Nhiều rào cản cơ chế chính sách cần tháo gỡ

Khả năng tiếp cận vốn đang rất khó khăn

>>TPHCM lắng nghe ý kiến đóng góp của hơn 400 doanh nghiệp

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, trong năm 2015, thành phố sẽ dồn lực để phát triển mới 50.000 doanh nghiệp, tạo cơ sở đạt mục tiêu 500 ngàn doanh nghiệp vào năm 2020.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp để làm được điều này thành phố cần phải đột phá trong việc cải cách thủ tục hành chính và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Nhiều rào cản cơ chế chính sách cần tháo gỡ ảnh 1

Cán bộ Phòng Đăng ký kinh doanh Sở KH-ĐT TPHCM tiếp nhận hồ sơ của cá nhân và doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Khả năng tiếp cận vốn đang rất khó khăn

Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần nhựa Bình Minh chia sẽ, hầu hết doanh nghiệp Việt là doanh ngiệp vừa và nhỏ. Nếu so với nội lực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì rất khó cạnh tranh. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực ngành nhựa, doanh nghiệp đang chịu áp lực bị thâu tóm.  Trong khi đó, khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp nội đang rất khó khăn. Số vốn trong trường hợp có được nhận hỗ trợ cũng không đáp ứng được nhu cầu đầu tư. Do vậy, thành phố cần có chiến lược đầu tư vốn cho doanh  nghiệp nội rõ hơn, phải dồn sức tạo nên những doanh nghiệp lớn có đủ sức dẫn dắt trên thị trường, tạo cơ sở để tạo hệ thống chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, cần xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn quốc gia dành cho sản phẩm nhựa nói riêng và các sản phẩm khác trên thị trường nói chung. Đây là yếu tố căn bản nhất để đánh giá và định lượng chất lượng sản phẩm. Thế nhưng, trong một số nhóm ngành hàng, trong đó có ngành nhựa chưa có bộ tiêu chuẩn này nên mỗi khu vực đánh giá theo một kiểu khác nhau, gây khó cho doanh nghiệp.

Cùng chia sẻ về quan điểm phát triển doanh nghiệp, ông Diệp Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM cho biết, trong thời gian gần đây, chuỗi hệ thống siêu thị ngoại đổ mạnh vào Việt Nam. Nhiều chuỗi hệ thống siêu thị Việt cũng đã chuyển sở hữu sang nhà đầu tư ngoại. Điều này gây khó cho doanh nghiệp nội trong việc giữ và phát triển thị trường. Bởi nghiên cứu của đơn vị cho thấy, khi siêu thị ngoại vào Việt Nam thì họ dẫn theo binh đoàn hệ thống doanh nghiệp sản xuất và cung ứng. Hàng hóa của họ thâm nhập rất nhanh và chiếm lĩnh thị trường nội địa. Sở dĩ, họ làm được điều đó vì họ có những chính sách đồng hành và chia sẻ. Họ chia sẻ tầm nhìn dài hạn, chia sẻ chi phí thâm nhập thị trường, maketting và chiếm lĩnh thị phần. Do vậy, để doanh nghiệp nội trụ vững tại thị trường, cần thiết chính phủ phải nhanh chóng xây dựng hệ thống tiêu chí để  chuẩn hoá chất lượng sản phẩm – yếu tố quan trọng nhất để bước vào chuỗi giá trị, chuẩn hoá quy trình sản xuất và chuẩn hoá quản trị. Bà Lê Thanh Tâm, Tổng giám đốc Saigon Food nhấn mạnh thêm, nhà nước phải tạo điều kiện để hệ thống siêu thị nội phát triển mạng lưới. Về phía doanh nghiệp sản xuất cần phải liên kết chặt chẽ hơn để tạo trọng lượng trong quá trình đàm phán siêu thị ngoại để giảm mức chiết khấu trong siêu thị. Đồng thời, cũng tạo điều kiện ổn định hơn cho hệ thớng siêu thị nội phát triển.

Riêng với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, hiện tăng trưởng công nghiệp hỗ trợ của thành phố vẫn thấp so với các tỉnh khác trên cả nước. Các doanh nghiệp sản xuất quy mô nhỏ, siêu nhỏ nằm ngoài KCN nên không có cơ sở hình thành chuỗi liên kết, không kết nối nhà sản xuất đầu cuối, không xây dựng thị trường, không đủ tiêu chuẩn làm hồ sơ vay vốn kích cầu... Do đó, thành phố cần có chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình tiểu khu công nghiệp quy mô 3-5 ha được thiết kế đặc thù phù hợp với các doanh nghiệp cùng ngành nghề, diện tích dành cho xây dựng nhà xưởng khoảng 750-1.000 ha. Mỗi khu như vậy có thể thu hút 20-30 doanh nghiệp đến đầu tư. Các doanh nghiệp được hưởng đầy đủ các ưu đãi khi đầu tư vào khu công nghiệp. Cùng với đó, doanh nghiệp được hưởng chính sách vay kích cầu của thành phố, được hỗ trợ tiền thuê đất khoảng 10 USD/m2…

Gỡ rào chắn cho doanh nghiệp

Liên quan đến những băn khoăn của doanh nghiệp, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TPHCM cho biết, hiện thành phố có 245 ngàn hộ cá thể đang kinh doanh nhưng chỉ đóng 2% ngân sách thành phố. Đánh giá lại hoạt động của các hộ kinh doanh trên, có đến 14.000 hộ cá thể có thể chuyển đổi lên doanh nghiệp. Do đó, thành phố đã chỉ đạo cho các quận huyện liên quan tích cực xây dựng chính sách và giải pháp hỗ trợ vốn, quy mô mở rộng phát triển đầu tư cho các hộ. Riêng vấn đề thủ tục hành chính thì để cải cách triệt để, thành phố đang triển khai công nghệ thông minh. Chương trình này đang thu hút sự đóng góp của nhiều thành phần xã hội. Dự kiến cuối năm sẽ giải quyết cơ bản được yêu cầu của doanh nghiệp.

Về tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, thành phố đã thực hiện buổi kết nối doanh nghiệp với ngân hàng. Thông qua chương trình này, nhiều doanh nghiệp đã được hỗ trợ vốn vay. Tính cho đến nay, tổng vốn vay giải ngân từ chương trình này đã đạt 297 ngàn tỷ và 10 triệu USD. Lãi suất vay cũng rất ưu đãi với 8.5%/năm. Từ nay đến tháng 5, thành phố sẽ tiếp tục tổ chức 2 đợt kết nối ngân hàng với doanh nghiệp để tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Trường hợp những doanh nghiệp có nhu cầu cải tiến công nghệ có thể liên hệ trực tiếp phó chủ tịch UBND TP để được xét duyệt hồ sơ cho vay.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TPHCM cho biết thêm, riêng về việc doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ kiến nghị cần có diện tích đất phù hợp trong khu chế xuất khu công nghiệp thì trong tháng 3, UBND TP sẽ chỉ đạo các quận huyện liên quan, chủ đầu tư hạ tầng khu chế xuất, khu công nghiệp thực hiện quy hoạch lại diện tích đất sử dụng trong các khu, trong đó có phần diện tích riêng phù hợp cho loại hình hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, cũng phải nhấn mạnh rằng, thành phố kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Thành phố cam kết luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Ái Vân

Tin cùng chuyên mục