Đạo kinh doanh của người Việt

Đòi hỏi sự cổ súy của toàn xã hội

...Doanh nhân Việt chúng ta tự hào đã có được những chuẩn mực đạo kinh doanh từ hàng trăm năm trước. Nhiệm vụ của chúng ta hiện nay là cùng nhau vun đắp, phát triển để theo kịp với trào lưu mới mà vẫn bảo tồn giá trị cốt lõi và phù hợp với những giá trị đạo đức của chế độ xã hội chủ nghĩa chúng ta.

Mục tiêu đầu tiên người kinh doanh nào cũng phải nhắm tới là lợi nhuận và hiệu quả để tồn tại và phát triển. Phương Tây đã xác định: Business is Business (kinh doanh là kinh doanh). Đó chỉ là sự nhấn mạnh mục tiêu và phương pháp kinh doanh chứ không phủ nhận đạo kinh doanh. Người Việt chúng ta chú trọng yếu tố “đạo lý” trong phạm trù “đạo kinh doanh” nhiều hơn người phương Tây nhưng cũng không thể quên mục tiêu lợi nhuận trong kinh doanh.

Vận dụng đạo kinh doanh cũng nhằm tạo lợi nhuận một cách đúng đắn, phù hợp những quy phạm đạo đức xã hội, giữ được tính nhân văn. Kinh doanh không dừng lại ở việc kiếm thật nhiều tiền mà phải đi xa hơn, đóng góp vào sự phát triển cộng đồng. Doanh nhân Việt Nam với tài năng của mình, có bổn phận gánh vác nghĩa vụ cộng đồng thay cho những người làm những ngành nghề khác hoặc những người kém năng lực hơn.

Khi xác nhận được lý tưởng kinh doanh nhắm tới mục tiêu cao đẹp như vậy, doanh nhân sẵn sàng chịu mất mát, hy sinh lợi ích riêng vì cộng đồng xã hội và Tổ quốc, cũng như dốc hết sức mình để kinh doanh thắng lợi. “Buôn có bạn, bán có phường”, yếu tố đoàn kết, cùng phát triển cần được coi trọng. Điều này không mâu thuẫn với việc sáng tạo phương pháp kinh doanh, bí quyết nghề nghiệp - những tài sản, năng lực riêng của mỗi doanh nhân.

Trí tuệ, của cải, sức lực của nhiều cá nhân hợp lại một cách tự nguyện, có phương pháp và khoa học sẽ trở thành một tập hợp lớn theo cấp số nhân và phát huy tác dụng hơn nhiều so với những nỗ lực đơn lẻ. Khi chúng ta xem sự chia sẻ, trao đổi các tài sản kinh doanh với cộng đồng doanh nghiệp như là một niềm vui, một nghĩa vụ thì khi ấy, chúng ta đã hành xử được một phần đạo kinh doanh.

Trong đạo kinh doanh, chữ tín luôn luôn là yếu tố cơ bản. Các bản hợp đồng kinh tế với những ràng buộc nghĩa vụ và quyền lợi rõ ràng là cần thiết nhưng nó vẫn không thể thay thế được những cam kết bằng uy tín giữa các đối tác kinh doanh. Hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vàng gần 20 năm, tôi càng thấy rõ hơn yếu tố chữ tín ở đây.Với những hợp đồng nhiều tỷ đồng, chỉ thỏa thuận qua điện thoại nhưng gần như 100% thực hiện đầy đủ dù giá vàng thay đổi, thị trường có biến động.

Kinh doanh đòi hỏi sự nhanh nhạy song sự thiếu trung thực trong giao dịch, trong giới thiệu sản phẩm dần dà sẽ giết chết kinh doanh. Sự trung thực của doanh nhân sẽ giúp cho xã hội có hàng hóa chất lượng. Đạo kinh doanh còn đòi hỏi kinh doanh phải đúng pháp luật, phù hợp các nguyên tắc thành văn và bất thành văn được nhà nước và xã hội quy định. Việc đóng thuế đầy đủ cũng là đạo kinh doanh. Với truyền thống “Lá lành đùm lá rách”, công tác xã hội, từ thiện là một phần quan trọng trong đạo kinh doanh.

Bên cạnh trách nhiệm của nhà nước, đạo kinh doanh đòi hỏi doanh nhân góp tay hàn gắn những vết thương và coi đó như là một phần thực hiện công bằng xã hội. Sự thanh thản tâm hồn lớn hơn nhiều số tiền mà doanh nhân đã đưa ra giúp đỡ. Đó là hạnh phúc chân chính và đúng đạo kinh doanh. Đạo làm người yêu cầu chúng ta phải biết ơn bất cứ ai đã làm điều tốt cho mình, dù là điều nhỏ nhặt nhất, thì đạo kinh doanh cũng đòi hỏi doanh nhân sự đền đáp bên cạnh việc trả lương sòng phẳng cho các cộng sự, những người làm công. Hãy coi những người giúp mình tạo nên sự nghiệp là những cộng sự đúng nghĩa với đầy đủ quyền lợi và phẩm giá. Sự nghiệp như vậy mới bền lâu.

Vấn đề đặt ra hiện nay là phải tiếp tục phổ biến “đạo kinh doanh”, hình thành nên một văn hóa kinh doanh nhuần nhuyễn trong nhiều tầng lớp doanh nhân, đặc biệt là những doanh nhân trẻ. Muốn vậy, đòi hỏi sự cổ súy giá trị chung của xã hội. Từ nhà trường, phải giáo dục một thế hệ thanh niên không coi chủ nghĩa thực dụng là lý tưởng, không thể làm giàu với bất cứ giá nào. Nhà nước phải có những luật lệ mà ở đó không có chỗ cho tham ô, mua quan bán chức, tạo kẽ hở cho những doanh nhân cơ hội, lũng đoạn chính sách.

Các hội đoàn doanh nghiệp, phương tiện thông tin đại chúng tăng cường đề cao khía cạnh đạo kinh doanh ngang bằng với những biểu dương thành quả kinh doanh. Với những nền tảng đã được xây dựng, với truyền thống Á Đông, đạo kinh doanh chắc chắn sẽ có chỗ đứng bền vững trong lòng xã hội Việt Nam. 

NGUYỄN THÀNH LONG
(Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC)

Tin cùng chuyên mục