Bài 1: Đánh thức “nàng công chúa ngủ trong rừng”

Năm 2016 du lịch Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc khi lần đầu tiên đạt mốc đón 10 triệu khách du lịch quốc tế, đặc biệt các khu vực thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam tại Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Âu và Bắc Mỹ đều tăng mạnh. Tốc độ tăng trưởng này tiếp tục được duy trì trong những tháng đầu năm 2017 đã tạo ra không khí phấn chấn đối với toàn ngành. Tuy nhiên, theo phân tích của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này, muốn du lịch phát triển bền vững, thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn thì cần có sự nỗ lực chung sức của nhiều đơn vị liên quan…

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Năm 2016 du lịch Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc khi lần đầu tiên đạt mốc đón 10 triệu khách du lịch quốc tế, đặc biệt các khu vực thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam tại Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Âu và Bắc Mỹ đều tăng mạnh. Tốc độ tăng trưởng này tiếp tục được duy trì trong những tháng đầu năm 2017 đã tạo ra không khí phấn chấn đối với toàn ngành. Tuy nhiên, theo phân tích của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này, muốn du lịch phát triển bền vững, thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn thì cần có sự nỗ lực chung sức của nhiều đơn vị liên quan…

Nước ta sở hữu bờ biển hơn 3.000km trải dài khắp Bắc - Trung - Nam, hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ cùng những bãi tắm cát trắng, nước xanh, song theo các chuyên gia du lịch, thế mạnh này cũng như nhiều di sản khác mới chỉ ở dạng tiềm năng, giống như một viên ngọc thô đang chờ cơ hội được mài dũa để tỏa sáng.

Du khách đang xem một hầm chông được ngụy trang tại địa đạo Củ Chi, TPHCM. Ảnh: Cao Thăng

Vẫn loanh quanh với sản phẩm đặc thù

Việt Nam có hệ thống tài nguyên du lịch phong phú và khá hấp dẫn. Với diện tích phần đất liền của Việt Nam trên 330.000km² trải dọc nhiều vĩ tuyến Bắc - Nam với 3/4 đồi núi, địa hình, khí hậu đa dạng tạo nên diện mạo hệ sinh thái vô cùng đa dạng và phong phú thể hiện qua những danh lam thắng cảnh như Hạ Long, Sapa, Phong Nha - Kẻ Bàng, Vân Phong, Côn Đảo, Sơn Đoòng... là những kỳ quan của thời đại có sức hút du lịch mạnh mẽ. Có thể nói, Việt Nam được xếp vào danh mục các quốc gia có sự đa dạng sinh học cao, giàu tài nguyên thiên nhiên là điều kiện tốt để phát triển du lịch. PGS-TS Nguyễn Trung Lương, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, nhận định, với hàng ngàn năm lịch sử và bề dày truyền thống văn hóa của 54 dân tộc sinh sống trải dài từ Bắc chí Nam, nền văn hóa lúa nước với bản sắc đậm đà thể hiện qua lối sống, tôn giáo, văn hóa dân gian, lễ hội, ẩm thực Việt Nam và đặc biệt là các di sản văn hóa như cố đô Huế, Hội An, Hoàng Thành Thăng Long, cồng chiêng Tây Nguyên, tháp Mỹ Sơn... là những điểm sáng, điều kiện rất thuận lợi về tài nguyên du lịch nhân văn. Những kỳ tích lịch sử qua các thời kỳ để lại những dấu ấn hiển hách gắn liền với những danh nhân của lịch sử như Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Quang Trung... là những thiên anh hùng ca có sức hấp dẫn cuốn hút du khách tìm hiểu và thưởng ngoạn. Song người làm du lịch vẫn thực sự lúng túng chưa tìm được sản phẩm đặc thù cho mỗi vùng miền.

Ngoài Nha Trang - sản phẩm du lịch biển đảo; Huế - thành phố của lăng tẩm và festival; Đà Nẵng với lễ hội pháo hoa… thì phần lớn các tỉnh, thành trong cả nước vẫn còn vô cùng lúng túng khi tìm các sản phẩm du lịch đặc thù. Ngay đối với Hà Nội, thủ đô ngàn năm văn hiến, có 3 di sản văn hóa, tư liệu được UNESCO công nhận và cũng như bao thủ đô khác, nơi đây luôn là một trong những điểm đến được ưu tiên lựa chọn nhất khi du khách đi khám phá Việt Nam, nhưng những người làm du lịch cũng luôn than vãn các sản phẩm du lịch ở đây vẫn thiếu hấp dẫn, không mang tính cạnh tranh. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng đã có lần ngậm ngùi thừa nhận rằng dù lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống mà hiếm có thủ đô nào trên thế giới có được, là trung tâm phân phối khách du lịch của toàn miền Bắc, song Hà Nội vẫn thiếu những khu, điểm du lịch tầm cỡ đủ để tạo ấn tượng cho du khách quốc tế. Hành trình ngày dạo quanh phố cổ rồi “cơm tối - rối nước”… không thể níu chân được du khách dài ngày. Thực tế, nhiều địa phương cũng ý thức việc xây dựng thương hiệu du lịch, tìm sản phẩm đặc thù, bằng chứng là việc xuất hiện hàng loạt các lễ hội hoa ban, hoa tam giác mạch, lễ hội cà phê, lễ mở cửa biển… Song câu chuyện thương hiệu không chỉ là tên gọi mà cần phải có những tour, tuyến, điểm, dịch vụ du lịch thực sự đặc biệt, được xây dựng một cách đồng bộ để du khách không chỉ tìm đến mà họ còn muốn quay trở lại nhiều lần thì lại chưa làm được.

Chia sẻ những khó khăn này, PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng: “Sản phẩm du lịch còn được kết hợp bởi nhiều sản phẩm của các ngành khác, nói cách khác là sản phẩm của các ngành hỗ trợ. Cần phải phát triển ngành du lịch đáp ứng và thỏa mãn được nhu cầu của du khách thì mới có thể phát triển một cách bền vững được”. Về lý thuyết là vậy song để có sản phẩm du lịch đặc thù mang tính cạnh tranh nổi bật đó là bài toán không chỉ của ngành du lịch mà cần sự chung tay của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, ý chí của lãnh đạo địa phương…

Xúc tiến du lịch thiếu và yếu

Được xếp là một trong những mắt xích quan trọng trong phát triển du lịch, thế nhưng, nhiều năm qua công tác xúc tiến, quảng bá vẫn bị xếp vào hạng yếu. Thậm chí ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, thẳng thắn cho biết ông đang có cảm giác công tác quảng bá của ngành du lịch Việt Nam càng ngày càng lùi xa. Ngay trong khu vực, chúng ta thua cả Campuchia và coi như gần “đội sổ”, chắc có khi chỉ xếp ngang ngửa hoặc hơn Lào, Myanmar.

Điểm qua những chiến dịch quảng bá của ngành du lịch Việt Nam, người ta có thể nhận thấy, cách làm của chúng ta vẫn còn nghiệp dư theo kiểu làm cho xong, thiếu đồng bộ. Những tấm panô, áp phích như những băng rôn khẩu hiệu không mang lại nhiều hiệu quả như mong muốn. Ngay việc du lịch Việt Nam thay đổi logo và slogan từ “Việt Nam - Vẻ đẹp tiềm ẩn” sang “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận”… là đổi mới cần thiết, nhưng cũng chỉ là một phần nhỏ trong nỗ lực phát triển thương hiệu, song đó cũng là biểu hiện của việc chưa thực sự có quy hoạch tốt, tầm nhìn chiến lược trong định hướng, phát triển du lịch. Theo PGS-TS Nguyễn Trung Lương, cách chúng ta quảng bá du lịch còn thiếu chuyên nghiệp, chưa biết dựa vào đặc điểm của thị trường để tiếp thị du lịch. Ví dụ có những thị trường họ thích sản phẩm về mặt văn hóa truyền thống như khách Pháp thì mình phải quảng bá các sản phẩm du lịch thiên về nội dung này; còn những thị trường khách Anh chẳng hạn, họ thích về du lịch khám phá, thám hiểm thì mình phải quảng bá theo kiểu tuyên truyền về đất nước cảnh quan… “Chúng ta ít tiền làm quảng bá, nhưng vấn đề là ở chỗ chúng ta sử dụng đồng tiền đó như thế nào. Chúng ta sử dụng đồng tiền đó đã hết trách nhiệm chưa. Chúng ta có rất nhiều việc phải làm trong số ít tiền đó. Tiền là cần, nhưng cần trước hết là cơ chế” - ông Lương phân tích. Ngành du lịch cũng đã đóng góp khá tích cực cho nền kinh tế, tạo công ăn việc làm… vì thế cần có cơ chế để có kinh phí phục vụ xúc tiến quảng bá. Không chỉ thiếu tiền mà hoạt động xúc tiến du lịch lâu nay vẫn bị coi là cực kỳ bị động và nhiều cơ hội vàng cho quảng bá du lịch đã bị bỏ lỡ. Xúc tiến, quảng bá cần có tiền nhưng cũng rất cần những tài năng, những cái đầu linh hoạt, nhạy bén biết tận dụng nắm bắt thời cơ. Mặc dù việc mời được đạo diễn phim King: Skull Island là đại sứ du lịch Việt Nam vừa qua được coi là một điểm cộng, nhưng sau đó chúng ta tận dụng hình ảnh, danh tiếng của vị đại sứ này cho việc gì, tấn công vào thị trường nào… vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục