Nhiều bất cập trong đầu tư, khai thác đường BOT

Đó là một nhận định được nêu tại báo cáo của Kiểm toán Nhà nước với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 21-2 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

(SGGPO).- Đó là một nhận định được nêu tại báo cáo của Kiểm toán Nhà nước với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 21-2 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

Theo báo cáo này, kết quả kiểm toán 27 dự án từ 2011–2016 cho thấy, tại nhiều dự án, khoảng cách giữa các trạm thu phí không đảm bảo tối thiểu 70km, dân không đi trên đường được đầu tư bằng hình thức BOT nhưng vẫn phải trả phí cho nhà đầu tư...

Trong số các nguyên nhân được chỉ ra, đáng lưu ý là các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa đầy đủ, còn có những khoảng trống dễ gây thất thoát lãng phí. Hệ thống văn bản pháp luật còn thiếu đồng bộ từ khâu phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, lập kế hoạch đầu tư, xác định danh mục dự án đầu tư, triển khai thực hiện, khai thác, theo dõi, đánh giá, thanh tra, kiểm tra quá trình thực hiện dự án chưa được phân định và làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành…  Các văn bản quy phạm đã ban hành chưa có chỉ tiêu, tiêu chí rõ ràng về việc lựa chọn những dự án "nâng cấp, cải tạo" hay đầu tư tuyến mới để thực hiện theo hình thức BOT hay đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước. Tại nhiều dự án "nâng cấp, cải tạo" tuyến cũ, đối tượng tham gia giao thông không còn cơ hội sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông miễn phí mà bắt buộc phải trả phí cho nhà đầu tư.

Đặc biệt, việc xây dựng các trạm thu phí có nhiều bất hợp lý. Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính thì trạm thu phí phải phù hợp với quy hoạch đường gắn với dự án do cơ quan có thẩm quyền quyết định và khoảng cách giữa các trạm đảm bảo tối thiểu 70 km. Tuy nhiên, vẫn có hai tình trạng: một là trạm thu phí cho dự án nhưng lại đặt trên tuyến đường khác và không gắn với dự án, dẫn đến tình trạng người dân không đi trên đường được đầu tư bằng hình thức hợp đồng BOT nhưng vẫn phải trả phí cho nhà đầu tư. Hai là khoảng cách giữa các trạm thu phí không đảm bảo tối thiểu 70km, dù được sự chấp thuận của địa phương. Quy định “nếu không đảm bảo khoảng cách chỉ cần sự thoả thuận giữa Bộ Giao thông  Vận tải, Bộ Tài chính và địa phương” đã tạo điều kiện cho mật độ trạm thu phí càng dày đặc thêm, quốc lộ bị chia cắt thành nhiều khúc, xen kẽ đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước và đầu tư theo hình thức BOT, gây bức xúc cho người dân.

Về mức phí, hiện nay ngoài các dự án đường cao tốc thu phí tính theo số km đi trên dự án, các dự án còn lại mức thu phí theo quy định tại Thông tư 159/2013 của Bộ Tài chính.

Theo đó, mỗi phương tiện khi qua trạm thu phí không kể chiều dài đi được bao nhiêu đều có mức thu phí như nhau; gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp tại địa phương nơi đặt trạm thu phí (hàng ngày phải di chuyển qua trạm thu phí), đi với quãng đường rất ngắn nhưng lại phải trả phí rất cao.

Bên cạnh đó, trong vận hành, khai thác chưa có sự kiểm tra, kiểm soát quá trình thu phí để xác định lưu lượng phương tiện giao thông thực tế qua trạm thu phí, trong khi đây là tiêu chí quan trọng nhất để tính thời gian thu phí hoàn vốn đối với các dự án được đầu tư theo hình thức BOT.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục