Kỷ cương, chất lượng xuất bản bị buông lỏng

Đình chỉ hoạt động có thời hạn 2 tổ chức; buộc thu hồi, tiêu hủy 10.394 bản xuất bản phẩm vi phạm, xử phạt hành chính hơn 1,2 tỷ đồng... Đó là những con số khiến cho Hội nghị cơ quan chủ quản các NXB do Bộ TT-TT, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 8-1 ở Hà Nội lại một lần nữa “nóng” lên những vấn đề liên quan tới cơ sở vật chất, nguồn vốn và nhân sự.
Kỷ cương, chất lượng xuất bản bị buông lỏng

Đình chỉ hoạt động có thời hạn 2 tổ chức; buộc thu hồi, tiêu hủy 10.394 bản xuất bản phẩm vi phạm, xử phạt hành chính hơn 1,2 tỷ đồng... Đó là những con số khiến cho Hội nghị cơ quan chủ quản các NXB do Bộ TT-TT, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 8-1 ở Hà Nội lại một lần nữa “nóng” lên những vấn đề liên quan tới cơ sở vật chất, nguồn vốn và nhân sự.

50% lãnh đạo các nhà xuất bản chưa được đào tạo chuyên ngành

Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành (Cục XB), Bộ TT-TT, mặc dù số lượng sách xuất bản tăng hơn so với năm trước, nhưng chất lượng xuất bản phẩm chưa tương xứng, trong đó, một số xuất bản phẩm còn có nội dung vô bổ, nhảm nhí, thậm chí sai lệch. Một số nhà xuất bản tiếp tục hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả, thu nhập thấp, đời sống cán bộ, công nhân viên gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi cần có sự quan tâm, kiện toàn hơn nữa của cơ quan chủ quản. Đồng tình với nhận định này, ông Nguyễn An Tiêm, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của các NXB đang đứng trước những thách thức gay gắt. Số cán bộ được đào tạo, có trình độ, kinh nghiệm hoạt động xuất bản đang thưa vắng dần. Trên 50% lãnh đạo NXB không qua đào tạo chuyên ngành xuất bản. Nhiều cán bộ được điều động “ngang” sang xuất bản, trong đó có người không được chuẩn bị về nghiệp vụ.

Thực trạng đáng lo ngại như vậy song nỗ lực nhằm chuẩn hóa nhân lực của Cục XB thông qua việc cấp chứng chỉ hành nghề biên tập viên cũng gặp không ít khó khăn. Theo lãnh đạo Cục XB, mặc dù Luật Xuất bản 2012 đã có quy định biên tập viên phải có chứng chỉ hành nghề biên tập, đây là một trong những quy định đảm bảo cho sự quản lý chặt chẽ và nghiêm minh hơn đối với biên tập viên, những người trực tiếp thực hiện khâu quan trọng của quy trình xuất bản, đồng thời hạn chế ở mức cao nhất việc buông lỏng trách nhiệm để xảy ra sai phạm về nội dung. Thế nhưng, năm 2015, mặc dù Bộ TT-TT tổ chức nhiều khóa bồi dưỡng kiến thức pháp luật xuất bản và nghiệp vụ biên tập để quán triệt quan điểm, đường lối, bổ trợ kỹ năng, nghiệp vụ biên tập và cấp chứng chỉ hành nghề, 1/3 lãnh đạo các NXB vẫn chưa tham gia các khóa học này.

Tiêu chí cấp đổi giấy phép sẽ được điều chỉnh?

Cũng theo Cục XB, cho đến thời điểm này, vẫn còn 33 NXB chưa được cấp đổi giấy phép thành lập. Trong đó, 26 NXB chưa đủ điều kiện cấp đổi giấy phép thành lập theo quy định (chưa đủ nguồn kinh phí để hoạt động xuất bản, chưa đủ chức danh lãnh đạo nhà xuất bản, cơ quan chủ quản không phù hợp) và 7 NXB chưa được cơ quan chủ quản làm thủ tục đề nghị cấp đổi giấy phép thành lập hoặc đã nộp hồ sơ đề nghị nhưng thiếu giấy tờ liên quan như: NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, NXB Trẻ, NXB Hội Nhà văn, NXB Phụ nữ, NXB Hồng Đức, NXB Đại học Nông nghiệp, NXB Thanh niên.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Chu Hòa, Cục trưởng XB cho biết việc không đảm bảo quy định “kinh phí tối thiểu 5 tỷ đồng/năm” đang là một trong những lực cản lớn đối với việc cấp lại giấy phép hoạt động cho các NXB. Ông Nguyễn Trí Huân, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (cơ quan chủ quản NXB Văn học) cũng than rằng hội cả năm được cấp khoảng 2 tỷ đồng để hoạt động, vậy lấy đâu ra 5 tỷ đồng để đủ điều kiện hoạt động cho NXB. Bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính (cơ quan chủ quản của NXB Tài chính) cũng băn khoăn về việc quy định trong Nghị định 159 không nêu rõ nguồn để có 5 tỷ đồng này là từ ngân sách nhà nước hay từ những nguồn huy động khác như xã hội hóa... Vì thế nên vẫn còn khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. 

 

                     Một số ấn phẩm mạo danh, vi phạm bản quyền bị thu hồi trong năm 2015

Chia sẻ trăn trở của các NXB, xét trên điều kiện thực tế, Thứ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn cho rằng: “Đối với vấn đề tồn tại này, đề nghị cơ quan chủ quản cần phối hợp chặt chẽ với Bộ TT-TT, Hội Xuất bản để thống nhất phương án thực hiện trên nguyên tắc thống nhất trong việc thực thi các quy định của Luật Xuất bản. Về việc xác định nguồn vốn 5 tỷ đồng, cần xem xét lại quy định này tại Nghị định số 195/2013/NĐ-CP. Cần thiết có thể kiến nghị để sửa đổi nghị định, hoặc vận dụng sao cho tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà xuất bản triển khai thực hiện và hoạt động”.


MAI AN

Tin cùng chuyên mục