Kỳ vọng 6,7% và đôi điều suy ngẫm

Cuối tuần qua, Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2017 tăng 6,41% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, quý 1 tăng 5,15%, quý 2 tăng 6,28% (đây là GDP thực tế, cao hơn so với con số ước tính đã công bố trước đó là 6,17%), còn quý 3 tăng 7,46%.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, đây là tín hiệu tích cực, thắp lại niềm tin về việc nền kinh tế có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% của cả năm 2017. Mặc dù vậy, ông Lâm cho rằng, để đạt được mục tiêu đó, tăng trưởng GDP quý 4 sẽ phải ở mức 7,31%; đây là tỷ lệ rất cao và chưa từng có quý 4 nào đạt được trong chuỗi số liệu về tăng trưởng suốt từ năm 2011 đến nay.

Đáng chú ý, chỉ số tăng trưởng ngoạn mục của quý 3 được đóng góp chủ yếu bởi tăng trưởng của khu vực nông nghiệp và khu vực sản xuất, trong đó phải kể đến khu vực FDI với 2 cái tên tiêu biểu là Samsung và Formosa.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SSI nhìn nhận, điều này cho thấy khối doanh nghiệp nội chưa đóng góp nhiều cho tăng trưởng như mong muốn, nhưng cơ cấu tăng trưởng như vậy vẫn còn tốt hơn rất nhiều nếu tăng trưởng do khu vực trong nước mà toàn thông qua đầu tư tài sản hoặc dịch chuyển dự án. Cũng theo ông Hưng, GDP tăng trưởng ấn tượng, cơ cấu tăng trưởng dịch chuyển sang khu vực sản xuất, lạm phát ổn định, chỉ số chứng khoán tăng tốt nhất khu vực, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá tích cực...

Không chỉ các nhà quan sát, cảm nhận từ khối doanh nghiệp - những cỗ máy chính tạo ra tăng trưởng, cũng khá lạc quan. Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý 3-2017 cho thấy: có 41,5% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý 3 năm nay tốt hơn quý trước; 40,6% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và chỉ 17,9% doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn. Dự báo về quý 4 năm nay, có 52,6% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 36,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định, chỉ 11% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn. Tương tự, số đơn đặt hàng và đặt hàng xuất khẩu cũng được phần lớn các doanh nghiệp dự báo quý 4 khả quan hơn so với quý 3 (chỉ trên 10% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm), còn lại đều dự kiến tăng hoặc ổn định. Những dự báo này khá phù hợp với dự kiến sử dụng lao động, với 92,8% số doanh nghiệp dự báo quy mô lao động tăng hoặc ổn định, chỉ 7,2% dự báo giảm.

Trước băn khoăn về việc chỉ cách đó vài ngày, một số định chế tài chính quốc tế (trong đó có Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB) lại đưa ra dự báo giảm tốc độ tăng trưởng, Ông Nguyễn Bích Lâm tự tin: “Tôi cho rằng họ lo ngại trước những yếu tố bất định, những rủi ro từ nền kinh tế thế giới có thể tác động đến nền kinh tế Việt Nam, vốn có độ mở lớn. Còn những số liệu mà chúng tôi thu thập được từ các lĩnh vực cần đánh giá thì đều khả quan”.

Lẽ dĩ nhiên, người đứng đầu cơ quan thống kê quốc gia thừa nhận, để có thể “chạy nước rút” về đích thành công, có nhiều “rào cản” mà nền kinh tế phải vượt qua, như: công nghiệp khai khoáng tiếp tục giảm sút, sản xuất nông nghiệp có dấu hiệu chững lại; tiến độ thu ngân sách Nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; tình hình thiên tai, bão, lũ diễn biến phức tạp, bất thường ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp…

Trên quan điểm thận trọng, nhiều chuyên gia kinh tế trong nước nhấn mạnh, trong bối cảnh đời sống một bộ phận dân cư còn gặp khó khăn, diễn biến giá tiêu dùng cần được giám sát chặt chẽ. So với thời điểm tháng 12-2016, CPI tháng 9-2017 tăng 1,83% và so với cùng kỳ năm trước đã tăng 3,40%. Trong khi theo thông lệ, giá cả tiêu dùng thường có xu hướng tăng cao vào những tháng cuối năm, việc kiềm chế CPI ở mức dưới 4% là có thể, nhưng với điều kiện các nhóm hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý giá phải được điều hành linh hoạt.

Rủi ro vĩ mô do kích thích tăng trưởng bằng việc nới lỏng quá mức chính sách tiền tệ và tài khóa cũng chính là điều mà các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng ADB cảnh báo. Theo khuyến nghị, tăng trưởng tín dụng cả năm 2017 có thể đạt 21%, nhưng cần tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao; tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng tiếp cận vốn vay thuận lợi để phát triển sản xuất kinh doanh.

Tin cùng chuyên mục