Để giảm khó cho doanh nghiệp

Bộ Công thương vừa ban hành Thông tư 36/2016 thay thế Thông tư 07/2012 về quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng. Thông tư này được thay đổi theo hướng cắt giảm các thủ tục, thời gian và chi phí nhằm giảm phiền hà cho doanh nghiệp (DN), tạo điều kiện thông thoáng cho DN thực hiện thủ tục dán nhãn năng lượng và thông thoáng trong xuất nhập khẩu hàng hóa. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 10-2-2017
Để giảm khó cho doanh nghiệp

Bộ Công thương vừa ban hành Thông tư 36/2016 thay thế Thông tư 07/2012 về quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng. Thông tư này được thay đổi theo hướng cắt giảm các thủ tục, thời gian và chi phí nhằm giảm phiền hà cho doanh nghiệp (DN), tạo điều kiện thông thoáng cho DN thực hiện thủ tục dán nhãn năng lượng và thông thoáng trong xuất nhập khẩu hàng hóa. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 10-2-2017.

Chỉ thử nghiệm hiệu suất năng lượng một lần

So với Thông tư 07/2012, quy định dán nhãn năng lượng mới đã đổi phương thức chứng nhận cho phương tiện thiết bị, tạo thông thoáng cho DN trong việc thực hiện thủ tục dán nhãn năng lượng. Cụ thể, quy định mới cho DN áp dụng hình thức tự công bố mức hiệu suất năng lượng và dán nhãn năng lượng trên phương tiện thiết bị sản xuất, nhập khẩu. DN tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm công bố và dán nhãn. Cùng với đó, DN được sử dụng kết quả thử nghiệm hiệu suất năng lượng một lần đối với mỗi model (kiểu, mẫu) sản phẩm, áp dụng cho tất cả các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước cũng như các lô hàng nhập khẩu có cùng model, cùng nhà sản xuất, xuất xứ và cùng đặc tính kỹ thuật mà không giới hạn thời gian hiệu lực của phiếu thử nghiệm như quy định hiện hành.

Sắp tới, DN có quyền lựa chọn dán nhãn năng lượng điện tử đối với các phương tiện, thiết bị phù hợp. Ảnh: PHƯƠNG HÀ

Thêm một điểm mới mà Thông tư 36/2016 đã bớt làm khó DN đó là cho phép việc thử nghiệm dán nhãn năng lượng được thực hiện bởi các tổ chức thử nghiệm độc lập hoặc các phòng thử nghiệm của nhà sản xuất trong nước và nước ngoài. Không giới hạn về việc phải thử nghiệm dán nhãn năng lượng tại các tổ chức thử nghiệm độc lập. Quy định này đã xoá bỏ bất cập của quy định cũ. Hiện nay, việc thử nghiệm dán nhãn năng lượng được Bộ Công thương công nhận và chỉ định các phòng thử nghiệm hiệu suất năng lượng tại nước ngoài. Trong khi đó, mới chỉ có 2 phòng thử nghiệm độc lập tại Hàn Quốc và Thái Lan đăng ký và được chỉ định. Chính vì thế nhà sản xuất tại nước ngoài không có nhiều lựa chọn trong việc thử nghiệm sản phẩm hàng hóa.

Thông tư mới cũng quy định rõ tổ chức thử nghiệm dán nhãn năng lượng bao gồm các tổ chức thử nghiệm độc lập hoặc các phòng thử nghiệm của nhà sản xuất trong nước và nước ngoài. Các tổ chức này phải đáp ứng các điều kiện: Tổ chức thử nghiệm trong nước là tổ chức thử nghiệm đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 5 Nghị định 107/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp; Tổ chức thử nghiệm tại nước ngoài là tổ chức thử nghiệm được công nhận theo Tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 (hoặc tương đương) bởi các tổ chức công nhận đã ký kết thoả ước thừa nhận lẫn nhau (ILAC hoặc APLAC). Căn cứ để thử nghiệm, đánh giá hiệu suất năng lượng của phương tiện, thiết bị là các Tiêu chuẩn Việt Nam - TCVN hoặc các quy định của Bộ Công thương tương ứng.

