“Phập phù” thị trường gas trong nước

“Phập phù” thị trường gas trong nước

Theo nhận định của giới kinh doanh gas, tình trạng thiếu hụt nguồn gas trong nước đã được dự báo từ trước. Tuy nhiên, nhiều công ty gas vẫn rơi vào thế bị động, buộc phải tăng giá bán lẻ để điều tiết thị trường.

Giá gas tăng 2.000-3.000 đồng/bình

“Phập phù” thị trường gas trong nước ảnh 1

Xây kho chứa gas công suất lớn - chiến lược Petro VN đang hướng đến.

Các công ty kinh doanh gas cho biết, thông thường, giá bán gas được các công ty công bố vào đầu tháng, và khung giá đó được áp dụng cho cả tháng. Tuy nhiên, mấy ngày qua, không chỉ các công ty nhỏ mà một số “đại gia” như VT-Gas, Petro VN… cũng bất ngờ tăng giá bán lẻ lên từ 2.000-3.000 đồng/bình 12kg, mặc dù không phải đầu tháng. Trong đó, những thương hiệu nhỏ “khốn khổ” hơn cả, bởi họ không có kho chứa gas, nên không thể nhập gas trực tiếp, mà phải chia lại từ những “đại gia” khác. Vì vậy, khi xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn gas như hiện nay, các thương hiệu nhỏ phải chạy khắp nơi để tìm kiếm nguồn hàng. Thậm chí, để giữ thị phần, một số công ty chấp nhận mua từ các thương hiệu khác với giá cao hơn giá gas thế giới từ 30-40USD/tấn, nhưng vẫn không có hàng.

Nguyên nhân dẫn đến nguồn gas trong nước bị thiếu hụt nghiêm trọng trong mấy ngày qua, theo nguồn tin từ các đầu mối nhập khẩu gas là do sản lượng gas nhập từ Thái Lan bị cắt hoàn toàn. Ngoài ra, nhà máy chế biến khí Dinh Cố (Vũng Tàu) vừa thông báo tạm ngưng hoạt động để bảo trì… cũng làm cho nguồn gas trong nước bị khan hiếm. Vì vậy, để điều tiết thị trường, một số công ty gas buộc phải điều chỉnh giá bán. Cũng có ý kiến cho rằng, một số nước trên thế giới đang bước vào mùa đông, nên nhu cầu sử dụng gas theo đó cũng tăng lên. Tuy nhiên, lý giải này xem ra không mấy thuyết phục, bởi kế hoạch nhập khẩu gas của các công ty đã được mặc định trước đó cả tháng. Với thị trường gas đang “nóng” về giá như hiện nay, các công ty kinh doanh gas cho rằng, giá gas trong tháng 10 tới có thể tăng lên 10.000 đồng/bình so với thời điểm hiện nay.

Ổn định thị trường gas bằng cách nào?

Ông Nguyễn Sĩ Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty Petro VN Gas cho biết, hiện nay nguồn gas từ Nhà máy Chế biến khí Dinh Cố mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu trong nước, 70% còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu. Do chính sách an ninh năng lượng, một trong những đầu mối nhập khẩu lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam là Thái Lan đã bị cắt. Vì vậy, các đầu mối nhập khẩu gas trong nước buộc phải chuyển sang mua gas của một số nước khác như Trung Quốc, Singapore, Malaysia…

Tuy nhiên, việc nhập khẩu qua những đầu mối này cũng chỉ mang tính tạm thời. Để giải bài toán này, vừa qua Công ty cổ phần Kho chứa khí Vũng Tàu thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tiến hành khởi công xây dựng kho chứa khí có công suất lên đến 20.000 tấn tại cảng Phú Mỹ (thị xã Bà Rịa, tỉnh Vũng Tàu), với tổng vốn đầu tư 124 tỷ đồng. Theo kế hoạch, đầu năm 2009, giai đoạn 1 của dự án với công suất 10.000 tấn sẽ đưa vào hoạt động.

Trong khi đó, ông Lê Phúc Đại, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng Đại Việt (đơn vị sở hữu thương hiệu Vinagas) cho rằng, thị trường tiềm năng và lâu dài của Việt Nam là nguồn gas từ các nước thuộc khu vực Trung Đông. Vì vậy, Công ty cổ phần Năng lượng Đại Việt cũng đã quyết định đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây kho chứa gas và tàu chở gas... Ngoài ra, một số “đại gia” như Gia Đình Gas, Saigon Petro… cũng đang lên kế hoạch mở rộng kho chứa gas của mình.

Tuy chuyển mình chậm, nhưng đây được xem là bước đi chiến lược đối ngành gas trong nước. Một khi các kho chứa gas có công suất lớn được đưa vào hoạt động, các công ty gas không chỉ chủ động được nguồn gas, mà còn góp phần ổn định giá bán trước những biến động của giá gas thế giới.  

Đào Thụy

Tin cùng chuyên mục