Đua nhau trồng lúa Nhật: Lợi bất cập hại

Khi được hỏi nếu trồng lúa Nhật mà không bán cho công ty xuất khẩu được thì sao? Một nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói vui: “Thì bán lúa cho vịt ăn, có bỏ đi đâu mà sợ!”. Thực tế có đơn giản như vậy không? Bởi thời gian gần đây, không chỉ nông dân ĐBSCL, mà nông dân các vùng miền khác bỗng nhiên  háo hức đổ xô trồng lúa Nhật!

Qua thực tế trồng nhiều nơi trên địa bàn ĐBSCL, một số giống lúa có nguồn gốc từ Nhật như Hana, Kinu, Akita và KZ4 hay PC26, DS1 có nhiều ưu điểm như ít nhiễm phèn, tương đối thích ứng với thổ nhưỡng nhiều vùng miền, ít nhiễm sâu bệnh nên nông dân ít dùng thuốc bảo vệ thực vật, nhờ đó chi phí trồng lúa cũng thấp hơn. Do vậy, bà con nông dân ưa chuộng hơn. Đặc biệt, giống lúa Nhật có năng suất cao, từ 6 - 8 tấn/ha, cá biệt vụ đông xuân có thể lên 9 tấn/ha. Giá lúa bán cho thương lái, công ty từ 6.000 - 6.500 đồng/kg lúa tươi, từ 8.000 - 8.500 đồng/kg lúa khô. Như vậy trồng 1ha lúa Nhật có thể được lãi khoảng 40 triệu đồng. Thật là hấp dẫn đối với nông dân!

Tuy nhiên, vấn đề lại không hề đơn giản, bởi thị trường nhập khẩu lúa gạo Nhật không lớn, trong khi điều đáng lo ngại là diện tích gieo trồng các giống lúa Nhật xuất khẩu này đang ngày càng phình ra. Bà con nông dân vẫn quen trồng theo phong trào. Thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng hai tỉnh Đồng Tháp và An Giang, diện tích gieo trồng hiện tại đã lên đến hàng chục ngàn hécta, trong khi đó Nhật chỉ nới lỏng nhập khẩu đôi chút sau khi gia nhập TPP. Việt Nam xuất khẩu gạo đứng hàng thứ ba trên thế giới, nhưng thị trường Nhật chỉ dành cho Việt Nam khoảng 3% kim ngạch nhập khẩu, tương đương 20 triệu USD. Nhật là nước rất coi trọng nền nông nghiệp bản xứ, có chính sách bảo hộ nông nghiệp rất cao; hàng nông nghiệp khi nhập khẩu phải qua khâu kiểm định rất nghiêm ngặt, do vậy mà xu thế trồng lúa Nhật xuất khẩu hiện nay tuy bước đầu có hiệu quả cao, nhưng về lâu dài cần phải được tính toán, điều chỉnh. Nhà nước cần một chiến dịch truyền thông rộng rãi hướng dẫn người nông dân không trồng lúa Nhật đại trà, chỉ trồng khi có đơn đặt hàng của công ty, doanh nghiệp, tìm đầu ra bền vững ngoài thị trường xuất khẩu sang Nhật.

Chính quyền địa phương, nhất là ngành nông nghiệp, cần thiết phải rà soát diện tích, có phương án khả thi quy hoạch vùng, không để tình trạng lúa thừa không giải quyết được đầu ra, gây thiệt hại cho nông dân, như trái thanh long và một số nông sản khác trước đây.

NGUYỄN MINH ÚT
(Huyện Cần Đước, Long An)

Tin cùng chuyên mục