Kiện phòng vệ thương mại - Còn bỏ ngỏ nhiều vụ việc

Kiện phòng vệ thương mại - Còn bỏ ngỏ nhiều vụ việc

Sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) là lá chắn cuối cùng để bảo vệ sản xuất trong nước khi hàng rào thuế quan đang dần bị loại bỏ từ việc thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA). Tại Việt Nam, pháp luật liên quan đến PVTM được ban hành từ nhiều năm qua, nhưng từ các cơ quan trung ương đến địa phương vẫn chưa có sự hiểu biết và xem trọng các biện pháp này. Tại sao lại như vậy? Đây là nội dung chính được đặt ra tại hội nghị tổng kết thực thi pháp luật về PVTM và đề xuất các giải pháp hoàn thiện do Cục Quản lý cạnh tranh và Trung tâm hỗ trợ hội nhập WTO TPHCM tổ chức ngày 29-6.

Chỉ có 1,89% doanh nghiệp hiểu về PVTM

Kết quả mới nhất của Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) điều tra đối với 1.000 doanh nghiệp (DN) về mức độ hiểu biết của DN về PVTM ở Việt Nam đối với hàng hóa nước ngoài cho thấy, trong số 108 mẫu phản hồi đầy đủ các vấn đề đặt ra, có 15,9% DN không hiểu; 63,21% DN có nghe nói nhưng không hiểu biết gì sâu; 19,81% DN đã từng tìm hiểu sơ sơ; chỉ có 1,89% DN đã tìm hiểu tương đối kỹ PVTM.

Về cảm nhận của các DN về tình hình hàng hóa nước ngoài nhập khẩu ồ ạt, đột biến vào Việt Nam, cũng có tới 45,71% DN không biết (không có thông tin); 9,52% DN cho rằng có nhiều; 30,48% DN chỉ có một số hàng hóa được nhập ồ ạt… TS Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc trung tâm WTO và hội nhập - VCCI nhìn nhận, đây là điều rất đáng lo ngại trong bối cảnh Việt Nam hội nhập rất sâu rộng với kinh tế thế giới.

Chế biến thực phẩm xuất khẩu tại KCN Hiệp Phước TPHCM (Ảnh: CAO THĂNG)

Kết quả nêu trên cũng phản ánh tương đối chính xác báo cáo tổng kết thực thi 3 pháp lệnh về tự vệ, chống bán phá giá, và chống trợ cấp. Theo bà Phạm Hương Giang, Phó Trưởng phòng xử lý các vụ kiện PVTM, Cục Quản lý cạnh tranh, sau hơn 10 năm ban hành 3 pháp luật nêu trên, Việt Nam mới chỉ tiến hành điều tra và áp dụng 4 vụ việc tự vệ, trong đó áp thuế tự vệ đối với 3 mặt hàng (gồm dầu thực vật, bột ngọt, phôi thép và thép dài) 2 vụ việc chống bán phá giá, đã áp thuế 1 mặt hàng là thép không gỉ cán nguội và đang trong giai đoạn điều tra đối với thép tôn mạ. Việt Nam chưa điều tra vụ việc chống trợ cấp.

Trong khi đó, tính đến 1-1-2016, số lượng hàng các vụ điều tra PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ở nước ngoài hiện có 96 vụ, trong đó 72 vụ chống bán phá giá, 7 vụ chống trợ cấp và 17 vụ tự vệ. Tổng số vụ dẫn tới áp dụng các biện pháp PVTM là 53 vụ.

Nhìn vào con số trên, đặc biệt là trong tương quan với số lượng rất lớn các vụ việc được tiến hành trên thế giới (311 vụ tự vệ, 4.757 vụ chống bán phá giá và 380 vụ chống trợ cấp), thì Việt Nam đã sử dụng rất ít các biện pháp PVTM. Đáng lưu ý, cho dù pháp luật đã được xây dựng hơn 10 năm nhưng các biện pháp này chỉ mới bắt đầu áp dụng thực sự trong khoảng 5 năm gần đây, riêng năm 2015 Việt Nam đã tiến hành tới 3 vụ việc.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cũng cho rằng, thúc đẩy tự do hóa thương mại là một mục tiêu của hội nhập quốc tế, song WTO cũng thừa nhận, các thành viên có thể sẽ phải bảo vệ sản xuất trong nước chống lại cạnh tranh từ hàng hóa nước ngoài. Bảo vệ sản xuất nội địa phù hợp với nguyên tắc của WTO, thông qua các biện pháp PVTM (gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ) chính là trụ cột cuối cùng để đảm bảo thương mại công bằng trước những tác động tiêu cực gây ra từ hàng hóa nhập khẩu.

Cập nhật các nguy cơ cạnh tranh

Bên cạnh 6 vụ việc đã được thực hiện, tại Việt Nam còn có rất nhiều nguy cơ được đề cập nhưng không thành hiện thực, đơn cử như các mặt hàng trứng gia cầm, giấy in, dầu đậu nành, ống gang đúc, bột nhựa, tôn, đùi gà, tỏi… Lý giải về sự không thành, ông Nguyễn Phương Nam thừa nhận, đây là một lĩnh vực rất mới và rất khó. Ngay cả chính phủ cũng cân nhắc rất nhiều, như vụ kiện tôm cũng phải mất hơn 1 năm để cân nhắc vì sợ ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao.

Riêng vụ đùi gà, năm 2015, cục cũng phải làm việc ròng rã với Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ để hướng dẫn các thủ tục và nhận được sự đồng lòng của các bên. Kết quả là cục đã có đầy đủ yếu tố khởi kiện. Tuy nhiên, khi bắt tay thực hiện thì DN lại không đồng ý vì nhiều lý do và cả hiệp hội cũng không còn mặn mà nên đành phải gác lại.

Điều gì đang cản trở các DN sử dụng công cụ PVTM? Theo bà Thu Trang, có 4 vấn đề chính đặt ra, do năng lực tập hợp lực lượng, năng lực huy động nguồn lực, năng lực huy động nhân lực và năng lực tập hợp bằng chứng. Xét ở DN vừa thiếu thông tin, khả năng huy động được nguồn lực để đi kiện của DN còn hạn chế, không có khả năng tập hợp bằng chứng. Có tới 41% DN được khảo sát cho biết không thể đáp ứng được các yêu cầu để đi kiện PVTM.

Để công tác PVTM sử dụng hiệu quả hơn, bà Thu Trang kiến nghị, DN cần phải chủ động cập nhật tìm hiểu thông tin về các nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh, nhập khẩu ồ ạt (nguyên đơn); về các nguy cơ vụ kiện ảnh hưởng đến lợi ích của mình (bên liên quan). Các cơ quan quản lý hiệp hội cung cấp thông tin, tăng cường hoạt động tư vấn ban đầu, định hướng cho DN để giảm chi phí, tăng cường kết nối, hướng dẫn DN. Đối với cơ quan quản lý nhà nước cần hoàn thiện cơ sở pháp lý về phòng vệ thương mại ở Việt Nam, các quy định cần chi tiết hơn. Qua đó, các bên biết mình được làm gì, không được làm gì, làm như thế nào. Căn cứ tính toán, các yêu cầu về tính xác thực của thông tin, các phương pháp sử dụng trong điều tra bảo đảm cơ quan điều tra thực hiện công việc một cách khách quan, đúng pháp luật, không lạm dụng thẩm quyền. Đồng thời điều chỉnh pháp luật về cơ chế công khai thông tin, mở rộng phạm vi thông tin xuất nhập khẩu mà DN được phép tiếp cận; dịch vụ cung cấp thông tin chuyên sâu cho DN. Cải thiện cơ chế hỗ trợ tiền tố tụng và tố tụng như tư vấn đơn kiện, hỗ trợ tiếp cận thông tin thuộc phạm vi quản lý của cơ quan nhà nước; hỗ trợ trong quá trình tố tụng (đặc biệt trong điều tra thực địa/xác minh thông tin của nguyên đơn); hướng dẫn, hỗ trợ các bên liên quan (đặc biệt là các nhóm bị ảnh hưởng).

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, các biện pháp PVTM được các nước xem là công cụ hiệu quả nhằm giảm áp lực hàng nhập khẩu đối với các ngành sản xuất trong nước. Đặc biệt, đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc sử dụng các biện pháp PVTM sẽ kéo dài thời gian cắt giảm thuế, tạo cơ hội cho các ngành sản xuất trong nước trưởng thành, đủ sức cạnh tranh với hàng hóa quốc tế. Do vậy, Việt Nam cần nắm bắt và sử dụng tốt hơn nữa các biện pháp PVTM, thông qua việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung pháp luật cho tương thích với quốc tế.

Thúy Hải

Tin cùng chuyên mục