Tạo thuận lợi huy động nguồn lực tư nhân tái cơ cấu nền kinh tế

Ngày 2-12, tại Hà Nội, Diễn đàn kinh tế 2017 được tổ chức với chủ đề “Cơ hội cho các nhà đầu tư trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 - 2020”. Mục đích của diễn đàn nhằm đưa ra cái nhìn sâu sắc về quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 và những cơ hội tạo ra cho các nhà đầu tư.
Tạo thuận lợi huy động nguồn lực tư nhân tái cơ cấu nền kinh tế

Ngày 2-12, tại Hà Nội, Diễn đàn kinh tế 2017 được tổ chức với chủ đề “Cơ hội cho các nhà đầu tư trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 - 2020”. Mục đích của diễn đàn nhằm đưa ra cái nhìn sâu sắc về quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 và những cơ hội tạo ra cho các nhà đầu tư.

Diễn đàn Kinh tế 2017 thu hút sự quan tâm của các Bộ, Ngành và nhiều doanh nghiệp. Ảnh: VCCI

Tạo cơ hội cho khu vực tư nhân

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch tái cơ cấu kinh tế và đã được sự thống nhất cao từ Quốc hội, Chính phủ trong việc thay đổi mô hình kinh tế, trong đó xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng. Kinh tế tư nhân là động lực chính, mục tiêu chính của quá trình tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, phân bổ lại nguồn lực để phát triển một cách hiệu quả, đồng thời tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao sức mạnh nội địa. Để đạt được điều đó cần cơ cấu lại nền kinh tế. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đó là cơ cấu lại khu vực Nhà nước, mở ra cơ hội, dư địa cho kinh tế tư nhân, trong đó đề án đã nêu ra mục tiêu cụ thể. Đặc biệt, đưa ra mục tiêu giảm tỷ lệ nắm cổ phần trong doanh nghiệp nhà nước (DNNN); giảm tỷ lệ DNNN nắm đa số cổ phần, thoái vốn ra khỏi DNNN, không cần nắm giữ trên 50%. Đây là những quyết sách quan trọng có thể tạo ra bước đột phá cho chương trình, tạo ra đột phá mới trong cơ cấu kinh tế.

Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, về phía doanh nghiệp tư nhân (DNTN), mục tiêu cơ cấu lại DNNN sẽ tạo nhiều cơ hội mới cho các nhà đầu tư và khu vực tư nhân; đặt DNNN hoạt động trong một môi trường bình đẳng, tạo ra sân chơi bình đẳng hơn cho DNTN. Việc Nhà nươc thoái vốn ra khỏi DNNN sẽ tạo cơ hội cho DNTN mua cổ phần, tạo cơ hội lớn để trở thành nhà đầu tư chiến lược cho DNTN.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, một trong những điểm nhấn của đề án tái cơ cấu DNNN là các ngành nghề kinh doanh có điều kiện đang có xu hướng “co lại”. Như vậy, sẽ mở ra nhiều ngành nghề mà các thành phần kinh tế khác được kinh doanh. Điểm quan trọng nhất trong đề án này là không khống chế tỷ lệ vốn của các nhà đầu tư tham gia trong DNNN tái cơ cấu (trừ các tổ chức tín dụng), thậm chí còn đang có xu thế bán cả một DN lớn của Nhà nước để cho các thành phần kinh tế khác tham gia quản lý. Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Đức Kiên, thách thức lớn nhất là việc thực thi có thực chất hay không. Bởi về số lượng, cổ phần hóa DNNN chúng ta dù đạt được, nhưng lại không đạt đúng bản chất. Thay đổi cơ cấu sở hữu không đạt dẫn tới mô hình quản trị hiện tại của DN không chuyển biến như mong đợi.

Chờ Nhà nước giảm tỷ lệ sở hữu

Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Phó Tổng giám đốc Công ty Dữ liệu và Truyền thông tài chính StoxPlus, khách hàng của StoxPlus đang chờ đợi thông tin về cơ hội cổ phần hóa DNNN, không chỉ là những nhà đầu tư tài chính, mà còn có những nhà đầu tư theo ngành. Với nhà đầu tư ngành, việc tiếp cận thông tin của họ rất ít, do đó những thông tin từ phía tư vấn hay của chính các cơ quan tổ chức minh bạch để nhà đầu tư nắm bắt được và xem xét. “Tôi chỉ muốn khẳng định, cơ hội từ phía nhà đầu tư nước ngoài lúc nào cũng mong đợi, còn cơ hội đó có đạt được hay không là do cơ quan quản lý, Chính phủ có quyết tâm, quyết liệt thực hiện hay không”, ông Thuân nói.

Nếu DN mà Nhà nước vẫn giữ 90% cổ phần như hiện nay thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ không quan tâm nhiều vì tỷ lệ đó khiến cho khó thay đổi quản trị công ty. Để hấp dẫn nhà đầu tư tham gia vào quá trình cơ cấu lại DNNN mà cụ thể là cổ phần hóa thì phải giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước. Nhà nước vẫn chiếm tới 60% sau cổ phần thì rõ ràng nhà đầu tư trong nước, nước ngoài họ sẽ không mặn mà.

Còn theo ông Nguyễn Quang Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), tới đây Chính phủ sẽ công bố công khai danh mục DN về việc nắm giữ bao nhiêu phần trăm cổ phần. Như vậy vấn đề các “món ăn” của cổ phần hóa sẽ được công khai. Trong cổ phần hóa không hạn chế việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài và sắp tới sẽ thay đổi cách thức cổ phần hóa và giá DN sẽ liên quan tới thị hiếu của nhà đầu tư.

HÀ MY

Tin cùng chuyên mục