Festival gốm sứ Việt Nam - Bình Dương 2010: "Tinh hoa gốm Việt"

* Đợt huy động cổ vật gốm lớn nhất Việt Nam
Festival gốm sứ Việt Nam - Bình Dương 2010: "Tinh hoa gốm Việt"

* Đợt huy động cổ vật gốm lớn nhất Việt Nam

Nằm trong chuỗi hoạt động nhân dịp diễn ra sự kiện festival gốm sứ Việt Nam – Bình Dương 2010, triễn lãm chủ đề “Tinh hoa gốm Việt” diễn ra từ ngày 4 - 8/09 tại Bảo tàng Bình Dương có thể được xem là triển lãm lớn nhất về gốm Việt cổ từ trước đến nay.

Tinh hoa hội tụ

Bảo tàng Bình Dương vẫn đang gấp rút chuẩn bị để chào đón các bộ sưu tập khắp nơi trên cả nước tập kết về Bình Dương tham dự ngày hội gốm sứ lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam. Cổ vật gốm sứ lấy từ bảo tàng 13 tỉnh và TPHCM.

Triển lãm huy động đa dạng các dòng sản phẩm gốm thuần Việt từ thời Kỳ Đông Sơn, Gò Mun, dần đến thời Đinh Lê Lý Trần đến thời Nguyễn như dòng gốm Quảng Đức, gốm Gò Sành, số ít thời kỳ Tây Sơn, đến Bình Thuận thì có gốm Sa Huỳnh được trục vớt từ tàu biển... Mỗi một địa phương đều có 1 dòng gốm riêng của người Việt như ở Huế có Phước Tích, ở Quảng Nam có gốm Chu Đậu (đi bằng tàu biển và chìm đắm ở hòn Cù Lao Chàm). Điều này chứng minh cho sự giao thương khá tất nập của các làng nghề gốm, khẳng định vai trò của gốm cổ trục vớt từ biển để thông qua đó giới thiệu con đường gốm sứ giao thương của Việt Nam xưa. Nhấn mạnh về chủ đề gốm của triển lãm, ông Nguyễn Văn Quốc, Giám đốc Bảo tàng Bình Dương nói vui: “Triển lãm hoàn toàn là sản phẩm gốm, “đặc sệt” gốm, không có sứ”.

Festival gốm sứ Việt Nam - Bình Dương 2010: "Tinh hoa gốm Việt" ảnh 1

Gốm cổ tham gia festival

Theo tổng kết của Bảo tàng Bình Dương, tổng số cổ vật gốm tham dự festival là 800 hiện vật lớn nhỏ từ nhiều thời kỳ. Ông Quốc nhận định đây là đợt triển lãm gốm Việt cổ lớn nhất từ trước đến nay. Vì e ngại không đảm bảo được yêu cầu không gian triển lãm nên số lượng cổ vật chỉ tạm dừng ở con số đó. Trong khi nguồn cổ vật quý hiếm ở các bảo tàng cả nước còn rất phong phú và hẹn ra mắt ở một dịp khác.

Gốm Việt cổ giữa các vùng miền không có sự khác biệt quá lớn nhưng cái đặc sắc hơn ở chỗ do nghệ nhân chế tác theo dòng gốm, do tay nghề nghệ nhân có sự tinh tế khác nhau, khéo léo, sắc thái khác nhau mà dấu ấn các dòng gốm có sự khác biệt. Sản phẩm gốm cổ các giai đoạn đã có sự Việt hóa về sắc thái, phong cách vẽ phù hợp mang bản sắc riêng. Nếu như những thời kì đầu còn mang ảnh hưởng của nghệ thuật trang trí Trung Quốc thì sau này đã hoàn toàn khác. Về kích cỡ cổ vật như bình, bát, chén, lu, chum vại cũng to nhỏ khác nhau tùy thuộc vào gu thẩm mỹ và nhu cầu riêng của từng vùng.

Vừa qua, đoàn khảo sát cũng đã đến Huế tìm hiểu về nghệ thuật men pháp lam cung đình xưa để giới thiệu nét đặc sắc này vào chương trình. 

Đợt huy động gốm cổ lớn nhất

Hiện có hơn 100 hiện vật gốm trưng bày Bảo tàng Bình Dương chủ yếu là gốm bản địa được khai quật từ các vùng lân cận khu vực Bình Dương. Cổ vật chưa công bố có hơn 10.000 hiện vật và hơn 2.000 hiện vật gốm hiện đại nhưng lần này chỉ đưa ra những sản phẩm được chọn lựa là đặc sắc nhất, đáp ứng tiêu chí “gốm” và “cổ”. 