Thêm nhãn năng lượng điện tử

Liên quan đến trình tự thủ tục chứng nhận, trước đây, để được dán nhãn năng lượng và chứng nhận tiêu thụ hiệu suất năng lượng tối thiểu, các nhà sản xuất hay các công ty nhập khẩu phải có mẫu hàng hóa được kiểm tra bởi đơn vị do Bộ Công thương chỉ định. Việc kiểm tra có thể mất vài tuần, thậm chí vài tháng, phụ thuộc vào các sản phẩm và khối lượng công việc của những đơn vị kiểm tra. Trên thực tế, hàng ngàn sản phẩm vẫn phải thường xuyên tồn kho hàng tháng vì đợi kết quả kiểm tra, gây tốn chi phí đáng kể cho các nhà sản xuất và nhập khẩu. Đó là chưa kể hầu hết các hãng sản xuất thiết bị nổi tiếng trên toàn thế giới như Apple, Dells, Canon, Sony, HP, Samsung... đang áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về hiệu quả năng lượng. Sản phẩm của các hãng trên đều đã được kiểm tra bởi các đơn vị được thế giới công nhận, trước khi đưa ra thị trường. Do vậy, quy định buộc các sản phẩm này phải kiểm tra lại là không cần thiết và không phù hợp, đặc biệt là trong điều kiện hạn chế về năng lực và nguồn lực của các tổ chức kiểm nghiệm tại Việt Nam.

Chính vì thế, Thông tư mới ra đời đã khắc phục được những khó khăn vướng mắc nêu trên. Cụ thể, trình tự thủ tục chứng nhận tổ chức thử nghiệm trong nước sẽ được thực hiện theo Nghị định 107/2016 của Chính phủ. Đối với các tổ chức thử nghiệm độc lập và các phòng thử nghiệm của nhà sản xuất ở nước ngoài không cần đăng ký để được Bộ Công thương chỉ định hay công nhận, thừa nhận. Các DN đăng ký dán nhãn năng lượng cho sản phẩm hàng hóa nhập khẩu chỉ cần gửi hồ sơ, tài liệu chứng minh các phòng thử nghiệm nêu trên đáp ứng các điều kiện và gửi kèm cùng hồ sơ đăng ký dán nhãn năng lượng về Bộ Công thương.

Thông tư mới cũng đã bổ sung quy định về việc miễn trừ dán nhãn năng lượng đối với hàng hóa nhập khẩu phi thương mại; hàng hóa, phụ tùng thay thế, dự phòng nhập khẩu đơn chiếc phục vụ cho các công trình, dự án, nhà máy sản xuất; hàng hóa, vật tư thiết bị tạm nhập - tái xuất; hàng quá cảnh chuyển khẩu; hàng hóa DN trong nước sản xuất, gia công phục vụ xuất khẩu; hàng hóa thuộc lĩnh vực an ninh quốc phòng, bí mật quốc gia, an toàn bức xạ hạt nhân. Bên cạnh đó, thông tư mới cũng bổ sung thêm quy định về dán nhãn năng lượng điện tử. Theo đó, DN có quyền lựa chọn nhãn năng lượng điện tử đối với các phương tiện, thiết bị phù hợp cho việc sử dụng nhãn năng lượng điện tử hoặc sử dụng nhãn năng lượng giấy thông thường. DN đăng ký dán nhãn năng lượng được lựa chọn các hình thức: gửi hồ sơ online, dịch vụ công được xử lý hoàn toàn trên mạng, hoặc gửi hồ sơ về Bộ Công thương qua đường bưu điện.

Chương trình Dán nhãn năng lượng dưới hình thức tự nguyện được Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương thực hiện từ năm 2006 đến năm 2011. Với hình thức tự nguyện nên giai đoạn này có chưa đến 10 DN đăng ký tham gia. Từ đầu năm 2012, chương trình bắt đầu áp dụng chế độ bắt buộc nên số lượng DN đăng ký đã tăng lên nhanh chóng. Cụ thể, trong năm 2012 có 665 mã sản phẩm được cấp giấy chứng nhận và dán nhãn; năm 2013 tăng lên 1.532 sản phẩm; năm 2014 tăng lên 2.655 sản phẩm. Trong đó, 7 mặt hàng nhập khẩu được cấp chứng nhận và dán tem nhiều nhất là máy điều hòa không khí, tủ lạnh, tivi, máy giặt, quạt điện, nồi cơm điện và đèn chiếu sáng.

HÀ PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục