Kỹ năng cơ bản thoát nạn hiệu quả


Cách nào để thoát nạn an toàn khi mắc kẹt trong khu vực có nhiều khói khí độc? Đang trong thang máy gặp sự cố, phải làm gì? Sử dụng gas thế nào cho an toàn?... Dưới đây là những tư vấn của Cảnh sát PCCC TPHCM để người dân ứng phó hiệu quả khi có sự cố cháy nổ xảy ra.
Hiện trường vụ nổ bình gas do bảng điện lắp sát bên bị chập điện
Hiện trường vụ nổ bình gas do bảng điện lắp sát bên bị chập điện

Khom thấp người tránh khói độc

Khi bạn đang mắc kẹt giữa đám cháy, đặc biệt đám cháy có nhiều khói - khí độc, điều cần làm đầu tiên là tự trấn an, giữ bình tĩnh. Tiếp đến là nhanh chóng mở rộng cửa, làm thoáng không khí, cố gắng tự thoát (đưa người thân thoát ra khỏi đám cháy càng sớm càng tốt). Khi ra khỏi vị trí đám cháy nhưng vẫn còn trong khu vực có khói - khí độc bao trùm, cần lấy vải (quần áo, khăn…) thấm nước che mũi và miệng để hạn chế việc hít phải khí độc. Trong quá trình di chuyển ra khỏi khu vực có khói - khí độc, người thoát nạn phải khom thấp người, thậm chí bò hoặc trườn sát mặt đất vì khói thường bay phía trên, không khí sạch còn ở dưới. Và điều không kém phần quan trọng là gọi điện thoại số 114 cho Cảnh sát PCCC trong thời gian sớm nhất có thể để được ứng cứu kịp thời.  

Nằm song song với sàn, tay gối đầu khi thang máy rơi tự do

Thang máy là phương tiện di chuyển nhanh, thuận lợi trong các nhà cao tầng, tuy nhiên cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Thang máy thường xảy ra các sự cố như rơi tự do; đến vị trí tầng yêu cầu nhưng cửa buồng không tự động mở; đang di chuyển bỗng dừng đột ngột do mất điện hoặc lỗi hệ thống điều khiển; chạy với tốc độ nhanh hơn bình thường, di chuyển ngược hướng… Khi gặp những sự cố như trên trong lúc sử dụng thang máy cần giữ bình tĩnh. Khi thang máy dừng lại, người bị kẹt không nên bấm loạn xạ dễ làm rối hệ thống điều khiển mà thử bấm nút “mở cửa”. Nếu thang máy không thao tác theo yêu cầu, hãy ấn chuông cứu hộ.

Đối với thang máy tải khách hiện nay đều có bộ cứu hộ tự động Automatic Resue Device. Tác dụng của bộ cứu hộ là trong trường hợp thang máy mất điện sẽ đưa thang về tầng gần nhất thông qua hệ thống tích điện. Tiếp theo, người bị kẹt bằng nhiều cách như gọi điện thoại, nếu không có điện thoại thì gọi to, đập vào cửa thang…) để kịp báo ra ngoài. Trong thời gian chờ lực lượng bên ngoài hỗ trợ, người mắc kẹt tuyệt đối không được cạy cửa, leo trèo lên nóc cabin, rất nguy hiểm.

Trong trường hợp thang máy rơi tự do, người bị kẹt không nên đứng hoặc nhảy lên, như vậy sẽ dễ bị chấn thương đầu, gãy chân, xương chậu. Người bị kẹt hãy nằm song song với sàn nhà, càng gần chính giữa thang càng tốt, gối đầu lên một tay. Tư thế này sẽ giúp phân bổ đều lực rơi trên toàn cơ thể, giảm tối đa thương tích. 

Không lắp thiết bị điện gần bếp gas

Bếp gas là thiết bị không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày và để tránh các sự cố, tai nạn về gas, trước hết cần chấp hành đúng các quy định PCCC trong quá trình sử dụng bếp gas. Đầu tiên là chọn mua bình gas chính hãng, có các thiết bị an toàn như rờ le an toàn khi tắt lửa, khi quá nhiệt…

Vị trí đặt bếp gas có nền không cháy, cách tường 15cm, bên trên bếp không để các vật sắt nhọn. Cần lắp thêm đầu báo rò rỉ gas để phát hiện và xử lý sự cố rò rỉ gas sớm nhất. Không dán số điện thoại kêu gas trên bình gas để phòng sử dụng điện thoại cạnh bình gas. Nên đặt bếp cao hơn bình gas, không để ông dẫn gas chạm vào bề mặt nóng của bếp.

Không bố trí bàn thờ, bếp than, bếp củi, cầu dao điện gần khu vực đặt bếp, bình gas; không để chất dễ cháy như cồn, xăng dầu trong tủ, hộc bếp. Trước khi sử dụng bếp phải kiểm tra các bộ phận chia lửa đảm bảo khớp đúng vị trí. Khi bật công tắc đánh lửa bếp nhiều lần không thành công, phải để hơi gas trên bếp khuếch tán hết mới tiếp tục bật công tắc bếp gas trở lại, phòng ngừa lửa bùng cháy lớn gây nguy hiểm. Đối với cửa hàng gas, khi bước vào cửa hàng và ngửi có mùi gas, cần tắt hết tất cả thiết bị điện; gọi điện cho cảnh sát PCCC.

Tin cùng chuyên mục