Trong hành trình kêu gọi các bảo tàng cả nước đóng góp cùng tham gia festival, ông Nguyễn Văn Quốc cho biết: “Công việc diễn ra thuận lợi vì có sự hỗ trợ rất nhiệt tình trong giới bảo tàng đối với sự kiện mang nhiều ý nghĩa truyền thống này. Các anh em đồng nghiệp còn gợi ý tôi nên tập hợp để viết sách chuyên đề về gốm cổ, hay làm phim tư liệu về giá trị của gốm cổ, hành trình tìm kiếm gốm cổ, vai trò của nó đối với lịch sử xã hội”.

Festival gốm sứ Việt Nam - Bình Dương 2010: "Tinh hoa gốm Việt" ảnh 2

Ông Đỗ Khắc Điệp, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Bình Dương, Phó trưởng ban Tổ chức Festival gốm sứ Việt Nam - Bình Dương 2010 tại cuộc họp báo cáo tình hình triển khai festival gốm sứ.

Cổ vật sẽ được trưng bày ở khu vực sân vườn của Bảo tàng Bình Dương (480m2). Chuyên đề gốm sứ thời kỳ Đinh Lê Lý Trần triển lãm tại sảnh chính (20m2). Công tác an ninh bảo vệ cho các cổ vật quý giá đã được lên kế hoạch thuê bảo vệ chuyên nghiệp và cán bộ nhân viên bảo tàng trực 24/24h với 1 ca/5 người, 1 ngày/ 3 ca trực trong suốt 10 ngày. Cổ vật được đặt trong tủ kính dày để vừa đảm bảo tính nghệ thuật, vừa an toàn.

Hồ hởi với niềm vui của gốm cổ tụ hội, nhưng ông Quốc cũng không quên chia sẻ những trăn trở về festival lần đầu tiên: “Do là lần đầu tiên làm festival nên chúng tôi vừa làm vừa rút kinh nghiệm trong khâu tổ chức. Chắc hẳn sẽ còn nhiều thiếu sót nhưng tôi tin chắc rằng về sau, nếu có những festival gốm sứ tiếp nối chúng tôi sẽ cố gắng làm tốt hơn”.

Ngoài 2 đêm khai mạc “Thăng Long gốm Việt” và bế mạc “Đêm của gốm”, Festival gốm sứ Việt Nam – Bình Dương 2010 sẽ bao gồm các hoạt động chính như hội chợ triển lãm “Thế giới sắc màu” với các làng gốm, DN gốm sứ khắp cả nước tham dự; triển lãm ảnh nghệ thuật “Gốm sứ và cuộc sống”; hội thi “Tài hoa Gốm Việt”, đêm ca nhạc thời trang “Vũ điệu gốm sứ”; tôn vinh nghệ nhân và đặc biệt công bố kỷ lục guiness gốm sứ độc đáo của gốm sứ Việt Nam.

Ông Đỗ Khắc Điệp – Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Bình Dương cho biết: “Về công tác lễ tân, hậu cần; Ban chỉ đạo đã thành lập lực lượng tình nguyện viên phục vụ cho Festival. Bên cạnh đó đã liên hệ các khách sạn trên khu vực thị xã Thủ Dầu Một thực hiện cam kết không tăng giá. Tiểu ban cơ sở vật chất đã xây dựng kế hoạch cơ sở vật chất phục vụ cho festival thông qua UBND tỉnh. Triển khai công tác chỉnh trang đô thị trên địa bàn nội ô thị xã Thủ Dầu Một; tổng vệ sinh đường phố, liên hệ địa điểm giữ xe cho khách tham quan. Công tác an ninh và trật tự cho festival sẽ được đảm bảo để du khách được cảm nhận một festival gốm sứ thực sự truyền thống, bản sắc và ấn tượng”.

Cổ vật vốn chứa đựng nhiều dữ liệu quý giá của lịch sử xã hội con người. Nó như chiếc rương bí ẩn cần có chìa khóa nghiên cứu khoa học để giải mã. Triển lãm “Tinh hoa gốm Việt” nói riêng và festival gốm sứ Việt Nam – Bình Dương 2010 âu cũng là một nhịp cầu để tìm về cội nguồn, tưởng nhớ về ông cha đi trước…

Hoàng Nam

Tin cùng chuyên mục