Lại gỡ khó cho nhà ở xã hội

Tại hội thảo về xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội (NƠXH) tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030 do Bộ Xây dựng tổ chức ở Hà Nội ngày 21-2, các chuyên gia đều cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là thiếu vốn. Do vậy, Nhà nước cần tiếp tục bố trí nguồn vốn và triển khai cơ chế cấp bù lãi suất cho ngân hàng.

Mới đạt 33% mục tiêu

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, tính đến hết năm 2018, số lượng công nhân khu công nghiệp (KCN) có nhu cầu về nhà ở vào khoảng 1,2 triệu người (dự kiến đến 2020 sẽ là 3 triệu người). Trong khi cả nước mới bàn giao 198 dự án NƠXH với 81.700 căn, tương đương 4.085.000m2 sàn nhà ở; đang triển khai 226 dự án NƠXH với 182.200 căn, tương đương 9,11 triệu m2. Xem ra, con số thực hiện mới chỉ đạt khoảng 33% so với mục tiêu đến năm 2020 trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia.

Nguyên nhân đầu tiên khiến kết quả phát triển NƠXH còn nhiều hạn chế là nguồn vốn; trong khi chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức việc phát triển NƠXH, nhất là việc bố trí đủ quỹ đất xây nhà. Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng chưa mặn mà trong việc đầu tư dự án; mức thu nhập của người dân còn thấp và một số cơ chế chính sách chưa phù hợp thực tế… cũng là những nguyên nhân được nhận diện.

Ông Nguyễn Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết lâu nay công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án NƠXH thường kéo dài, khiến tiến độ chậm, thậm chí có những dự án không thực hiện được. Các dự án nhà ở thương mại quy mô trên 10ha, tuy xác định dành 20% quỹ đất làm NƠXH nhưng thực tế nhiều chủ đầu tư chưa triển khai.

Một khó khăn nữa là quỹ đất cho NƠXH chưa được xác định trong các loại quy hoạch điểm dân cư nông thôn, khu chế xuất, khu công nghệ cao… nên việc chuẩn bị quỹ đất xây dựng NƠXH chưa mang tính dài hạn và căn cơ. Do vậy, ông Nguyễn Văn Danh kiến nghị cần ưu tiên sử dụng quỹ đất nhà nước trực tiếp quản lý do các doanh nghiệp di dời vào khu công nghiệp, quỹ đất do các cơ quan nhà nước đang quản lý thuộc diện sắp xếp lại để đầu tư xây dựng NƠXH thuộc sở hữu nhà nước.

Sớm triển khai cơ chế bù lãi suất

Theo quy định, ngân sách nhà nước sẽ cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng và Ngân hàng Chính sách xã hội khi thực hiện chính sách hỗ trợ NƠXH. Tuy nhiên, thực tế việc cân đối nguồn vốn ngân sách cho phát triển NƠXH gặp nhiều khó khăn. Theo Bộ Xây dựng, sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng giải ngân hết từ tháng 6-2016, đến nay ngân sách nhà nước mới bố trí được cho Ngân hàng Chính sách xã hội gần 1.300 tỷ đồng cho giai đoạn 2018-2020, chỉ bằng 13% so với nhu cầu. Riêng năm 2018, Ngân hàng Chính sách xã hội mới chỉ được giao 500 tỷ đồng; còn các tổ chức tín dụng khác chưa được bố trí nguồn vốn cấp bù lãi suất để cho vay.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đề xuất trước mắt nhanh chóng triển khai cơ chế bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại cổ phần do nhà nước chi phối cho cả chủ đầu tư và khách hàng vay. Như vậy, chỉ 1 tỷ đồng bù lãi suất có thể huy động thêm 33,3 tỷ đồng (dự tính mức bù lãi suất là 3%/năm) từ nguồn vốn ngoài ngân sách. Về lâu dài, cần có chính sách tín dụng ưu đãi cho các đối tượng xây dựng, mua, thuê, thuê mua NƠXH.

Nhiều ý kiến khác đề xuất thúc đẩy hình thành Quỹ tiết kiệm nhà ở, với mô hình đóng - tức chỉ huy động từ nguồn duy nhất là các hộ, cá nhân có nhu cầu vay để tạo lập nhà ở, không được huy động từ các nguồn khác. Đây là mô hình do người dân tự nguyện tham gia đóng góp và xã hội hóa, nghĩa là sử dụng vốn tư nhân và vốn nhàn rỗi của người dân... 

KIẾN NGHỊ CHO DOANH NGHIỆP XÂY DỰNG PHÒNG TRỌ DƯỚI 25M²

Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng đóng góp ý kiến hoàn thiện chính sách nhà ở xã hội. Theo đó, HoREA tiếp tục kiến nghị Chính phủ cho phép thí điểm doanh nghiệp đầu tư phát triển phòng trọ cho thuê có diện tích dưới 25m2/phòng, dù Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản đã có văn bản không đồng ý kiến nghị trên.

Việc tiếp tục kiến nghị này dựa trên cơ sở nhiều gia đình, cá nhân tại TPHCM được phép cho thuê phòng trọ diện tích nhỏ. Theo HoREA, việc thí điểm cho doanh nghiệp đầu tư phát triển phòng trọ cho thuê có diện tích dưới 25m2/phòng vừa đáp ứng nhu cầu vừa tạo ra sự cạnh tranh để các cá nhân, gia đình nâng cấp dịch vụ phòng trọ, nhà trọ hiện nay. Nhà nước đang có chủ trương chuyển đổi kinh doanh của các cá nhân, gia đình thành doanh nghiệp, nên sẽ có nhiều chủ nhà trọ, phòng trọ đủ điều kiện chuyển thành doanh nghiệp. Như vậy, không có lý do gì không cho doanh nghiệp bất động sản được đầu tư phòng trọ, nhà trọ. 

MINH HUY

Tin cùng chuyên mục