Kỳ thi 2018: Đặc biệt chú trọng khâu bảo mật đề thi

Rút kinh nghiệm từ sự cố lọt đề thi trong kỳ thi vào lớp 10 của Hà Nội vừa qua, Bộ GD-ĐT yêu cầu tuân thủ nghiêm túc, đúng, đầy đủ hướng dẫn thực hiện quy chế thi. Công tác bảo mật đề thi được đặc biệt quan tâm.

Ngày 16-6, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị cung cấp thông tin về công tác thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2018.

Theo Bộ GD-ĐT, tổng số thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2018 là 925.792 em (năm 2018 là 866.006). Trong đó xét công nhận tốt nghiệp là 879.705 em; số thí sinh sẽ tham gia xét tuyển sinh ĐH-CĐ là 688.466 em, tăng hơn 48.000 so với năm 2017. Cả nước có 2.144 điểm thi với 39.689 phòng thi, bố trí ở các trường THPT, rất thuận lợi cho thí sinh.

Năm nay có 341.576 thí sinh đăng ký bài thi khoa học tự nhiên (KHTN) chiếm 37% (năm 2017 là 38%); 444.538 thí sinh đăng ký bài thi khoa học xã hội (KHXH), chiếm 48%, tăng khoảng 5% so với 2017; 36.016 thí sinh đăng ký cả hai bài thi tổ hợp, chiếm 4% (năm 2017 là 7%). Số còn lại 11 % trên tổng số thí sinh đăng ký dự thi các môn thi thành phần bài thi tổ hợp.

Về cơ bản kỳ thi THPT quốc gia 2018 được giữ ổn định như năm 2017 và có một số vi chỉnh về mặt kỹ thuật. Bộ GD-ĐT đã điều động các trường ĐH-CĐ địa phương phối hợp tổ chức thi ở các khâu: in sao đề, coi thi, chấm thi, phúc khảo... Dự kiến có khoảng 45.000 cán bộ, giảng viên các trường ĐH-CĐ tham gia phục vụ kỳ thi.

Bộ GD-ĐT cho hay, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã cơ bản hoàn tất. Các địa phương đã hoàn thành việc nhập dữ liệu thí sinh, đề thi đã được in sao, các công tác chuẩn bị đã xong, sẵn sàng cho kỳ thi diễn ra.

Bộ GD-ĐT công bố thông tin về kỳ thi 2018

Năm nay, rút kinh nghiệm từ sự cố lọt đề thi trong kỳ thi vào lớp 10 của Hà Nội vừa qua, Bộ GD-ĐT yêu cầu tuân thủ nghiêm túc, đúng, đầy đủ hướng dẫn thực hiện quy chế thi. Công tác bảo mật đề thi được đặc biệt quan tâm, các địa phương hiện đều đã có phương án cụ thể, khả thi để bảo mật tuyệt đối đề thi ở tất cả các khâu. Phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi thi đã được hoàn thiện, sử dụng dễ dàng, phục vụ tốt cho xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và công tác xây dựng đề thi. Phần mềm chấm thi trắc nghiệm đã được bàn giao và nghiệm thu, các sở GD-ĐT đã dùng thử cho kết quả tốt. Hệ thống phần mềm quản lý kỳ thi THPT quốc gia vận hành tốt, đến nay phần mềm hoạt động thông suốt, không có bất kỳ trục trặc nào.

Để bảo đảm an ninh cho kỳ thi, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và Công an các tỉnh, thành phố phối hợp với Bộ GD-ĐT, UBND các tỉnh, thành triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh cho kỳ thi, đặc biệt là công tác bảo mật đề thi, vận chuyển đề thi, bài thi, đảm bảo an toàn khu vực in sao đề thi, khu vực chấm thi, giữ gìn an ninh, trật tự và an toàn tại các địa điểm tổ chức thi trong các ngày thi.

