Bội thu FDI

Dự án “tỷ đô” thứ 4 này đã khép lại một năm bội thu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Ba dự án khác là Samsung Display (3 tỷ USD ở Bắc Ninh), Thành phố Đế Vương (1,2 tỷ USD ở TPHCM) và Nhiệt điện Duyên Hải 2 (vốn đầu tư 2,4 tỷ USD, ở Trà Vinh).
Bội thu FDI

Dự án “tỷ đô” thứ 4 này đã khép lại một năm bội thu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Ba dự án khác là Samsung Display (3 tỷ USD ở Bắc Ninh), Thành phố Đế Vương (1,2 tỷ USD ở TPHCM) và Nhiệt điện Duyên Hải 2 (vốn đầu tư 2,4 tỷ USD, ở Trà Vinh).

Rút ngắn khoảng cách đăng ký - giải ngân

Như vậy, tính đến cuối tháng 11-2015, vốn FDI bao gồm cả đăng ký mới và tăng thêm vào Việt Nam là 20,22 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2014. Thêm dự án của Cheng Loong, dù còn một tháng nữa mới kết thúc năm 2015, nhưng vốn FDI đăng ký đã tăng lên đến 21,22 tỷ USD, cao hơn con số 20,23 tỷ USD của năm 2014 được ước tính vào thời điểm cuối năm 2014. Đến hết năm 2015, nguồn vốn FDI cấp mới và tăng thêm đạt 22,76 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm 2014.

Dây chuyền sản xuất màn hình máy vi tính LCD của Công ty ALLied - Khu công nghệ cao TPHCMẢnh: Hoàng Anh Thư

GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI, bình luận: “Việt Nam vẫn là địa điểm đầu tư được nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn lựa”. Tuy nhiên, theo chuyên gia kỳ cựu này, đây vẫn chưa phải điều quan trọng nhất. Tín hiệu đáng mừng hơn chính là việc vốn giải ngân dự kiến đạt mức kỷ lục, với 11 tháng đầu năm đạt 13,2 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2014. Trong cả năm 2015, số vốn giải ngân sẽ đạt mức cao nhất từ trước đến nay, ước khoảng 14 tỷ USD, cho thấy các nhà đầu tư thực sự muốn làm ăn lâu dài tại Việt Nam, cũng như hiệu quả đầu tư kinh doanh của các dự án đang hoạt động là tích cực.

Dự báo tiếp tục sáng

Hơn thế, với hàng loạt động thái hội nhập sâu rộng như chính thức tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC); Hiệp định Thương mại tự do Hàn Quốc - Việt Nam chính thức được cơ quan lập pháp hai nước thông qua; kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)..., các nhà quan sát kinh tế cả trong và ngoài nước đều có chung nhận định: dòng vốn FDI được dự kiến sẽ chảy vào Việt Nam mạnh mẽ hơn trong năm 2016 và những năm tới. Trong đó, các dự án trong lĩnh vực dệt may và công nghiệp hỗ trợ sẽ tiếp tục chiếm tỷ lệ cao.

Theo chuyên gia Fred Burke, Nhóm công tác Đầu tư và Thương mại, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt rất quan trọng - các chuỗi cung ứng đang di chuyển từ nơi này sang nơi khác trong khắp khu vực. Nhờ vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do châu Âu - Việt Nam, Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc và các hiệp định thương mại quan trọng khác, nhiều tập đoàn quốc tế trong lĩnh vực sản xuất đang cân nhắc dịch chuyển hoạt động kinh doanh đến Việt Nam với tiềm năng tạo ra hàng triệu việc làm, tiền thuế và chuyển giao công nghệ.

Tuy nhiên, để không bỏ lỡ cơ hội mang tính lịch sử này, “đón” được dòng vốn FDI và chuyển hóa nó thành những thành tựu kinh tế - xã hội cụ thể, môi trường quản lý trong nước cần tiếp tục phải cải thiện rất nhiều. Phát biểu tại Diễn đàn Đối tác Phát triển năm 2015, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa nhận định thẳng thắn: “Mấy năm gần đây, Việt Nam đã phục hồi tăng trưởng khá tốt sau giai đoạn suy thoái toàn cầu. Nhưng mức tăng năng suất lao động của Việt Nam chưa đến 4% và đang có xu thế giảm, trong khi mức tăng năng suất lao động tại Trung Quốc là trên 7%, tại Hàn Quốc là trên 5% vào thời điểm các nước đó ở cùng trình độ phát triển như Việt Nam hiện nay. Tốc độ tăng năng suất lao động hiện nay sẽ không đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững”.

Tạo thuận lợi và công bằng với doanh nghiệp

Một vấn đề không kém quan trọng nữa, theo bà Kwakwa, là Chính phủ nên nhanh chóng rút khỏi các lĩnh vực không cần thiết phải tham gia, nhằm tạo “khoảng trống” cho các thành phần kinh tế khác nhập cuộc. Quyết định thoái vốn hoàn toàn khỏi Vinamilk là một bước đi theo hướng này; nếu thực hiện tiếp các bước tương tự, mức độ tín nhiệm của Chính phủ về cải cách sẽ được nâng lên; giúp hình thành một khu vực kinh tế ngoài nhà nước năng động... Bên cạnh đó, phải có một bộ máy hành chính công chuyên nghiệp. “Quá trình cải cách hành chính công kéo dài của Việt Nam cho đến nay vẫn chưa cho thấy kết quả rõ nét”, bà Kwakwa nói.

Không khó để tìm ra những ví dụ như vậy. Chuyên gia Fred Burke thêm một lần nữa nhắc lại mối lo ngại về việc các quy định liên quan đến việc hạn chế nhập khẩu thiết bị và máy móc đã qua sử dụng sẽ làm khó các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa được giải tỏa, dù Thông tư 23/2015/TT-BKHCN của Bộ Khoa học - Công nghệ đã được ban hành thay thế một thông tư trước đó (bị hoãn thi hành vì vấp phải sự phản đối dữ dội từ cộng đồng nhà đầu tư và doanh nghiệp). Một “tâm tư” khác của khối FDI hiện nay là cơ quan thuế đang có cách nhìn khá khắt khe đối với các khoản chi phí của doanh nghiệp FDI, luôn nghi ngờ doanh nghiệp có hành vi chuyển giá.

Dù ngành thuế đã kiểm tra và phát hiện rất nhiều trường hợp doanh nghiệp thực sự có dấu hiệu chuyển giá; nhưng cũng có khá nhiều doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam chỉ là một mắt xích trong chuỗi kinh doanh của các công ty toàn cầu, các tập đoàn đa quốc gia. Để tối đa hóa hiệu quả sản xuất kinh doanh, các tập đoàn đa quốc gia thường thành lập các công ty thành viên để đảm nhiệm một chức năng nhất định trong chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu và nhận dịch vụ từ một trung tâm cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp tại vùng từ công ty mẹ hay trụ sở chính trong khu vực. Khi sử dụng dịch vụ từ công ty mẹ hoặc trụ sở chính, công ty con tại Việt Nam phải chịu phần chi phí tương ứng với giá trị dịch vụ nhận được - điều này phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, cơ quan thuế đang có cách nhìn khá khắt khe, đồng thời đưa ra các yêu cầu bất hợp lý về chứng từ, tài liệu đối với chi phí này. Sớm làm rõ ai vi phạm, ai không là một yêu cầu cần thiết để “giải oan” cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, đồng thời tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng...

 Đầu tháng 12-2015, UBND tỉnh Bình Dương đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Cheng Loong (Đài Loan) để triển khai Nhà máy giấy bao bì công nghiệp tại tỉnh này. Dự án có quy mô 1 triệu tấn/năm, với tổng vốn đăng ký lên tới 1 tỷ USD, dự kiến khởi công xây dựng ngay trong tháng 12-2015.

Cú nước rút ngoạn mục

Số liệu tổng hợp từ Cục Đầu tư nước ngoài, ước tính đến ngày 20-12-2015, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tăng 12,5% so với năm ngoái, đạt 22,76 tỷ USD. Trong khi đó, vốn giải ngân tăng 17,4%, đạt 14,5 tỷ USD - cao nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, con số thực tế chắc chắn sẽ vượt mốc 23 tỷ USD. Chiều ngày 29-12, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) đã chính thức trao Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho Dự án Tổ hợp Samsung CE Complex (SEHC). Theo đó, dự án này sẽ bổ sung vốn đầu tư thêm 600 triệu USD, nâng mức vốn từ 1,4 tỷ USD hiện tại lên 2 tỷ USD, đồng thời bổ sung nội dung thành lập Phòng thí nghiệm đo kiểm trong lĩnh vực điện tử, viễn thông và bổ sung hoạt động bảo hành, sửa chữa trong phạm vi nhà máy của dự án.

Đáng nói là tình hình thu hút FDI những tháng đầu năm đã rất khó khăn. Không chỉ “ì ạch” trong quý đầu năm mà hết 4 tháng, vốn FDI vào Việt Nam chỉ là 3,72 tỷ USD, giảm hơn 23% so với cùng kỳ. 5 tháng, mức giảm vẫn xấp xỉ 20% và 6 tháng, mức sụt giảm đã tăng lên tới 30% so với cùng kỳ, chỉ đạt chưa tới 3,9 tỷ USD.

Đến tháng 7, FDI đăng ký mới bắt đầu tăng nhẹ, để rồi những tháng sau đó chạy “nước rút” ngoạn mục với nhiều dự án “khủng” đã góp phần tạo ra cục diện sáng sủa cho tình hình thu hút FDI, thậm chí cả trong năm 2016.  

 ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục