Sản phẩm hữu cơ chưa được quan tâm đúng mức

Sau bài viết Mập mờ thực phẩm hữu cơ đăng trên báo SGGP số ra ngày 26-8, nhiều chuyên gia, cơ quan chuyên trách đã có những phản hồi xung quanh vấn đề này. 
Sản phẩm hữu cơ chưa được quan tâm đúng mức

Sau bài viết Mập mờ thực phẩm hữu cơ đăng trên báo SGGP số ra ngày 26-8, nhiều chuyên gia, cơ quan chuyên trách đã có những phản hồi xung quanh vấn đề này. 

Xu hướng sống xanh

Nhìn nhận ở góc độ người tiêu dùng, thạc sĩ Nguyễn Hoàng Dũng, chuyên gia kinh tế, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển - Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM, cho rằng xu hướng sản xuất thực phẩm của thế giới là hướng tới sản phẩm xanh, sạch, thân thiện môi trường. Nhiều quốc gia đã thực hiện quy trình sản xuất, kinh doanh, giám sát chất lượng thực phẩm hữu cơ (organic) rất tốt. Chẳng hạn như Hà Lan, có khoảng 50% sản phẩm tiêu dùng là thực phẩm hữu cơ. Tại Việt Nam, các quy trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Thực phẩm chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại… khá nhiều, khiến người tiêu dùng lo lắng. “Sản phẩm hữu cơ chính là giải pháp tối ưu, không chỉ đảm bảo sức khỏe người dùng, mà còn hướng tới bảo vệ môi trường, giúp đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái. Người tiêu dùng nên chấp nhận bỏ ra số tiền nhiều hơn một chút nhưng mua được thực phẩm an toàn, còn hơn dùng thực phẩm kém chất lượng, có nguy cơ bệnh tật cao”, thạc sĩ Nguyễn Hoàng Dũng nêu quan điểm.

Một cửa hàng bán thực phẩm hữu cơ tại TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ


Tiêu thụ sản phẩm hữu cơ đang là một xu hướng ngày càng tăng của người tiêu dùng trong nước và trên thế giới. Tuy vậy, theo bà Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, hiện nay hai chữ “hữu cơ” đang bị nhiều đối tượng sản xuất, kinh doanh thiếu uy tín trục lợi; sẵn sàng mạo nhận sản phẩm hữu cơ để bán giá cao cho khách hàng. Do vậy, Nhà nước rất cần có biện pháp chế tài cụ thể để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như quyền lợi của đơn vị sản xuất, kinh doanh chân chính. Bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TPHCM, khuyến cáo người tiêu dùng nên tìm mua sản phẩm tại những đơn vị, cửa hàng có uy tín, có tên trong danh sách công bố của cơ quan quản lý nhà nước. Ngoài ra, khách hàng cũng có thể đến thăm cơ sở sản xuất của doanh nghiệp, thiết lập một mối quan hệ như hợp đồng, đặt hàng... để người sản xuất có thể yên tâm sản xuất theo yêu cầu của người tiêu dùng.

Quy hoạch phát triển lâu dài

Tiến sĩ Phạm Đồng Quảng, Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT), cho biết nước ta đã có tiêu chuẩn TCVN 11041:2015 (Bộ Khoa học và Công nghệ công bố) hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị sản phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ, áp dụng cho trồng trọt và chăn nuôi. Thế nhưng, đến nay chưa có tổ chức nào đăng ký hoạt động chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn trên với Bộ Khoa học và Công nghệ. Vì vậy, chưa có tổ chức, cá nhân nào được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn TCVN 11041:2015.

Tuy nhiên trong thời gian qua, ở nước ta có một số doanh nghiệp đã áp dụng những tiêu chuẩn hữu cơ nước ngoài và được tổ chức quốc tế chứng nhận. Ví dụ, dự án Phát triển nông nghiệp hữu cơ do Tổ chức Phát triển nông nghiệp châu Á, Đan Mạch (ADDA) tài trợ xây dựng tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ PGS (Hệ thống đảm bảo cùng tham gia), được IFOAM (Liên đoàn Quốc tế các phong trào canh tác nông nghiệp hữu cơ) công nhận. Từ năm 2005-2012, một số mô hình sản xuất rau hữu cơ tại Sóc Sơn (Hà Nội), Lương Sơn (Hòa Bình) và Trác Văn (Hà Nam)... được  cấp chứng nhận PGS. Tiêu chuẩn này hiện được Hội Nông dân Việt Nam kế thừa và được coi như tiêu chuẩn cơ sở của tổ chức phi chính phủ.

Các quy định về xử phạt các đơn vị sản xuất, kinh doanh sai phạm đều đã có nhưng số cơ sở chuyên doanh thực phẩm hữu cơ bị xử phạt lại rất hiếm. Căn cứ Luật An toàn thực phẩm (ATTP), Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, cũng như các văn bản dưới luật, các đơn vị thanh tra, kiểm tra hoàn toàn có quyền kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ về một số nội dung như: Giấy phép đủ điều kiện đảm bảo ATTP; công bố tiêu chuẩn áp dụng trên bao bì, tem nhãn sản phẩm, giấy chứng nhận hợp chuẩn do tổ chức chứng nhận của tiêu chuẩn đó cấp; lấy mẫu kiểm tra về ATTP...

“Nước ta cần có biện pháp quy hoạch, phát triển lâu dài đối với thực phẩm hữu cơ. Để làm được điều này, Nhà nước cần làm rõ tiêu chuẩn và biện pháp quản lý. Thực tế, tiêu chuẩn TCVN 11041:2015 được chuyển đổi từ tiêu chuẩn nước ngoài, nên một số tiêu chí chưa rõ ràng, cần được rà soát, bổ sung, hoàn thiện hơn. Đồng thời, cần có quy chế quản lý hoạt động của các tổ chức chứng nhận hợp chuẩn để nâng cao chất lượng chứng nhận. Về quản lý, trên cơ sở các luật đã có, Bộ NN-PTNT cần ban hành thông tư hướng dẫn quản lý sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ. Trong đó cần quy định rõ về áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn của tổ chức phi chính phủ; về chứng nhận, công bố tiêu chuẩn áp dụng; phân công trách nhiệm kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm... cho phù hợp với tính đặc thù của sản phẩm hữu cơ so với sản phẩm an toàn, sản phẩm VietGAP, GlobalGAP”, tiến sĩ Phạm Đồng Quảng kiến nghị.

 Theo Sở NN-PTNT TPHCM, trên địa bàn thành phố có 3 đơn vị kinh doanh sản phẩm hữu cơ gồm: Gạo hữu cơ hoa sữa (Công ty cổ phần Thương mại và sản xuất Viễn Phú. Chi nhánh số 18/3 Thanh Đa, phường 27, quận Bình Thạnh); rau hữu cơ Organic Đà Lạt (kinh doanh tại Chi nhánh Công ty TNHH Organic Market, số 132B Nguyễn Cao Nam, phường Tân Phong, quận 7); rau Organica sản xuất tại Long Thành, tỉnh Đồng Nai (bán tại 130 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3; 117 Nguyễn Thái Học, quận 1 và 54 Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận).


THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục