Hoàn thuế - Yếu chính sách, gây nhiều bức bách

Năm qua, công tác hoàn thuế của ngành tài chính có quá nhiều vấn đề khiến doanh nghiệp (DN) bức xúc. Không chỉ chuyện DN kêu cán bộ thuế, cán bộ hải quan “hành”, gây khó dễ, mà rất nhiều vụ tiến hành xong thủ tục hoàn thuế nhưng cán bộ thuế bảo “hết tiền”, trong khi lãnh đạo cấp trên tuyên bố vẫn còn tiền… Vì sao đến giờ chuyện hoàn thuế vẫn “nóng” đối với DN?
Hoàn thuế - Yếu chính sách, gây nhiều bức bách

Năm qua, công tác hoàn thuế của ngành tài chính có quá nhiều vấn đề khiến doanh nghiệp (DN) bức xúc. Không chỉ chuyện DN kêu cán bộ thuế, cán bộ hải quan “hành”, gây khó dễ, mà rất nhiều vụ tiến hành xong thủ tục hoàn thuế nhưng cán bộ thuế bảo “hết tiền”, trong khi lãnh đạo cấp trên tuyên bố vẫn còn tiền… Vì sao đến giờ chuyện hoàn thuế vẫn “nóng” đối với DN?

Người làm khó, kẻ “mượn gió bẻ măng”

Công tác cải cách hành chính của ngành tài chính thời gian qua được báo cáo là thực hiện rất tốt, thời gian thực hiện thủ tục thuế đã được rút ngắn, giảm công sức cho DN. Thế nhưng, hầu hết những phản ánh bức xúc nhất của DN trong các buổi gặp gỡ với lãnh đạo vẫn là công tác hoàn thuế giá trị gia tăng.

Khai thuế tại Cục thuế TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ

Công ty Cơ điện lạnh Hòa Bình chuyên nhập khẩu mặt hàng nước nóng lạnh cho biết, trước đây mặt hàng không phải nộp thuế. Mới đây, ngành chức năng lại quy định “mã mặt hàng” khiến sản phẩm này trở thành đối tượng phải chịu thuế. Đã vậy, dù quy định mới được ban hành, nhưng khi kiểm tra sau thông quan, cán bộ hải quan lại “truy” hồ sơ 5 năm trước, rồi cho rằng trước đây DN khai sai mã hàng nên ra quyết định xử phạt và truy thu thuế với tổng số tiền lên đến 3,5 tỷ đồng. Một khi đã có quyết định xử phạt, nếu DN không nộp thì sẽ bị cưỡng chế hàng hóa, không được thông quan, nên DN đành phải ngậm ngùi nộp phạt. DN vừa bị “chôn” tiền, vừa tốn công sức đi…khiếu nại! Tương tự, Hiệp hội Thực phẩm Sóc Trăng cũng phản ánh, với số tiền được hoàn thuế lên đến 40 tỷ đồng, lẽ ra thuộc diện “hoàn thuế trước, kiểm tra sau”, nhưng khi tiến hành thủ tục hoàn thuế thì cán bộ thuế tự đảo thành “kiểm tra trước, hoàn thuế sau”, để kéo dài thời gian hoàn thuế. Đã vậy, thủ tục xong nhưng vẫn bị chậm hoàn! Một số DN bị “giam vốn” đã phải lập luận rằng: DN chậm nộp thuế thì bị xử phạt, tại sao cán bộ chậm hoàn thuế lại không chịu phạt tương ứng?

Tại buổi tiếp xúc DN gần đây, Phó Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn thừa nhận có sự chậm trễ, áp dụng cứng ngắc, vì sợ thất thoát tiền ngân sách nên cán bộ thận trọng. Rồi lãnh đạo tổng cục chỉ đạo cán bộ thuế các cấp xử lý nghiêm, hoàn thuế kịp thời cho DN. Tuy nhiên, nói đi phải nói lại, không ít DN lợi dụng sự “thiện chí” của các cấp để “tố” cán bộ, nhằm tạo áp lực để cán bộ bỏ qua cái sai của mình. Đó là trường hợp Công ty cổ phần Thép Khương Mai, đơn vị cũng tranh thủ phản ánh với lãnh đạo Bộ Tài chính vì cho rằng mình bị cán bộ thuế gây khó dễ, chậm hoàn thuế. Sự việc đã được Phó cục trưởng Cục Thuế TPHCM Nguyễn Nam Bình trả lời lật tẩy tại hội nghị: Công ty này nằm trong đối tượng rủi ro cao. Vì qua kiểm tra có đến 70% hóa đơn đầu vào của công ty xuất từ những 13 DN đã bỏ địa chỉ kinh doanh, nhiều hóa đơn khác không thống nhất giữa các liên… Đã vậy, cơ quan thuế yêu cầu kiểm tra kho hàng thì công ty không hợp tác. Do vậy, cơ quan thuế đành chuyển hồ sơ sang công an điều tra!

Khổ vì “ấn” chỉ tiêu máy móc

Điều khiến DN bức xúc nhất là khi hồ sơ hoàn thuế đã hoàn thành, cơ quan thuế đã ra quyết định hoàn thuế, nhưng DN vẫn không nhận được tiền, vì kho bạc báo không còn tiền. Trong lúc DN hoang mang vì ngân sách hết tiền thì lãnh đạo Bộ Tài chính tuyên bố ngân sách còn tiền. Điều đó càng khiến cho DN nghi ngờ cán bộ thuế gây khó dễ để vòi vĩnh!

Trong khi thực tế, theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tính đến giữa tháng 12-2016, ngành thuế đã hoàn thuế với số tiền 96.196 tỷ đồng trên tổng số dự toán hoàn thuế cả năm là 98.000 tỷ đồng. Có nghĩa là số tiền hoàn thuế đã gần bằng dự toán năm. Và như vậy, sở dĩ có chuyện hụt tiền là do công tác dự toán chi thời gian qua quá máy móc. Hoạt động kinh doanh, số thuế được hoàn của DN là khó xác định, nhưng ngành thuế vẫn “ấn” số thuế hoàn theo kiểu năm sau cao hơn năm trước 10% - 20%. Và số tiền hoàn cũng áp cho các tỉnh, thành. Điều đó khiến một số tỉnh, thành số lượng DN chậm phát triển thì ngân sách hoàn còn thừa, trong khi, một số tỉnh, thành DN phát triển nhanh, số tiền hoàn lớn thì lại…hụt, khiến dư luận hoang mang.

Do vậy, Tổng cục Thuế cho biết thời gian tới sẽ đẩy mạnh hoàn thuế điện tử, công khai minh bạch để DN biết. Cụ thể, ngành thuế sẽ phối hợp với Kho bạc Nhà nước trao đổi thông tin phục vụ kiểm soát hoàn thuế. Tổng cục Thuế sẽ gửi danh sách quyết định hoàn thuế bằng phương thức điện tử có chữ ký số tới Kho bạc Nhà nước để hỗ trợ kiểm soát chi hoàn thuế. Đến cuối ngày, cơ quan kho bạc cung cấp số liệu tình hình thực hiện chi hoàn thuế tại từng tỉnh, thành trên toàn quốc cho Tổng cục Thuế để theo dõi, đối chiếu và quản lý dự toán hoàn thuế giá trị gia tăng. Đồng thời, Tổng cục Thuế cũng phối hợp với cơ quan hải quan trong việc trao đổi, cung cấp thông tin, số liệu tờ khai nhập khẩu đối với hàng hóa và doanh nghiệp liên quan đến các hồ sơ hoàn thuế đang được kiểm tra, bảo đảm hoàn thuế đúng quy định, đúng đối tượng. Đến nay, Tổng cục Thuế đã triển khai ứng dụng hoàn thuế điện tử cho 5 cục thuế (Hà Nội, Đồng Nai, TPHCM, Hải Phòng, Bình Dương) và sẽ tiếp tục triển khai hoàn thuế điện tử trên phạm vi toàn quốc trong năm 2017.

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục