Lãi suất cuối năm khó giảm

Chính phủ vừa giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam phấn đấu tiếp tục giảm 0,5% lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm 2017. Nhiều ý kiến cho rằng, với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm được điều chỉnh lên 21%, ngân hàng sẽ gặp khó khăn về vốn, vì tín dụng thường tăng mạnh vào những tháng cao điểm kinh doanh cuối năm.  
Các ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm để hút vốn cho vay cuối năm. Ảnh: HUY ANH
Các ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm để hút vốn cho vay cuối năm. Ảnh: HUY ANH
Đầu vào tăng,đầu ra khó giảm
Sau khi tín dụng tăng mạnh trong 2 quý đầu năm, không ít các ngân hàng đã dùng hết chỉ tiêu và hiện đang xin nới room tín dụng để có dư địa cho vay. Để có nguồn vốn cho mùa kinh doanh cuối năm, từ đầu tháng 9-2017, nhiều ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất huy động từ 0,1% - 0,4%, đồng thời đưa ra nhiều chính sách tặng quà “khủng” cho khách hàng để hút vốn.
Cụ thể, gửi tiền tiết kiệm tại PVCombank, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất cao nhất đến 7,9%/năm. Khi gửi tiền tối thiểu 30 triệu đồng với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, sẽ được hưởng ưu đãi lãi suất cộng thêm tới 0,4%/năm. Ngoài ra, khách hàng còn có cơ hội trúng 3 chuyến du lịch đến Buhtan dành cho 2 người và 5 chiếc điện thoại Samsung S8 Plus.
Ngân hàng Viet Capital Bank cũng đang có chương trình “Gửi 1 - nhân 3” với tổng giá trị giải thưởng lên đến 2 tỷ đồng và lãi suất 8,2%/năm cho kỳ hạn 18 tháng. Kienlongbank đang thu hút vốn bằng chương trình “Gửi tiền Kiên Long - Nhận quà thả ga - Trúng 3 xế hộp” dành cho khách hàng gửi tiết kiệm trên toàn quốc, với hàng chục ngàn giải thưởng có tổng giá trị trên 6,8 tỷ đồng… 
Lý giải việc cộng thêm lên đến 0,3% lãi suất huy động cho kỳ hạn trên 6 tháng, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết: “Trên thị trường, một số ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ, mức lãi suất huy động khá cao. Để chuẩn bị nguồn vốn dồi dào phục vụ mùa sản xuất, kinh doanh cao điểm cuối năm, chúng tôi buộc phải tăng lãi suất để hút vốn cũng như giữ chân khách hàng”. 
Việc các ngân hàng “nhìn nhau” tăng lãi suất trong thời gian qua, theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, các ngân hàng đã tăng tốc tín dụng ngay từ những tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng hiện đã vượt quá nửa so với chỉ tiêu đưa ra ban đầu ở mức 18%. Chỉ tiêu này lại vừa được nới lên 21% - 22%, nên các ngân hàng phải cần vốn để bơm ra thị trường. Và khi cần vốn thì các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động. Cùng với đó, trong bối cảnh sức ép lạm phát trong những tháng cuối năm lớn, lãi suất huy động phải đảm bảo thực dương mới hấp dẫn được người gửi tiền. “Lãi suất cho vay có giảm hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, khi lãi suất đầu vào tăng thì lãi suất đầu ra sẽ khó mà kéo giảm”, ông Hiếu phân tích. 
Thanh khoản sẽ gặp khó
Tính đến cuối tháng 8-2017, tín dụng toàn ngành tăng khoảng 11,5% nhưng huy động chỉ tăng 9,1%. Tuy nhiên, báo cáo từ các ngân hàng cho thấy thanh khoản vẫn dồi dào. NHNN cũng cho biết, trên thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng), thanh khoản tiền đồng vẫn khá tốt, thậm chí còn dư thừa để hỗ trợ các ngân hàng về thanh khoản nhằm giữ được lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế.
Thực tế cho thấy, từ đầu năm đến nay, ước tính NHNN đã mua gần 9 tỷ USD, có nghĩa là NHNN gián tiếp bơm tiền ra hệ thống để ổn định lãi suất. Đặc biệt, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng tiếp tục xu hướng đi lên. Tính đến cuối tháng 8-2017, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước là khoảng 160.000  tỷ đồng, tăng 68% so với đầu năm.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, từ nay đến cuối năm, ngân hàng sẽ gặp phải căng thẳng nhất định về thanh khoản. Theo phân tích của ông Barry Weisblatt, Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích Công ty Chứng khoán Bản Việt, lãi suất liên ngân hàng đã phục hồi nhẹ trong tháng 8 sau khi giảm mạnh trong tháng 7. Mặc dù cuối kỳ, lãi suất qua đêm ở mức 0,5%, không đổi so với cuối tháng trước, nhưng lãi suất 1 tuần và 2 tuần tăng 17 điểm cơ bản và 16 điểm cơ bản (đạt lần lượt 0,767% và 0,933%), cho thấy thanh khoản của hệ thống đã bớt dư thừa.
"Mặt bằng lãi suất cho vay VND tại các ngân hàng đang ở mức tương đối thấp. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn được áp dụng từ 4% - 5%/năm. So với lãi suất tiền gửi tiết kiệm, biên lợi nhuận trong cho vay của các ngân hàng hiện nay đã thấp nên cơ hội giảm nữa sẽ khó. Tuy nhiên, với room tín dụng mới được điều chỉnh lên 21%, sẽ là cơ hội cho các ngân hàng đẩy mạnh cho vay, nhất là những tháng cuối năm. Do đó, lãi suất cho vay cũng có thể giảm trong thời gian tới vì các ngân hàng cạnh tranh nhau trên thị trường, nhưng khó giảm mạnh". 
Ông PHẠM HỒNG HẢI,
Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam
Ngoài ra, trong tháng 8, NHNN tiếp tục tích cực phát hành tín phiếu ngân hàng để hấp thụ lượng lớn tín phiếu ngân hàng đáo hạn trong tháng 8. NHNN đã bơm ròng 14,5 ngàn tỷ đồng trong tháng 8, sau khi hút ròng trong tháng 7. Việc quyết tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công sẽ ảnh hưởng lớn đến thanh khoản ngân hàng trong những tháng cuối năm. 
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, cũng nhận định nhu cầu chi tiêu của dân cư và nhu cầu thanh toán của doanh nghiệp tăng lên. Cùng với đó, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước ở ngân hàng được rút ra sẽ quay về hệ thống (qua việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư công), nhưng có độ trễ nhất định, dẫn đến thanh khoản sẽ khó khăn trong một giai đoạn cụ thể. 
Theo các chuyên gia, thanh khoản trên thị trường 1 (vay - huy động cá nhân và tổ chức) ảnh hưởng khá nhiều đến lãi suất cho vay. Vì vốn trên thị trường 2 chỉ là ngắn hạn, không thể dùng vốn thị trường 2 sử dụng cho thị trường 1. Trong khi huy động tiền tại thị trường 1, đặc biệt trong những kỳ hạn dài là rất hạn chế. Chính vì thế, các chuyên gia cho rằng, nếu chạy theo mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21% thì ngân hàng sẽ gặp khó vì áp lực vốn. Đây cũng là bài toán tiềm ẩn rủi ro, vì vốn ngân hàng hiện chủ yếu được huy động từ trong dân và ngắn hạn. Trong khi đó, các ngân hàng đẩy mạnh cho vay trung, dài hạn, sẽ gây khó khăn trong việc cân đối vốn ngắn hạn cho vay ra.

Tin cùng chuyên mục