TPHCM: Tín dụng đầu tháng 8 tăng 6%

Theo Cục Thống kê TPHCM, tính đến đầu tháng 8-2015, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố đạt 1.132,1 ngàn tỷ đồng, tăng 6% so với tháng 12-2014 và tăng 14% so với cùng kỳ năm 2014.

(SGGP).- Theo Cục Thống kê TPHCM, tính đến đầu tháng 8-2015, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố đạt 1.132,1 ngàn tỷ đồng, tăng 6% so với tháng 12-2014 và tăng 14% so với cùng kỳ năm 2014.

Trong đó, dư nợ tín dụng bằng VND đạt 970,1 ngàn tỷ đồng chiếm 85,7% tổng dư nợ, tăng 17,5% so tháng cùng kỳ; dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ đạt 162,1 ngàn tỷ đồng, chiếm 14,3% tổng dư nợ, giảm 3,5% so tháng cùng kỳ. Đáng lưu ý, dư nợ trung và dài hạn tiếp tục tăng, chiếm 55,1% (tăng 29% so với tháng cùng kỳ). Còn dư nợ tín dụng ngắn hạn chiếm 44,9% (giảm 0,3%). Trong khi đó, huy động vốn của hệ thống ngân hàng trên địa bàn thành phố tiếp tục thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, tổng vốn huy động đến đầu tháng 8 đạt 1.423,3 ngàn tỷ đồng, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, vốn huy động của các ngân hàng thương mại cổ phần chiếm 55,5% tổng vốn huy động. Trong số này, vốn huy động bằng ngoại tệ chiếm 15,3%, tăng 15,5% so tháng cùng kỳ. Vốn huy động VND chiếm 84,7% tổng vốn huy động, tăng 18,1% so tháng cùng kỳ.

Về kiều hối, thông tin từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết, tính đến hết tháng 7-2015, lượng kiều hối chuyển về TPHCM là 2,42 tỷ USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ 2014. Trong đó, riêng tháng 7, lượng kiều hối được chuyển về TPHCM là 170 triệu USD.

NHUNG NGUYỄN

Đối thoại với doanh nghiệp kiều bào

(SGGP).- Ngày 21-8, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo Cục thuế, Cục Hải quan TP với hơn 70 doanh nghiệp kiều bào kinh doanh trên các lĩnh vực xuất nhập khẩu, xây dựng, du lịch, đến từ Úc, Pháp, Mỹ, Đức, Canada, Bỉ... Các vấn đề về hoàn thuế giá trị gia tăng, quy định về quyền sở hữu nhà cho Việt kiều; quy định miễn thuế hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là thuế và thủ tục nhập xe ô tô đã qua sử dụng… được rất nhiều kiều bào quan tâm đặt câu hỏi. Ngoài ra, tại buổi giao lưu, những bức xúc về nạn “cò” thủ tục xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu, những quy định kê khai quyết toán thuế không hợp lý… cũng được doanh nghiệp phản ánh đến lãnh đạo các ngành chức năng.

HÀN NI

70% nguyên phụ liệu sản xuất da, giày phải nhập khẩu

(SGGP).- Đây là con số được ông Trương Thanh Vũ, Trưởng phòng Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam, đưa ra tại hội thảo “Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ da giày trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2015 - 2025” do Sở Công thương TPHCM tổ chức ngày 21-8.

TPHCM có khoảng 520 doanh nghiệp (DN) da giày đang hoạt động, DN quy mô lớn chiếm 12%, nhỏ và vừa 55%, siêu nhỏ 33%. Trong số này, có 65% DN thực hiện theo phương thức sử dụng nguyên phụ liệu, thiết kế do khách hàng nước ngoài cung cấp và gắn nhãn hiệu sản phẩm theo yêu cầu của nước ngoài. Chỉ 25% - 30% số DN sản xuất theo phương thức tự thiết kế sản phẩm, tự mua nguyên liệu và có nhãn hiệu riêng. Do 70% nguồn nguyên liệu phải nhập khẩu từ nước ngoài nên ngành da giày Việt Nam kém khả năng cạnh tranh.

MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục