30% không muốn hoàn thuế vì thủ tục quá phức tạp

Sáng nay 7-3, Tổng cục Thuế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp công bố: “Báo cáo đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế - Mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2016”. Khảo sát được xây dựng trên ý kiến của khoảng 3.500 doanh nghiệp.

(SGGPO). – Sáng nay 7-3, Tổng cục Thuế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp công bố: “Báo cáo đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế - Mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2016”. Khảo sát được xây dựng trên ý kiến của khoảng 3.500 doanh nghiệp.

30% không muốn hoàn thuế vì thủ tục quá phức tạp ảnh 1

Quang cảnh tại buổi lễ công bố

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI), theo đánh giá của doanh nghiệp tham gia khảo sát, tỷ lệ hài lòng của doanh nghiệp qua việc tiếp cận thông tin quy định về thuế và thủ tục hành chính thuế khá cao. Ví dụ như truy cập trang thông tin điện tử cơ quan thuế là 93%, tham dự đối thoại do cơ quan thuế tổ chức là 92%... Chất lượng thông tin năm 2016 so với năm 2014 cũng có sự cải thiện rõ rệt. Chẳng hạn như thông tin về thủ tục hành chính thuế sẵn có, dễ tìm tỷ lệ năm 2016 là 87% so với 79% năm 2014; các thông tin về thủ tục hành chính thuế đơn giản, dễ hiểu tương ứng 70% và 58%... Tuy nhiên, dù việc cận các lĩnh vực thuế đã có cải thiện song vẫn còn có những hạn chế. Theo ý kiến của doanh nghiệp, hạn chế này thể hiện qua việc chính sách thuế thay đổi quá nhiều lần trong một năm. Doanh nghiệp chưa kịp thông suốt thông tư, nghị định này đã có thông tư, nghị định khác xuất hiện. Bên cạnh đó là có quá nhiều công văn hướng dẫn đi kèm, khiến nhiều doanh nghiệp không biết. Vì có quá nhiều văn bản mới nên sai sót là điều khó tránh.

Cũng theo phản ánh của doanh nghiệp, có nhiều lúc cơ quan thuế không trả lời thắc mắc qua điện thoại mà yêu cầu doanh nghiệp trực tiếp đến cơ quan thuế mặc dù đó chỉ là thắc mắc nhỏ. Ngoài ra, hiểu biết của doanh nghiệp chưa thật đầy đủ về luật thuế và những quy định về thủ tục hành chính thuế dẫn đến những vi phạm không cố ý đáng tiếc xảy ra.

Theo khảo sát, tỷ lệ doanh nghiệp gặp phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính thuế đã giảm so với năm 2014. Cụ thể, tỷ lệ này ở doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm từ 57% năm 2014 xuống còn 53% năm 2016; tỷ lệ ở doanh nghiệp dân doanh giảm từ 49% xuống còn 41%... Tỷ lệ doanh nghiệp có gặp phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính thuế với doanh nghiệp có quy mô doanh thu dưới 1 tỷ đồng là 22%, 1-10 tỷ đồng là 35%... Với câu hỏi: Doanh nghiệp đang gặp phiền hà gì? Tỷ lệ doanh nghiệp dành cho mục khai thuế, khai quyết toán thuế với 31%; hoàn thuế là 26%; đăng ký, thay đổi thông tin đăng ký thuế 15%; miễn, giảm thuế 10%...

Một trong những vấn đề được doanh nghiệp quan tâm là vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng. Theo khảo sát, có đến 30% doanh nghiệp trong diện được hoàn thuế giá trị gia tăng không thực hiện thủ tục hoàn thuế vì thủ tục quá phức tạp; 20% cho rằng yêu cầu khó đáp ứng… Theo ý kiến của các doanh nghiệp, thời gian hoàn thuế thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau quá dài (40 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hoàn thuế thì cơ quan thuế mới ban hành quyết định hoàn thuế); thủ tục hoàn thuế của doanh nghiệp mất thời gian rất lâu nên khi doanh nghiệp có hàng hóa kinh doanh không dám làm vì thời gian đọng vốn quá lâu gây khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp nên nhiều doanh nghiệp đã vì thuế mà tạm ngừng hoạt động rồi bỏ trốn. Theo kiến nghị của các doanh nghiệp, cần phải quy định cụ thể thời gian nhận hồ sơ, thời gian trả lời hồ sơ và cần chấn chỉnh lại bộ phận nhận hồ sơ hoàn, cán bộ kiểm tra.

Đánh giá cao những nỗ lực của ngành tài chính trong việc giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính thuế còn 117 giờ; thông tin pháp luật, thủ tục hành chính thuế đã dễ tiếp cận hơn; tính công khai, minh bạch và tính giải trình cao… ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đề nghị ngành thuế vẫn cần nỗ lực hơn nữa chất lượng xây dựng pháp luật thuế, công tác tuyên truyền: Tỷ lệ 55% doanh nghiệp gặp vướng mắc trong tiếp cận thông tin là còn cao; tập trung vào cải cách những lĩnh vực có nguy cơ phải trả chi phí không chính thức cao như kê khai, quyết toán thuế, hoàn thuế…

NGỌC QUANG

Tin cùng chuyên mục