Đối diện nguy cơ lạm phát tăng ở năm 2017

- PV:
Đối diện nguy cơ lạm phát tăng ở năm 2017

Đưa ra dự báo tăng trưởng cả năm 2017 đạt khoảng 6,4%, trong khi lạm phát cùng kỳ khoảng 5,9%, nghĩa là tăng trưởng thấp hơn và lạm phát cao hơn so với chỉ tiêu đã được Quốc hội phê duyệt, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) lý giải thêm với phóng viên Báo SGGP về khuyến nghị “tránh tâm lý nôn nóng đạt mục tiêu tăng trưởng cao, dẫn tới buông lỏng ổn định vĩ mô”.

TS Nguyễn Đức Thành

- PV: Sau diễn biến khá kịch tính năm 2016 và một số năm trước đó, việc một số nhà nghiên cứu đưa ra cảnh báo về khả năng biến động mạnh của lạm phát 2017 là có cơ sở không, thưa ông?

>> TS NGUYỄN ĐỨC THÀNH: Nhìn lại diễn biến quý 4-2016, có thể thấy lạm phát tăng mạnh sau các đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giá xăng dầu. Theo đó, lạm phát toàn phần cuối năm tăng 4,74% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lạm phát lõi vẫn duy trì trong khoảng 1,7% - 1,9% trong suốt quý 4 và cả năm 2016; khoảng cách giữa lạm phát và lạm phát lõi ngày càng được nới rộng. Đây là biểu hiện cho thấy chính sách tiền tệ vẫn đang theo sát mục tiêu ổn định lạm phát và thận trọng với mục tiêu này; nhưng đồng thời cũng cho thấy sự gia tăng trong chỉ số giá của các nhóm hàng lương thực - thực phẩm, năng lượng và các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý. Chỉ riêng đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế tại 15 tỉnh thành trong tháng 10 đã khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,83%.

Trước lo ngại giá cả có thể tăng trong những tháng cuối năm, liên bộ Y tế - Tài chính đã quyết định hoãn hai đợt tăng giá dịch vụ y tế tại những địa phương còn lại trong hai tháng cuối năm. Tính tới cuối năm 2016, chỉ số giá nhóm hàng dịch vụ y tế đã tăng 77,57% so với cuối năm 2015, đóng góp tới 2,7 điểm phần trăm trong mức tăng CPI. Trong khi đó, giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm đã tăng nhẹ theo xu hướng tăng giá thế giới và nhu cầu tăng lên trong những tháng cuối năm…

Trong bối cảnh việc điều chỉnh giá các dịch vụ công là không thể tránh khỏi trong năm 2017; cộng với việc giá năng lượng được dự báo sẽ tăng trở lại sau khi các nước xuất khẩu dầu lớn, cả trong và ngoài khối OPEC, đều đã đạt được những đồng thuận về cắt giảm sản lượng, thì nguy cơ lạm phát vượt mức 5% là hoàn toàn có thể, thậm chí có thể lên tới 5,9%.

- Bên cạnh nguy cơ lạm phát tăng, những rủi ro khác cần được nhận diện và chuẩn bị đối phó là gì, thưa ông?

Chi thường xuyên tăng, ngân sách tiếp tục thâm hụt cao. Theo số liệu ước tính của Bộ Tài chính, bội chi ngân sách dù giảm so với năm 2015, nhưng vẫn còn vượt xa mức kế hoạch đưa ra hồi đầu năm. Cụ thể, bội chi ngân sách năm 2016 ước tính ở mức 5,64% GDP, tương đương 254 ngàn tỷ đồng. Thu ngân sách ước đạt 1.039 ngàn tỷ đồng và bằng 102,4% so với dự toán. Trong khi đó, chi ngân sách lên tới 1.293 ngàn tỷ đồng, tương đương 106,3% dự toán. Việc sụt giảm nguồn thu do ảnh hưởng của giá dầu thô đã khiến cơ cấu thu ngân sách của Việt Nam có sự thay đổi đáng kể. Để bù đắp hụt thu, Chính phủ buộc phải tăng mạnh các nguồn thu khác như thu thuế bảo vệ môi trường (4,1%) và thu tiền sử dụng đất (8,3%).

Trong cơ cấu chi ngân sách, tỷ trọng chi dành cho đầu tư phát triển đang có xu hướng giảm, từ mức trung bình 29% chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 xuống còn 25,6% giai đoạn 2011- 2015 và 20,1% ước tính năm 2016. Đáng lưu ý là chi thường xuyên luôn duy trì ở mức trên 70% chi ngân sách nhà nước kể từ 2011 cho tới nay. Điều này dẫn tới tình trạng thu ngân sách chỉ đủ cho các khoản chi thường xuyên, có nghĩa là buộc phải sử dụng các nguồn vốn vay để chi cho đầu tư phát triển, dẫn tới tình trạng nợ công gia tăng nhanh. Ngoài ra, tình hình kinh tế thế giới đầy bất trắc cũng sẽ gây ra những ảnh hưởng không nhỏ tới Việt Nam.

- Ông có thể nói rõ thêm về những bất trắc này?

Thứ nhất, FED tăng lãi suất cơ bản đồng thời gợi mở khả năng sẽ có 3 đợt tăng lãi suất trong năm 2017. Tất nhiên, động thái này không chỉ ảnh hưởng tới nền kinh tế Mỹ mà còn ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu, mà một trong những thay đổi rõ rệt nhất là sự lên giá của đồng USD. Trong khi đó, đồng Việt Nam hiện vẫn đang được neo giữ với USD sẽ có xu hướng tăng giá thực so với các đồng tiền còn lại, gây ra những tác động tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu và làm trầm trọng hơn tình trạng thâm hụt cán cân thương mại trong năm tới.

Thứ hai, Việt Nam có thể phải tăng lãi suất tiền gửi để giúp giữ giá trị đồng Việt và giữ tiền trong hệ thống ngân hàng, khi đồng USD tăng giá. Điều này có thể khiến mặt bằng lãi suất tăng, dẫn tới phản ứng dây chuyền trên thị trường bất động sản và do đó chi phí sản xuất của các doanh nghiệp cũng sẽ tăng lên theo. Mặc dù điều này chưa xảy ra rõ ràng, nhưng Chính phủ và NHNN cũng cần lưu ý.

Cùng với đó, việc các nước xuất khẩu dầu đạt được đồng thuận về việc cắt giảm sản lượng khai thác kể từ tháng 1-2017 có thể đẩy giá dầu tăng trở lại. Điều này có lợi cho cán cân ngân sách, nhưng việc giá dầu thô và các mặt hàng năng lượng tăng trở lại cũng có thể tạo ra sức ép lên lạm phát trong nước. Và, cũng không thể bỏ qua ảnh hưởng nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức phản đối ký kết TPP, có thể khiến làn sóng FDI vào Việt Nam suy giảm. Việt Nam buộc phải cải cách tốt hơn điều kiện kinh doanh và năng lực sản xuất trong nước, nâng cao sức cạnh tranh thì mới duy trì được động lực tăng trưởng.

- Xin cảm ơn ông!

ANH THƯ (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục