Người dân dễ bị lừa khi vay tiêu dùng

Tại hội thảo Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng, thực trạng và giải pháp do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) tổ chức tại TPHCM ngày 22-7, ông Phan Thế Thắng, Phó trưởng phòng Phòng Bảo vệ quyền lợi NTD cho biết, thị trường tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam đang phát triển mạnh.
Người dân dễ bị lừa khi vay tiêu dùng

(SGGP).- Tại hội thảo Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng, thực trạng và giải pháp do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) tổ chức tại TPHCM ngày 22-7, ông Phan Thế Thắng, Phó trưởng phòng Phòng Bảo vệ quyền lợi NTD cho biết, thị trường tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam đang phát triển mạnh.

Trong 7 năm qua, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng tại Việt Nam có mức tăng trưởng trung bình khoảng 20%/năm. Dư nợ cho vay tiêu dùng chiếm khoảng 8,02%/tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống. Tính đến tháng 8-2015, tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam đã đạt 10,4 tỷ USD (chiếm 6,6% GDP).

Theo ông Phan Thế Thắng, mặc dù quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD liên quan đến dịch vụ tín dụng tiêu dùng quy định về việc cung cấp thông tin về giá cả, điều kiện giao dịch, lãi suất rõ ràng, cụ thể nhưng thực tế cho thấy, không ít nhân viên của các công ty tài chính có hành vi lừa khách hàng. Họ không cung cấp thông tin đầy đủ về lãi suất, điều kiện thanh lý hợp đồng, phí phạt vi phạm, không tạo điều kiện để NTD nghiên cứu các điều khoản bằng cách lừa ép NTD ký hợp đồng khống, sau đó gửi hợp đồng qua bưu điện sau khi đã ký kết. Nhiều NTD cho biết, do lỡ ký các hợp đồng vay tiêu dùng với lãi suất “cắt cổ”, đến khi phát hiện ra thì không có cách nào để “thoát” được. Theo khảo sát, hiện nay mức lãi suất người tiêu dùng phải chịu ở mức khá cao, từ 60% - 70%, thậm chí có nơi lên đến 80%/năm.

Không ít các nơi cho vay có hành vi lừa khách hàng



Thực trạng trên vẫn đang diễn ra nhưng các đại biểu cho rằng các cơ quan chức năng chưa có giải pháp để khắc phục, ngăn ngừa. Nguyên nhân là do pháp luật chưa có quy định riêng cho vay tiêu dùng, do đó toàn bộ vấn đề cho vay tiêu dùng đều dựa vào quy định chung tại Luật Tổ chức tín dụng. Trong khi đó, tại luật này các phần liên quan tới giới hạn, hạn mức, thủ tục cho vay đối với các ngân hàng, công ty tài chính đã quá lạc hậu đối với cho vay tiêu dùng. Bàn về giải pháp cho thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc các cơ quan chức năng phải xây dựng khuôn khổ pháp lý quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng với nguyên tắc bảo đảm sự hài hòa giữa lợi ích NTD - lợi nhuận của doanh nghiệp - sự phát triển lành mạnh của thị trường; nâng cao trách nhiệm giám sát và quản lý của cơ quan thì điều quan trọng nhất là NTD vẫn phải nhận thức được quyền lợi của mình và hành xử như NTD thông minh. Ngoài ra, để bảo vệ NTD khi “chuyện đã rồi”, các cơ quan bảo vệ NTD cần thanh tra, kiểm tra, sửa chữa ngay các hành vi sai trái; yêu cầu bên cho vay, bán hàng phải hoàn trả các khoản phí quá cao, vượt quá quy định; dỡ bỏ các quảng cáo gây nhầm lẫn; phạt, công bố vi phạm công khai, bắt bồi thường thiệt hại hay thu hồi giấy phép kinh doanh của các tổ chức tín dụng vi phạm pháp luật.

MINH HUY

Tin cùng chuyên mục