Kịp thời tư vấn cho thí sinh

Ngày 1-4, Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức buổi tư vấn trực tiếp, giải đáp thắc mắc của thí sinh, phụ huynh về kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sắp tới. Hàng trăm câu hỏi liên quan đến kỳ thi quan trọng này đã được các chuyên viên, tổ thông tin truyền thông của sở tư vấn, giải đáp kịp thời.

Ngày 1-4, Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức buổi tư vấn trực tiếp, giải đáp thắc mắc của thí sinh, phụ huynh về kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sắp tới. Hàng trăm câu hỏi liên quan đến kỳ thi quan trọng này đã được các chuyên viên, tổ thông tin truyền thông của sở tư vấn, giải đáp kịp thời.

Sát nút… vẫn chưa biết chọn trường, chọn nghề

Trong những câu hỏi gửi đến ban tư vấn của Sở GD-ĐT TPHCM, thí sinh quan tâm nhiều nhất đến cách thi, lựa chọn môn thi, bài thi, cách ghi nguyện vọng lẫn thay đổi nguyện vọng; cách thức nộp hồ sơ, xét tuyển...

Học sinh lớp 12 Trường THPT Trưng Vương TPHCM tự tin bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2017

Dù đã đến ngày đăng ký hồ sơ dự thi (1-4) nhưng một số thí sinh vẫn còn băn khoăn, chưa biết lựa chọn ngành nghề lẫn chọn trường ĐH, CĐ nào phù hợp.

Học sinh Đỗ Hữu Đức (quận Bình Thạnh) trăn trở với câu hỏi: “Em muốn thi vào ngành kỹ thuật xây dựng nhưng lại không có kiến thức về môn vẽ, vậy có nên thi vào ngành này không?”. Nhiều thí sinh chưa biết rõ mã ngành, thông tin về chương trình đào tạo chuyên sâu hoặc theo chuẩn quốc tế của trường sẽ chọn.

Một số khác thì thiếu thông tin chi tiết về quy chế xét tuyển, cộng điểm ưu tiên, khuyến khích và cách tính điểm chuẩn với nguyện vọng 1 và 2 như thế nào? Một số thí sinh tự do thì quan tâm đến thủ tục đăng ký hồ sơ dự thi, chọn môn thi, cách ghi hồ sơ…

Nhìn chung, những vấn đề học sinh lớp 12 nêu ra không có gì gai góc và băn khoăn chủ yếu vẫn là chọn ngành học, chọn nghề sao cho phù hợp và học xong dễ kiếm việc làm. Cũng có học sinh chọn tổ hợp bài thi khoa học xã hội nhưng chưa biết cách chọn ngành học và thông tin chính xác về ngành nghề mình thích học… “Em chọn thi khối khoa học xã hội thì có những ngành nghề nào và sau 4 năm học ra trường có dễ xin việc làm?”, học sinh Thanh Thúy bộc bạch nỗi niềm chọn nghề.

Thực tế cho thấy nhiều thí sinh rất thiếu thông tin về trường, chương trình đào tạo, chất lượng đầu ra, tỷ lệ có việc làm sau khi tốt nghiệp.

Theo một số chuyên gia và hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn TPHCM, do các trường chủ động cập nhật thông tin và giải đáp ngay các thắc mắc, băn khoăn của thí sinh nên năm nay, đa phần học sinh lớp 12 đều nắm vững quy chế thi. Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM) cho biết: “Dù quy định ngày 1-4 các trường THPT bắt đầu nhận hồ sơ, nhưng đến ngày 3-4 trường chúng tôi mới triển khai tư vấn lần cuối, hướng dẫn chi tiết, cụ thể cho học sinh lớp 12 về cách thức ghi hồ sơ dự thi đầy đủ, chính xác”.

Một số hiệu trưởng khác cũng cho rằng, việc ổn định tâm lý và hướng dẫn học sinh ôn tập, củng cố kiến thức và kỹ năng làm bài thi là quan trọng nhất. Việc tập dợt làm quen với ma trận đề thi, thử sức với những câu hỏi mở rộng, độ khó cao cũng như ước tính thời gian làm bài thi sẽ giúp học sinh tự tin, tránh tâm lý lo sợ, mất bình tĩnh trong khi làm bài. Tuy nhiên, trước thực tế tỷ lệ cử nhân thất nghiệp cao, một số học sinh lớp 12 cũng thiếu tự tin, dao động khi chọn lựa ngành nghề tương lai. Điều này là nỗi lo chung của nhà trường lẫn giáo viên trong việc tư vấn, định hướng cho các em.

Làm quen với ma trận đề

Tăng tốc dạy hết chương trình lớp 12, kết hợp ôn tập, rèn kỹ năng làm bài theo hình thức trắc nghiệm đối với các môn thi, tổ hợp bài thi nhưng nhiều trường THPT cho rằng, thời gian còn lại chuẩn bị cho kỳ thi quá ngắn, khá cập rập. Để tất cả học trò vượt qua kỳ thi quan trọng này, ngoài tập trung chăm lo cho đối tượng học sinh có lực học trung bình, yếu, các trường đều có cách ôn tập riêng, phù hợp với trình độ đầu vào của trường.

Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, năm nay kỳ thi THPT quốc gia có nhiều điểm mới, trong đó bài thi tổ hợp khoa học xã hội có môn mới là Giáo dục công dân. Vì thế, sở đã chỉ đạo các trường THPT không chỉ tập trung ôn tập kiến thức, nắm vững lý thuyết mà còn phải chú trọng kỹ năng làm bài thi theo yêu cầu đổi mới thi cử, vận dụng linh hoạt kiến thức đã học lẫn kiến thức xã hội vào thực tiễn, giải quyết linh hoạt vấn đề mà cuộc sống đặt ra. Theo đó, các trường THPT đã chú trọng ra ma trận đề thi để học sinh làm quen với hình thức làm bài trắc nghiệm, mở rộng các kiến thức đã học.

Ông Sơn cũng cho biết thêm là năm nay, sở không có chủ trương tổ chức thi thử vì sẽ tạo thêm áp lực cho học sinh mà giao các cụm trường, tổ chuyên môn tự đề xuất thi thử. Việc này gói gọn trong từng cụm trường để học sinh tập dợt với hình thức thi, thời gian làm bài. Hơn nữa để học sinh nắm vững các quy định của kỳ thi, các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên phải chủ động tư vấn, giải đáp mọi thắc mắc của các em.

Sau 2 năm giao việc tổ chức thi cho các trường ĐH, năm nay Bộ GD-ĐT đã giao cho các sở GD-ĐT địa phương chủ trì. Ngoài huy động khoảng 10.000 nhân sự làm giám thị, thanh tra, hỗ trợ kỳ thi, Sở GD-ĐT TPHCM đã chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất, điều kiện tốt nhất để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc ở tất cả các khâu. Bên cạnh đó, để giúp các thí sinh tự do đăng ký dự thi thuận tiện, sở cũng chỉ đạo các trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn tạo điều kiện và hỗ trợ làm thủ tục dễ dàng.

Giám đốc Lê Hồng Sơn cũng yêu cầu các trường THPT phải tổ chức dạy - học nghiêm túc, không được cắt xén nội dung, chương trình và giúp học sinh nắm vững kiến thức, ôn tập phù hợp với năng lực, trình độ của từng em.


KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục