Kỷ niệm 70 năm Điện ảnh cách mạng Bưng biền - Nam bộ: Vượt thử thách, làm nên điều kỳ tích

Ngày 15-10, Hội Điện ảnh TPHCM tổ chức kỷ niệm 70 năm Điện ảnh cách mạng Bưng biền - Nam bộ (15-10-1947 _ 15-10-2017). 

 

Tham dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM; Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, cùng nhiều thế hệ người làm điện ảnh Nam bộ và TPHCM.
Kỷ niệm 70 năm Điện ảnh cách mạng Bưng biền - Nam bộ: Vượt thử thách, làm nên điều kỳ tích ảnh 1 Đồng chí Lê Thanh Hải (bìa trái) đang xem những bức hình ghi lại hoạt động của Tổ Nhiếp - Điện ảnh Khu 8 triển lãm tại 272 Võ Thị Sáu (quận 3)
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, bà Dương Cẩm Thúy, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM nhấn mạnh: “Ngày 15-10-1947, Bộ Tư lệnh Quân khu 8 ra quyết định thành lập Tổ Nhiếp - Điện ảnh Khu 8 trực thuộc Phòng Chính trị Bộ Tư lệnh khu. Máy móc, nguyên vật liệu mua bằng con đường hợp pháp ở nội thành rồi tổ chức mang ra chiến khu. Công việc thật vất vả, chiếc máy 16 ly đầu tiên bị rớt xuống sông trong một đợt phục kích và bị hư hỏng. Tổ in tráng vừa hoàn chỉnh việc thiết kế thủ công thì bị Pháp nhảy dù lấy đi hết phim nhựa, máy móc, thuốc men dụng cụ. Lại phải làm lại từ đầu… Máy in tráng đặt trên xuồng có mui lưu động, có buồng tối làm lạnh bằng nước đá, in tráng phim bằng guồng thủ công… Vượt qua khó khăn, những thước phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng đã ra đời, bằng sự đam mê và nỗ lực vô cùng lớn lao của các nhà quay phim, nhiếp ảnh đồng thời cũng là những chiến sĩ cách mạng thực sự”. 
Bà Dương Cẩm Thúy khẳng định, các thế hệ người làm điện ảnh Việt Nam một lòng tạc dạ ghi ơn những người đã gầy dựng và phát triển điện ảnh cách mạng ở bưng biền Đồng Tháp Mười. Những nhà điện ảnh Khu 7, Khu 8, Khu 9 với những cái tên quen thuộc, như: Mai Lộc, Trần Kiềm, Nguyễn Thế Đoàn, Khương Mễ, Trần Nhu, Tuyết Trinh, Vũ Sơn, An Sơn… bằng cả tài năng, tấm lòng, sự hy sinh đã để lại một kho tư liệu hết sức quý báu, được trân trọng lưu giữ đến hôm nay, mãi nhắc nhở chúng ta về một nền điện ảnh đặc biệt của một dân tộc anh hùng. Tại lễ kỷ niệm, đồng chí Thân Thị Thư cho rằng, Điện ảnh Bưng biền - Nam bộ cùng với Điện ảnh Đồi Cọ - Việt Bắc đã đi vào lịch sử, góp phần in những dấu ấn rực rỡ đầu tiên vào cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khởi điểm hầu như với hai bàn tay trắng: kinh phí gần như không có, không thiết bị, không điện, không nước sạch, thiếu hẳn kiến thức, kinh nghiệm, tay nghề và luôn bị giặc Pháp càn quét, bắn phá… Thế nhưng những nhà làm phim kháng chiến vẫn miệt mài sáng tạo khắc phục thiếu thốn, vượt mọi thử thách, khó khăn làm nên kỳ tích có một không hai - những thước phim mang giá trị lịch sử. Hình ảnh đầy sinh động và cũng hết sức xúc động là “buồng tối lưu động” - chiếc xuồng được sử dụng làm buồng tối in tráng phim để vừa tiện di chuyển tránh địch càn quét vừa tiện mua nước đá làm lạnh phòng tối - đã trở thành biểu tượng sáng tạo đậm bản tính Nam bộ. Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Thân Thị Thư nhấn mạnh: “Trọng trách của chúng ta hôm nay là góp sức xây dựng, phát triển nghệ thuật điện ảnh thành một chuyên ngành nghệ thuật mũi nhọn, hiện đại, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, là một trong các thành phần trọng yếu cấu trúc nền công nghiệp văn hóa của TP và cả nước”. Ngay trong không gian diễn ra buổi lễ, gần 100 bức ảnh ghi lại những cảnh làm phim và những gương mặt nổi bật của Tổ Nhiếp - Điện ảnh Khu 8 được trưng bày, thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu. Bộ phim Trận Mộc Hóa cũng được chiếu lại tại lễ kỷ niệm. Những thước phim đen trắng đã trầy xước, dù có được xem đi xem lại nhiều lần vẫn vẹn nguyên sức thu hút và là một sự lay động rất lớn đến trái tim của mọi người.  Tại buổi lễ, Thành ủy TPHCM đã trao 38 phần quà tặng 38 nghệ sĩ - chiến sĩ đã có công xây dựng Điện ảnh Bưng biền - Nam bộ.

Tin cùng chuyên mục