Một quyết định lãng phí tiền tỷ

Hai năm qua, việc triển khai cải tạo sơ mi rơ moóc (SMRM) đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và lãng phí cả ngàn tỷ đồng của các doanh nghiệp vận tải.
Một quyết định lãng phí tiền tỷ

Hai năm qua, việc triển khai cải tạo sơ mi rơ moóc (SMRM) đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và lãng phí cả ngàn tỷ đồng của các doanh nghiệp vận tải.

Nhiều bất cập

Để ngăn chặn tình trạng xe chở quá tải, đầu năm 2014, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã triển khai nhiều giải pháp kiểm tra tải trọng. Một trong những quy định mới, đó là Bộ GTVT yêu cầu các doanh nghiệp (DN) vận tải phải điều chỉnh tăng khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông lên 33 tấn đối với 3.465 SMRM loại 2 trục chở container và 38 tấn đối với 3.640 SMRM loại 3 trục chở container. Quy định cũng yêu cầu điều chỉnh vị trí chốt kéo và vị trí cụm trục của SMRM đối với các loại nêu trên để đảm bảo SMRM không vi phạm tải trọng trục theo tiêu chuẩn quốc tế (30.480kg).

Về quy chuẩn chiều dài của phương tiện SMRM bị thay đổi, quy định tải trọng không phù hợp nên nhiều SMRM không thực hiện điều chỉnh chốt kéo hoặc cụm trục khi lưu thông dẫn đến thường xuyên bị cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông xử phạt về lỗi chở hàng quá tải trọng trục (mức xử phạt tài xế tối đa là 16 triệu đồng và chủ xe là 64 triệu đồng đối với một lần vi phạm; riêng tài xế còn bị tước giấy phép lái xe 3 - 5 tháng).

Việc cải tạo sơ mi rơ moóc vừa làm lãng phí tiền của doanh nghiệp, vừa góp phần gây kẹt xe. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Điều vô lý là quy định mới ban hành buộc các phương tiện SMRM cũ phải điều chỉnh, mà ngay cả các SMRM được đầu tư mới hoàn toàn cũng phải điều chỉnh, cải tạo lại, mới đủ điều kiện để chở container có trọng lượng theo tiêu chuẩn quốc tế.

Nhiều SMRM cải tạo xong nhưng không sử dụng được hoặc sử dụng được nhưng không bảo đảm an toàn giao thông như khi chưa điều chỉnh, cải tạo. Nguyên nhân là do sau khi điều chỉnh cụm trục bánh xe lùi ra phía sau SMRM, khi ôm cua gây khó khăn cho người điều khiển phương tiện, nhất là khi phương tiện này di chuyển trên đường đèo dốc, nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông rất cao. Mặt khác, do chiều dài tăng sau khi cải tạo nên SMRM trở nên yếu hơn, dễ bị oằn khi xếp hàng đặt hàng ở giữa SMRM.

Bên cạnh đó, thủ tục thay đổi, cải tạo rất rườm rà, gây khó khăn và tốn kém cho DN. Theo quy định này, đã có 3.465 chiếc SMRM loại 2 trục và hàng trăm SMRM loại 20 feet đang lưu thông trên thị trường vô hình trung bị loại bỏ thành phế liệu do không đủ tải trọng để vận chuyển container theo quy định. Các DN vận tải không còn giải pháp nào khác buộc phải đầu tư mới loại SMRM 40 feet, 3 trục để vận chuyển hàng container. Điều này gây lãng phí rất lớn cho các DN (số liệu tạm tính từ Hiệp hội DN vận tải, 3.465 loại SMRM 2 trục bị loại bỏ thành phế liệu lãng phí hơn 1.000 tỷ đồng).

Xe chở container 6 trục di chuyển trên quốc lộ 1A. Ảnh: CAO THĂNG

Dừng hay tiếp tục?

Từ năm 2014 đến nay, trong quá trình cải tạo, Cục Đăng kiểm Việt Nam liên tục thay đổi tải trọng thiết kế, tải trọng toàn bộ của SMRM mới, khiến DN phải chạy theo chính sách, đầu tư, đổi mới phương tiện liên tục. Điều này gây khó khăn và tốn kém cho các DN. Một bất cập nữa, do quy định của Bộ GTVT thay đổi quá nhanh và đột ngột nên các nhà sản xuất SMRM trong nước không đáp ứng kịp thị trường, dẫn đến các DN phải nhập khẩu hàng ngàn SMRM từ các nước vào Việt Nam (chủ yếu Trung Quốc) thay thế cho hàng ngàn SMRM 3 trục và 2 trục bỏ làm “phế liệu”!

Trước thực trạng trên, Bộ GTVT đã hai lần gia hạn thời gian cải tạo SMRM và lùi thời hạn xử phạt tải trọng trục xe để tạo điều kiện cho DN cải tạo phương tiện. Thời hạn gia hạn lần thứ hai cũng sắp hết và thời hạn áp dụng xử phạt tải trọng trục bắt đầu từ 1-1-2017 nhưng cả Cục Đăng kiểm Việt Nam (đơn vị trực tiếp tham mưu cho Bộ GTVT về mặt kỹ thuật phương tiện) vẫn chưa tìm được giải pháp phù hợp để cải tạo, điều chỉnh SMRM loại 40 feet, chở container 20 feet theo tiêu chuẩn.

Trước bức xúc của DN, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT nên dừng việc cải tạo SMRM, đồng thời thay đổi cách tính tải trọng áp dụng cho tổ hợp xe đầu kéo SMRM, để vừa bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông vừa tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động. Đề nghị dừng xử phạt đối với xe vận chuyển hàng hóa mà tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường; chỉ xử phạt đối với xe đầu kéo SMRM loại 5 hoặc 6 trục khi chở hàng quá tổng trọng lượng của xe. Bỏ hình thức kiểm tra tải trọng trục đối với tổ hợp xe đầu kéo SMRM nhằm góp phần hạn chế tiêu cực.

Hiện nay, hệ thống cầu đường bộ vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, các hệ thống kho tàng, cảng trên địa bàn TP chưa đồng bộ, thậm chí nhiều cầu, đường được gắn biển báo tải trọng quá thấp. Cụ thể, cầu Tân Tạo hạn chế trọng lượng xe 30 tấn (đường Trần Văn Giàu nối quận Bình Tân, Bình Chánh). Tuyến đường này đi KCN Đức Hòa (Long An) xe tải thường xuyên lưu thông.

Tương tự, cầu Thầy Cai trên tỉnh lộ 8, huyện Củ Chi vào KCN Đức Hòa; cầu Phú Xuân trên đường Huỳnh Tấn Phát nối quận 7 với Nhà Bè… Đây là khu vực có nhiều cảng, kho bãi, xí nghiệp. Cầu Bà Ký vào các KCN thuộc huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai); cầu Ông Binh trên đường Nguyễn Trung Trực (Long An) vào cảng Bourbon… Trong khi đó, xe tải, xe đầu kéo SMRM vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu ra thường xuyên, liên tục với tải trọng 42 tấn (xe 5 trục) hoặc 48 tấn (xe 6 trục).

Quốc Hùng

Tin cùng chuyên mục