Nông nghiệp đô thị - đột phá từ giống

Tại “Hội chợ Triển lãm và xúc tiến đầu tư giống nông nghiệp”, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, nhấn mạnh giống có vai trò và tầm quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản xuất, góp phần tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ truyền thống sang nền nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao.
Nông nghiệp đô thị - đột phá từ giống

Tại “Hội chợ Triển lãm và xúc tiến đầu tư giống nông nghiệp”, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, nhấn mạnh giống có vai trò và tầm quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản xuất, góp phần tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ truyền thống sang nền nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao.

Chìa khóa cải thiện năng suất và chất lượng

Giai đoạn 2011-2015, ngành nông nghiệp TPHCM duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 5,8%/năm, bằng 1,9 lần so với mức tăng của cả nước; giúp nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1ha đất nông nghiệp từ 158 triệu đồng/năm 2010 lên 375 triệu đồng/năm 2015. Cơ cấu chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả và bền vững, góp phần nâng cao thu nhập người dân ở nông thôn, giúp thay đổi bộ mặt nông thôn, rút ngắn khoảng cách về mức sống giữa thành thị với nông thôn, là một trong những yếu tố quan trọng góp phần cho TP hoàn thành cơ bản về việc xây dựng nông thôn mới giai đoạn đầu ở 5 huyện ngoại thành.

Mua cây giống tại Hội chợ triển lãm giống nông nghiệp TPHCM 2016. Ảnh: THÀNH TRÍ

Theo ông Nguyễn Phước Trung, đạt được những kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ của ngành sản xuất giống cây trồng và vật nuôi. Từ đầu những năm 2000, TPHCM đã xác định giống là khâu đột phá trong sản xuất, là chìa khóa dẫn đến sự cải thiện về năng suất và chất lượng của giống nông nghiệp, mở ra nhiều triển vọng lớn cho việc phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Đây được xem là thế mạnh cũng như xác định cho chiến lược phát triển lâu dài của ngành nông nghiệp TP - là trung tâm giống, cây con chất lượng cao, đáp ứng như cầu của của khu vực cũng như phục vụ cho ngành nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao của TP. Có thể nói, cùng với chủ trương đúng đắn và chính sách phù hợp, kịp thời cập nhật những phát sinh mới, giống chính là một trong những yếu tố quyết định giúp cho ngành nông nghiệp TP duy trì được tốc độ phát triển cũng như nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp TP suy giảm hàng năm phục vụ nhu cầu đô thị hóa và công nghiệp hóa.

Nhờ việc áp dụng đồng bộ và thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả, bao gồm khâu xúc tiến thương mại, giúp tiêu thụ sản phẩm, trong đó có những hoạt động từ hội chợ - triển lãm và xúc tiến đầu tư giống nông nghiệp định kỳ hàng năm, ngành nông nghiệp TP ngày càng phát triển tốt và hiệu quả hơn. Năm 2015, các doanh nghiệp (DN) sản xuất hơn 16.200 tấn hạt giống các loại; 9,5 triệu cây giống cấy mô hoa kiểng; cung cấp hơn 24.000 con giống bò sữa hàng hóa, trên 900.000 heo giống các loại... Các DN, hợp tác xã, trang trại trên địa bàn TP xuất khẩu 262 tấn hạt giống các loại; 12 triệu con cá cảnh, gần 4.000 con cá sấu, cùng 20.000 cành lan Mokara, hơn 11.000 tấn rau củ quả.  

Cần chính sách thu hút cán bộ giỏi

TPHCM hiện có 38 DN sản xuất giống, kinh doanh giống cây trồng. Giai đoạn từ năm 2011 - 2015, các đơn vị sản xuất và cung ứng cho thị trường gần 71.200 tấn hạt giống các loại, trong đó có 11.000 tấn hạt giống rau. Ước tính lượng giống cung cấp hàng năm đáp ứng khoảng 1 triệu ha gieo trồng của TP và các tỉnh. Cũng trong thời gian 2011-2015, Trung tâm Quản lý và kiểm định giống cây trồng và vật nuôi thử nghiệm tính thích nghi 326 giống cây trồng mới, khuyến cáo chuyển giao đưa vào sản xuất 97 giống mới. Trung tâm còn thí điểm sử dụng cây giống rau ươm sẵn trên cải bông, ớt, cà tím, giúp bà con giảm lượng giống và cây con phát triển đều, rút ngắn thời gian sinh trưởng.

Theo ông Nguyễn Văn Đức Tiến, Trưởng phòng Nông nghiệp - Sở NN-PTNT TPHCM, những giống mới đưa vào sản xuất kết hợp với quy trình sản xuất thích hợp đã tạo sự cải thiện về năng suất, chất lượng, khả năng kháng sâu bệnh và nhiều đặc tính tiến bộ hơn so với các bộ giống cũ, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp TP, nhất là góp phần tích cực đến thu nhập của người nông dân. Giá trị sản xuất một số cây trồng, vật nuôi được cải thiện khá rõ nét trong giai đoạn 2011-2015: Diện tích hoa kiểng tăng 3,3% nhưng giá trị sản xuất tăng 4,1%, trong đó, diện tích lan tăng 8,1%, giá trị lan tăng 10,9%; diện tích rau tăng 2,2%, năng suất tăng 2,9%, sản lượng tăng 5,2%, giá trị tăng 11,1%. Tương tự, số lượng bò cái vắt sữa tăng 3,8% nhưng sản lượng sữa tươi tăng 6%, giá trị sản xuất tăng 14%...

Có thể nói, sự phát triển ngành giống của TP thời gian qua có nhiều bước tiến đáng kể về công nghệ, cơ sở vật chất và trang thiết bị, nhưng cũng phải thừa nhận một thực tế là quy mô còn hạn chế, chưa toàn diện, chưa theo kịp các nước trong khu vực. Một số nội dung ưu tiên đầu tư phát triển ngành giống trong chương trình giống cây con chất lượng cao còn chậm triển khai. Chưa có hệ thống quản lý nhà nước đồng bộ về giống vật nuôi từ trung ương đến địa phương, việc ghi chép sổ sách không ít nơi còn mang tính hình thức, tính khoa học còn yếu. Năng lực nghiên cứu, chọn tạo giống và nguồn thực liệu phục vụ nghiên cứu vẫn bị hạn chế. Chưa có cơ chế, chính sách đột phá khuyến khích, động viên cán bộ giỏi tại chỗ và thu hút chuyên gia đầu ngành tham gia nghiên cứu, phát triển ngành giống. Ngay cả việc quản lý nhà nước, kiểm nghiệm và đội ngũ quản lý chưa bắt kịp với tiến bộ kỹ thuật của ngành giống. Chưa xây dựng chuỗi sản xuất - cung ứng giống gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Và đặc biệt, việc xây dựng thương hiệu giống chưa được chú trọng, cả ở góc độ DN và quốc gia.

Tiến sĩ Dương Hoa Xô, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM, nhấn mạnh: vai trò nguồn nhân lực rất quan trọng trong việc nâng cao hàm lượng chất xám vào sản xuất qua việc phát triển giống cây con, tái cơ cấu sản xuất, giúp  nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.


Công Phiên

Tin cùng chuyên mục