Cho đến nay, toàn bộ các địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh; nhiều đơn vị thành lập thêm Ban chỉ đạo thi cấp huyện để giúp ban chỉ đạo thi cấp tỉnh chuẩn bị chu đáo và triển khai tổ chức tốt các điểm thi ở địa phương. Đã thực hiện việc rà soát kỹ lưỡng điều kiện cơ sở vật chất và công tác chuẩn bị của các điểm thi thuộc hội đồng thi, nhất là các điểm thi ở vùng sâu, vùng xa, các điểm thi đặt tại trung tâm giáo dục thường xuyên, các điểm thi sát khu dân cư, cơ quan, nhà máy, công xưởng … có thể gây khó khăn cho công tác bảo vệ an ninh trật tự của điểm thi.

Theo ông Nam Nhật Minh, Phó Trưởng phòng quản lý thi và tuyển sinh, Cục quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, năm nay công tác bảo mật đề thi sẽ được tăng cường gắt gao. Ví dụ những năm trước chỉ thu lại đề thi môn thi tổ hợp thì năm nay, kể cả giấy nháp, giấy tờ có dấu hiệu ghi chép nội dung đề thi của thí sinh đều bị thu lại. 

Theo Bộ GD-ĐT, công tác chuẩn bị kỳ thi càng thuận lợi thì càng phải cẩn thận, không được chủ quan để xảy ra những sự cố đáng tiếc, thậm chí có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt, công tác tập huấn nghiệp vụ coi thi phải hết sức kỹ lưỡng.
Kỳ thi năm nay, đáng chú ý, Thủ tướng không phải ra một chỉ thị riêng về kỳ thi THPT quốc gia 2018.  Điều đó thể hiện qua 3 năm thực hiện đổi mới, kỳ thi THPT quốc gia tương đối ổn định và theo hướng ngày càng nhẹ nhàng đi với xã hội, với phụ huynh, với học sinh nhưng vẫn bảo đảm trung thực, khách quan, an toàn. Xã hội đã có lòng tin đối với ngành giáo dục hơn.

 Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT cho hay, năm nay tăng cường công tác thanh tra thi, có cả lực lượng thanh tra của Bộ và của sở, thanh tra cơ động và thanh tra cắm chốt.

Theo ông Bằng, tuy không thể khẳng định tuyệt đối không có gian lận trong thi cử, vì hoàn toàn có thể có những gian lận như cán bộ coi thi trực tiếp giải bài hoặc giúp giảng bài cho thí sinh; lấy bài thí sinh này cho thí sinh khác chép; chấm thi không chính xác. Vì vậy, cần nhận diện rõ để hạn chế tối đa các gian lận này. 

Bên cạnh đó, cần đề phòng gian lận kỹ thuật cao, ví dụ máy tính cầm tay được phép đưa vào phòng thi cũng là thiết bị dễ gian lận, thẻ ATM, tai nghe không dây... “Tuy thiết bị có công nghệ cao đến đâu thì người sử dụng cũng có dấu hiệu dễ nhận biết, vì vậy chỉ cần giám thị tập trung sẽ phát hiện dấu hiệu gian lận”,  ông Nguyễn Huy Bằng cho hay.

Tại hội nghị triển khai công tác thi mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các trường ĐH- CĐ quán triệt quan điểm kỳ thi THPT quốc gia là kỳ thi tốt nghiệp chứ không phải là kỳ thi đại học. Vì thế tất cả các phương thức tổ chức phải phục vụ cho mục đích này chứ không phục vụ cho việc tuyển sinh ĐH. Sự tham gia của các trường ĐH-CĐ vào việc tổ chức kỳ thi không chỉ cần thiết, liên quan tới chất lượng đầu vào của chính các trường ĐH mà còn là trách nhiệm xã hội.

Phó Thủ tướng yêu cầu tăng vai trò tham gia của các trường ĐH-CĐ, không dừng lại ở phối hợp. Mỗi cán bộ, giảng viên được coi như cán bộ của Trung ương cử xuống địa phương để giám sát việc tổ chức kỳ thi. Kỳ thi tổ chức khách quan, trung thực sẽ là cơ sở để các trường ĐH-CĐ, được giao quyền tự chủ ngày càng cao, làm tham khảo, phục vụ cho công tác tuyển sinh.

Tin cùng chuyên mục