Năm 2016, các DNNN thoái vốn được 3.646 tỷ đồng

Chiều 23-12, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Theo Bộ Tài chính, để đáp ứng yêu cầu cổ phần hóa DNNN trong giai đoạn tới, bộ này đã dự thảo nghị định thay thế các quy định hiện hành.

(SGGP).- Chiều 23-12, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Theo Bộ Tài chính, để đáp ứng yêu cầu cổ phần hóa DNNN trong giai đoạn tới, bộ này đã dự thảo nghị định thay thế các quy định hiện hành.

Điểm đáng chú ý trong đó là việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược theo hướng quy định rõ trách nhiệm bồi thường khi vi phạm các cam kết; điều chỉnh việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược thực hiện sau cuộc bán đấu giá công khai (bỏ hình thức bán thỏa thuận trước); thay đổi thời gian hạn chế chuyển nhượng cổ phần của nhà đầu tư chiến lược là 3 năm thay cho 5 năm…

Để đơn giản hóa thủ tục mà vẫn tạo thuận lợi cho người lao động nắm giữ cổ phần tại DN sau cổ phần hóa, dự thảo đã điều chỉnh theo hướng người lao động có tên trong danh sách thường xuyên của DN tại thời điểm xác định cổ phần hóa được mua tối đa 100 cổ phần/năm với giá bán 60% giá trị cổ phần theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Như vậy, người lao động chỉ phải mua cổ phần tương đương 6.000 đồng/cổ phần.

Về tái cơ cấu DNNN, theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN, năm 2016, các đơn vị đã thoái vốn được 3.646 tỷ đồng, thu về 6.840 tỷ đồng. Trong đó, thoái vốn tại 5 lĩnh vực nhạy cảm 490 tỷ đồng, thu về 450 tỷ đồng; thoái vốn đầu tư tại các DN khác 1.578 tỷ đồng, thu về 2.273 tỷ đồng; Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước bán vốn tại 67 DN là 1.577 tỷ đồng, thu về 4.116 tỷ đồng (không bao gồm bán đấu giá cổ phần tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam do chưa hoàn tất việc chuyển tiền đấu giá).

HÀ MY

Tin cùng chuyên mục