Lạc đà chui lọt lỗ kim

Vài năm gần đây, tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp diễn ra ngày càng nhiều, quy mô ngày càng lớn, gây ảnh hưởng đến quy hoạch sử dụng đất và ảnh hưởng đến hiện trạng đất nông nghiệp. Mặc dù pháp luật nước ta đã có quy định chế tài đối với việc xây dựng trái phép, nhưng vẫn có nhiều người xem thường, vi phạm vẫn tràn lan. Tại các địa phương đã có nhiều vụ xây dựng trái phép biệt phủ, nhà vườn, nhà thờ tổ, khu ẩm thực, nhà xưởng... quy mô vài ngàn mét vuông trên đất nông nghiệp bị phát hiện. 

Tại ngoại thành TPHCM, trong xu thế đô thị hóa mạnh mẽ, nhiều diện tích đất nông nghiệp đã bị xóa sổ bởi các công trình xây dựng trái phép. Cụ thể như tại khu quy hoạch dự án khu dân cư Bắc Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè), đã phát hiện có 53 công trình xây dựng không phép, chủ yếu là xây dựng nhà ở, khu nhà trọ; nhiều thửa đất được mua bán bằng giấy tay; ngoài ra, có 14 công trình có giấy phép, nhưng trong số đó có đến 11 công trình xây dựng sai phép. Do công tác quản lý nhà nước về đất đai và xây dựng thiếu chặt chẽ, dẫn đến việc các hộ dân lấn chiếm, xây dựng qua nhiều thời kỳ. Tại huyện Củ Chi, tốc độ chuyển đổi nhà, vườn thành nhà xưởng, kho bãi ngày một tăng và lan rộng ra nhiều xã. Trên các trục đường như tỉnh lộ 8 (xã Tân Thạnh Tây), Trần Văn Chẩm (xã Phước Vĩnh An), Trần Văn Hoài (xã Tân An Hội),  Hồ Văn Tắng (xã Tân Phú Trung), Võ Văn Bích (xã Bình Mỹ và Tân Thạnh Đông)… đã có nhiều nhà xưởng, cơ sở sản xuất xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp không phù hợp quy hoạch, quy mô lớn từ 3.000m² đến hơn 10.000m², thành những cụm công nghiệp nhỏ tự phát nằm xen lẫn nhà cửa của người dân, lọt thỏm vào giữa khu dân cư. Có chủ đầu tư xây dựng nhà xưởng để trực tiếp sản xuất, cũng có nhiều chủ đầu tư xây dựng nhà xưởng để kinh doanh, cho thuê và sang nhượng kiếm lời.
Ở các xã nông thôn địa bàn rộng nhưng số hộ dân không quá lớn, không khó quản lý về an ninh trật tự địa bàn và hoạt động xây dựng diễn ra trên địa bàn. Không thể một đêm mà người ta xây được nhà 2 - 3 tầng, nên không thể nói là do thiếu nhân sự nên không phát hiện ra. Vì sao việc đưa hàng đoàn xe cơ giới ào ạt chở đất cát, vật liệu về san lấp hàng ngàn mét vuông đất và xây dựng các công trình quy mô lớn, mà chính quyền các địa phương không hay biết để kiểm tra, ngăn chặn? Với câu hỏi này, không khó có câu trả lời, và người dân phải ngán ngẩm than rằng “Lạc đà chui lọt lỗ kim”, không ít trường hợp người vi phạm chính là cán bộ lãnh đạo đương chức, nên chính quyền cấp xã không dám can thiệp, xử lý. Cũng có nhiều trường hợp vi phạm là người dân, doanh nghiệp, nhưng được chính quyền địa phương làm lơ do thiếu trách nhiệm, thậm chí tiếp tay vì lợi ích nhóm. Trong khi đó, chế tài của pháp luật trong việc xử lý xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp chưa nghiêm, có khi chỉ cần đóng tiền phạt là được hợp thức hóa, nên kém hiệu lực răn đe. 

Từ 5 năm trước, UBND TPHCM đã chỉ đạo tổng rà soát tình hình vi phạm xây dựng trên địa bàn; thực hiện sự phối hợp giữa thanh tra xây dựng và chính quyền địa phương; xây dựng quy chế phối hợp xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, áp dụng hàng loạt biện pháp siết việc xây dựng trái phép, như không giải quyết đăng ký thường trú và tạm trú, không cấp số nhà và giấy phép kinh doanh, cắt điện nước; quy trách nhiệm cụ thể từng cá nhân, tập thể khi xảy ra các vi phạm trong lĩnh vưc xây dựng. Các biện pháp đó khá chặt chẽ và nghiêm, tuy nhiên trong việc thực hiện giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị chức năng liên quan, vẫn chưa thực sự chặt chẽ và nghiêm, nên tình hình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp vẫn cứ diễn ra. Gần đây, tháng 3-2018 UBND TPHCM đã yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM phối hợp với các sở - ngành và UBND các quận - huyện rà soát lại các trường hợp người dân lấn chiếm, xây dựng trái phép, trái quy hoạch trên đất nông nghiệp.

Pháp luật nước ta quy định các công trình xây dựng trên đất nông nghiệp đều là những hành vi xây dựng trái phép. Chính vì thế trong các văn bản pháp luật, Nhà nước đã quy định những chế tài riêng để xử lý những hành vi xây dựng trái phép này. Những năm gần đây, hành lang pháp lý để quản lý, chế tài việc xây dựng trái phép đã được bổ sung chặt chẽ hơn, cùng với quy định tại Luật Xây dựng, còn có các quy định cụ thể tại Nghị định 64/2012/NĐ-CP về quản lý trật tự xây dựng; Nghị định 121/2013/NĐ-CP về xử phạt hành vi xây dựng trái phép; Nghị định 46/2014/NĐ-CP về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước; Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai; Nghị định 139/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính đầu tư xây dựng. Theo đó, các trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tùy vào từng trường hợp mà sẽ bị xử lý với các mức xử phạt hành chính khác nhau, đồng thời buộc phải khắc phục hậu quả, khôi phục nguyên trạng cho đất. Các công trình xây dựng trái phép phải được dỡ bỏ hoàn toàn.

Như vậy cũng chưa đủ! Thiết nghĩ nên quản chặt từ phía nhà thầu xây dựng. Theo đó, chủ đầu tư phải thuê nhà thầu có giấy phép hành nghề, và nhà thầu bị buộc có trách nhiệm làm đúng giấy phép đã được duyệt. Nếu xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng hoặc sai phép, thì chủ thầu bị mất giấy phép hành nghề, do vậy, chủ thầu cũng như chủ đầu tư không có cơ hội làm sai giấy phép. Cũng cần áp dụng kỷ luật xử lý ngay đối với người đứng đầu chính quyền địa phương khi để xảy ra vụ việc xây dựng trái phép trên địa bàn; xử lý kỷ luật nghiêm đối với cán bộ, đảng viên cố ý xây dựng trái phép.

Tin cùng chuyên mục