Xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa - Cuộc chiến chống thất thoát vốn

Xác định giá theo… yêu cầu?
Xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa - Cuộc chiến chống thất thoát vốn

Lâu nay, công tác cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp (DN) nhà nước có nhiều điều tiếng về nguy cơ thất thoát vốn Nhà nước. Mới đây, chúng tôi nhận được đơn kiến nghị của một số cán bộ hưu trí, yêu cầu xác định lại giá trị DN trước khi cổ phần hóa vì nghi ngờ có sự câu kết, kéo giảm giá trị DN. Kết quả, sau khi định giá lại, giá trị DN tăng thêm 1/3. Mặc dù hoạt động cổ phần hóa thông qua nhiều cấp, nhiều cơ quan giám sát, nhưng chính quần chúng lại là người phát hiện sai sót. Bài học nào cho công tác cổ phần hóa, sắp xếp lại DN hiện nay?

Xác định giá theo… yêu cầu?

Sau khi Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn (Cholimex) thực hiện xong thẩm định giá trị DN để tiến hành cổ phần hóa, gửi lên UBND TPHCM đề nghị công nhận giá trị DN là 620 tỷ đồng liền bị nhiều cán bộ trong và ngoài DN phản ứng. Ông Trương Trung Việt, cán bộ hưu trí, gửi đơn đến cơ quan chức năng trình bày rằng giá trị DN bị xác định không đúng thực trạng, dẫn đến thất thoát tiền của Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

Việc xác định giá trị DN được Tổ giúp việc công tác cổ phần hóa, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Công ty Cholimex, Hội đồng thành viên Công ty Cholimex thống nhất giá trị do Công ty cổ phần Thông tin và Thẩm định giá miền Nam (DN nằm trong danh sách được Bộ Tài chính cho phép làm tư vấn thẩm định giá trị DN khi chuyển sang cổ phần hóa) xác định, với mức giá 620 tỷ đồng. Con số này bị khiếu nại lên Chi cục Tài chính DN và Thanh tra TPHCM vào cuộc. Kết quả, phát hiện thất thoát vốn nhà nước đến gần 250 tỷ đồng (giá do Công ty cổ phần Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam xác định là 620 tỷ đồng, sau khi xác định lại thành 866 tỷ đồng).

Công ty Cholimex sau khi thẩm định lại giá trị doanh nghiệp đã tăng từ 620 tỷ đồng lên 866 tỷ đồng
Ảnh: CAO THĂNG

Việc định giá DN thấp hơn thực tế không phải là lần đầu tiên. Theo các chuyên gia, trước đây, Công ty Sài Gòn Vafaco (trực thuộc Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn) cổ phần hóa cũng chỉ được định giá hơn 40 tỷ đồng, trong khi theo nhận định của chuyên gia, giá trị thực tế có thể lên hơn 60 tỷ đồng. Thế nhưng, việc nghi ngờ này vẫn không được làm rõ.

Đến nay, số tiền chênh lệch được xác định lại của Cholimex quá lớn, UBND TPHCM đã ban hành kết luận: Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Công ty Cholimex, Hội đồng thành viên Công ty Cholimex, Tổ giúp việc công tác cổ phần hóa chưa kịp thời xử lý, yêu cầu công ty tư vấn làm rõ thông tin về giao dịch cổ phiếu của Công ty cổ phần Thực phẩm Cholimex (Cholimex food), dẫn đến việc xác định giá trị chưa phù hợp. Cụ thể, số tiền xác định lại tăng thêm là ở giá trị cổ phiếu công ty con là Cholimex Food. Giá trên sàn giao dịch của Cholimex Food được chào mua 90.000 đồng/cổ phiếu, nhưng công ty định giá xác định giá cổ phiếu theo sổ sách ban đầu chỉ 22.000 đồng/cổ phiếu, dẫn đến thất thoát 246 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc này, UBND TP nhận định là “đã được khắc phục, chưa thất thoát vốn nhà nước” nên chỉ chỉ đạo... rút kinh nghiệm! Và để không xảy ra các thiếu sót tương tự khi cổ phần hóa tại các DN khác, UBND TP yêu cầu: Giao Ban Đổi mới quản lý DN TP cần lưu ý các ban chỉ đạo cổ phần hóa DN khi lựa chọn đơn vị tư vấn xác định giá trị DN cổ phần hóa trong thời gian tới; giao Chi cục Tài chính DN chủ trì phối hợp với Ban Đổi mới quản lý DN TP, Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP giám sát lại việc rà soát toàn bộ quá trình thực hiện cổ phần hóa tại Cholimex, đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật, báo cáo UBND TP xem xét xử lý nếu có sai phạm và báo cáo cho UBND TP trước ngày 25-6-2016.

Chưa quyết toán: Nguy cơ lọt sổ, thất thoát thuế

Dù đã xác định có sai sót, thế nhưng một cán bộ của Công ty Cholimex cho rằng tại sao chỉ phía Cholimex phải “rút kinh nghiệm”, trong khi Công ty cổ phần Thông tin và Thẩm định giá miền Nam làm sai thì lại vô can (?!). Các chuyên gia thì cho rằng, khi nào Bộ Tài chính còn “bao cấp”, đưa ra danh mục với chỉ hơn chục DN có quyền thẩm định giá cổ phần hóa, thì vẫn còn sự câu kết, sai phạm mà khó xác định trách nhiệm.

Chế biến chả giò xuất khẩu tại Công ty Cholimex.    Ảnh: CAO THĂNG

Theo lãnh đạo Cholimex, sau khi xác định lại, giá trị DN nâng lên thành 866 tỷ đồng, mà vốn điều lệ của DN chỉ 200 tỷ đồng, tăng 4,5 lần sẽ khiến DN chịu nhiều áp lực. Bởi vì lợi nhuận vẫn như cũ mà giá trị DN tăng lên thì tỷ suất lợi nhuận sẽ giảm. Thế nhưng, đối với các chuyên gia thì việc xác định lại giá trị DN chưa thể dừng lại ở đó, vì dự án Khu công nghiệp Vĩnh Lộc giai đoạn 1 của Cholimex đã được bồi thường xong vào năm 2007, đến nay đã hoàn thành hơn 90% và đã được đưa vào cho thuê. Nhưng, khi cổ phần hóa, Cholimex không quyết toán phần này, không hoạch toán số lãi thì dẫn đến nguy cơ Nhà nước thất thoát hơn 400 tỷ đồng tiền lãi. Điều đó đồng nghĩa với việc Nhà nước sẽ thất thu gần 100 tỷ đồng tiền thuế! Nếu quyết toán theo từng giai đoạn sẽ cho ra số lãi, sẽ làm tăng giá trị DN lên. Việc này không mới.

Trước đây, một công ty nhà nước ở Tân Bình cũng không quyết toán dự án nên dẫn đến khiếu kiện, sau khi quyết toán dự án thì giá trị DN được xác định lại tăng thêm hơn 100 tỷ đồng và nộp thuế cho ngân sách hơn 20 tỷ đồng.

Do vậy, nhiều ý kiến đề nghị, để tránh thất thoát, khi định giá giá trị DN cần phải công khai, quyết toán toàn bộ theo từng giai đoạn các dự án. Đối với quyền thuê đất thì buộc phải đóng tiền thuê đất toàn bộ để tránh tư nhân hóa đất đai của Nhà nước.

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục