhà đầu tư để cải thiện môi trường đầu tư, biến TPHCM là điểm đến tin cậy của nhà đầu tư nước ngoài.

Lãnh đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết, thời gian tới, TPHCM tiếp tục tập trung vào 4 nội dung chính: Thứ nhất, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước. Đặc biệt quan trọng là cải tiến thái độ thực hành công vụ của cán bộ, công chức, nhằm rút ngắn hơn nữa thời gian so với quy định. Thứ hai, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, bình đẳng và minh bạch các quy định của chính sách pháp luật Việt Nam đối với tất cả các nhà đầu tư. Thứ ba, quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. Thứ tư, nâng cao chất lượng xúc tiến đầu tư, tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe và giải quyết hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư.

Đến nay, TPHCM có hơn 5.600 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 38,5 tỷ USD. Tuy nhiên, phân theo ngành nghề, lĩnh vực hoạt động thì ngành kinh doanh bất động sản dù có số dự án thấp (chỉ 253 dự án) nhưng chiếm số vốn lớn, đến 13,8 tỷ USD; ngành nghề công nghiệp chế biến có 1.553 dự án với 12,4 tỷ USD. Các ngành còn lại là đào tạo, dịch vụ…

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục