Lại khổ vì… học thêm

Theo hướng dẫn của ngành giáo dục TPHCM, tôi không có chủ trương cho con đi học chữ trước khi vào lớp một. Cháu chỉ biết và làm quen với mặt chữ chứ không đọc thông viết thạo như nhiều cháu khác được cha mẹ cho học chữ từ 5 tuổi.

Theo hướng dẫn của ngành giáo dục TPHCM, tôi không có chủ trương cho con đi học chữ trước khi vào lớp một. Cháu chỉ biết và làm quen với mặt chữ chứ không đọc thông viết thạo như nhiều cháu khác được cha mẹ cho học chữ từ 5 tuổi.

Thế nhưng, mới đi học được gần 1 tháng, con gái nhỏ của tôi tỏ ra sợ sệt và không tự tin đến lớp. Cháu thỏ thẻ rằng: “Ở lớp con bạn nào cũng biết viết và đọc chữ, được cô khen. Còn con luôn bị cô la rầy là chậm chạp. Có lần cô đánh lên tay con vì viết xấu…”. Thấy con có tâm trạng không vui, tôi an ủi cháu là từ từ rồi con sẽ biết đọc, biết viết chữ đẹp như các bạn. Nhưng sau mỗi ngày đi học về, cháu lại phụng phịu nói năn nỉ: “Mẹ ơi, mẹ cho con đi học thêm ở nhà cô đi mẹ!”. Cứ nghĩ cháu thích đi học thêm theo phong trào vì bạn bè cùng lớp đến học ở nhà cô sau giờ học bán trú khá đông. Nhưng sự thật không phải vậy!

Trong buổi họp phụ huynh đầu năm mới đây, cô giáo chủ nhiệm đã thể hiện rõ quan điểm khuyến khích học trò của mình học thêm bằng cách giới thiệu điểm thuê dạy thêm gần trường, rất thuận tiện cho phụ huynh đưa đón con. Vì gợi ý chuyện dạy thêm nên cô chê nhiều cháu, trong đó có tên con của tôi là chưa quen mặt chữ, phải rèn nhiều nên rất cực. Và lớp có đến 56 học sinh nên cô không có thời gian quan tâm đến từng cháu… Không những thế, cô còn nói thẳng là chủ trương không cho điểm của học sinh tiểu học là đúng, nhưng nếu không cho đi học thêm và cho điểm đánh giá năng lực thì các cháu sẽ không cố gắng học, rèn chữ. Thực lòng tôi không muốn cho con học thêm vì cháu còn nhỏ và cha mẹ có trình độ nên có thể dạy thêm chữ, rèn chữ cho cháu ở nhà. Thế nhưng, qua cách gợi ý của cô giáo, phụ huynh chúng tôi hiểu rất rõ là cô giáo muốn các cháu đi học thêm và nguồn thu từ mỗi cháu 300.000 đồng/tháng cho 3 buổi học cũng giúp cô có thêm cả chục triệu đồng/tháng. Nhiều phụ huynh đã cho con đi học cô thì thầm rằng: “Cô này thích dạy thêm, nếu không cho học thêm con mình bị đì, bị chê bai, sẽ mất hứng đi học…”.

Đúng là câu chuyện dạy thêm đầu năm lại tái diễn và nó luôn làm cho nhiều phụ huynh khó xử. Trừ một số phụ huynh bận rộn không có điều kiện chăm sóc con cái muốn gửi gắm con ở nhà cô để làm bài tập, rèn chữ, còn đa phần thì không muốn cho con học thêm, nhất là các cháu đã học bán trú cả ngày ở trường. Học thêm là tự nguyện, nhưng một khi giáo viên cố tình ép học sinh học thêm để kiếm thêm thu nhập mà phụ huynh từ chối thì thể nào cũng “có chuyện”. Nỗi khổ này bao giờ chấm dứt để môi trường giáo dục thực sự trong sạch và con tôi cùng nhiều đứa trẻ khác không phải nài nỉ mẹ cho đi học thêm từ lớp một hoặc bậc học cao hơn?

THANH NGA

Tin cùng chuyên mục