10 nhóm giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu để đạt mục tiêu 2017

Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 đang được hoàn thiện để Chính phủ ký ban hành.
10 nhóm giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu để đạt mục tiêu 2017

(SGGP).- Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 đang được hoàn thiện để Chính phủ ký ban hành.

Theo dự thảo, năm 2017 tiếp tục có nhiều dự báo khó khăn. Vì thế, mục tiêu 2017 là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô làm nền tảng cho sự phát triển; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với tăng trưởng gắn với 3 đột phá chiến lược; bảo đảm phát triển nhanh, bền vững, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phòng, chống tham nhũng lãng phí, xây dựng nền hành chính hiện đại phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Dự thảo đưa ra 3 chỉ tiêu quan trọng nhất là GDP tăng 6,7%, lạm phát bình quân 4% và ngân sách phải bảo đảm cả trung ương và địa phương. Để đạt tới mục tiêu này, dự thảo đề ra 10 nhóm giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu.

Cụ thể, về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, các bộ trong tổ điều hành vĩ mô phải theo dõi sát diễn biến, cập nhật tình hình các đối tác kinh tế lớn để có phản ứng chính sách phù hợp. Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách chủ động linh hoạt, tăng trưởng tín dụng gắn với chất lượng, lưu ý kết cấu tín dụng, ổn định lãi suất năm 2017, phấn đấu giảm lãi suất trung dài hạn, quản lý thị trường ngoại tệ, vàng hiệu quả. Năm 2017, dự kiến tổng mức phát hành trái phiếu chính phủ là 250.000 tỷ đồng, giảm so với 280.000 tỷ đồng của năm 2016. Cơ cấu trái phiếu chính phủ có sự thay đổi tích cực khi nguồn vốn từ ngân hàng giảm, các tổ chức tài chính khác tăng, kỳ hạn tăng. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là điều hành ngân sách cần chủ động chặt chẽ, hạn chế tối đa ban hành chính sách giảm thu, trừ những cam kết quốc tế, hạn chế ban hành chính sách tăng chi trừ trường hợp đặc biệt. Tiết kiệm chi tiêu ngân sách là quốc sách, tăng cường kỷ luật kỷ cương, kỷ luật ngân sách, thu trong nền kinh tế, chi theo khả năng, vay trong khả năng trả nợ. Triển khai quyết liệt giải ngân vốn đầu tư ngân sách ngay từ đầu năm 2017. Các địa phương phải giảm chi thường xuyên, chỉ được chi trong phạm vi thu, không được đẩy lên Trung ương.

Ảnh minh họa

Về giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, dự thảo nghị quyết yêu cầu rà soát đồng bộ các quy định cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong đó tập trung hỗ trợ tiếp cận vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể chuyển thành doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo…

Các giải pháp khác cũng được nhấn mạnh như tiếp tục thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tiếp cận trình độ ASEAN-4; đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ. Đối với giải pháp tái cơ cấu kinh tế, gắn với tăng trưởng, dự thảo nghị quyết nêu rõ, ngay trong quý 1-2017, Chính phủ quyết tâm trình các đề án liên quan đến tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu và đổi mới DNNN, tái cơ cấu tổ chức tín dụng gắn xử lý nợ xấu… Trong thực hiện nhóm giải pháp cải cách hành chính, dự thảo nghị quyết nhấn mạnh yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao hiệu quả trong phòng chống tham nhũng, lãng phí; tập trung xử lý các vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng… Đồng thời tăng cường tiềm lực quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, thực hiện hiệu quả chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giảm tai nạn giao thông trên 3 tiêu chí, thực hiện chiến lược quốc gia phòng chống tội phạm. Bộ Quốc phòng, Công an sẵn sàng chuẩn bị lực lượng tham gia ứng phó với thiên tai, bão lũ. Dự thảo nghị quyết giao rất kỹ trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương. Sau khi Chính phủ ban hành nghị quyết, ngay trong tháng 1-2017, các bộ ngành, địa phương phải ban hành kế hoạch hành động, có đơn vị, cơ quan chủ trì cụ thể…

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục